Chăn nuôi vịt “khô”- Tiềm năng phát triển trên địa bàn huyện Dương Minh Châu

Thứ tư - 21/06/2017 16:00 409 0
Chăn nuôi vịt “khô”- Tiềm năng phát triển trên địa bàn huyện Dương Minh Châu

Trong những năm gần đây với các chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi đã đi vào thực tiễn cuộc sống, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hàng hoá, an toàn và bền vững. Nhiều mô hình chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường đã được thực hiện trên địa bàn huyện. Trong đó có mô hình chăn nuôi vịt "khô" đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường.

Trước đây nuôi vịt chủ yếu theo hình thức nuôi chạy đồng, người nuôi di chuyển đàn vịt đến những ruộng lúa vừa mới thu hoạch để vịt ăn mót lúa đổ, ăn các loại cua, ốc trên đồng… Nuôi theo hình thức này giúp người chăn nuôi tiết kiệm nhiều chi phí thức ăn nhưng nguy cơ phát sinh và lây lan các loại dịch bệnh trên đàn vịt cũng rất lớn. Hiện nay phương thức này dần được thay thế bằng phương thức mới là chăn nuôi tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao, kiểm soát dịch bệnh và môi trường trong chăn nuôi.

Việc hiện đại hoá ngành chế biến thực phẩm đòi hỏi một số lượng vịt lớn, được cung cấp đều đặn cho các nhà máy giết mổ gia cầm đã dẫn tới xu hướng nuôi vịt tập trung, đẩy mạnh việc chuyển đổi từ chăn nuôi quy mô nhỏ, sang chăn nuôi quy mô lớn, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, năng suất cao, chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao. Phương thức chăn nuôi vịt trên cạn (nuôi khô trong nhà) đã và đang được áp dụng rộng rãi, đặc biệt là  Đồng Nai, Bình Dương hiện nay là những tỉnh dẫn đầu cả nước về tổng đàn vịt thịt cung ứng về thị trường thành phố Hồ Chí Minh theo mô hình chăn nuôi vịt công nghiệp trong chuồng kín, không sử dụng ao hồ. So với hình thức nuôi chạy đồng, hình thức nuôi vịt khô có nhiều ưu điểm như: diện tích chăn nuôi nhỏ, khoảng 5 con/m2; người nuôi chủ động kiểm soát nguồn thức ăn, nước uống, dễ sử dụng thuốc phòng bệnh nhất là các loại thuốc sử dụng qua đường uống; tỷ lệ tiêu hao thức ăn cho 1Kg thể trọng thấp; nguy cơ xảy ra dịch bệnh và lây lan dịch bệnh thấp; tỷ lệ vịt thất thoát trong quá trình nuôi thấp do không bị thất lạc trong quá trình chạy đồng, không bị ảnh hưởng bởi thuốc trừ sâu; ngoài ra còn có thể tận dụng phân vịt để nuôi cá.

Dương Minh Châu là huyện có điều kiện rất phù hợp để phát triển mô hình này. Hiện nay trên địa bàn huyện có 05 trang trại chăn nuôi vịt theo mô hình này với số lượng 50.000 con. Trong đó có 02 mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp giữa doanh nghiệp và hộ nông dân của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam. Chuồng trại chăn nuôi được thiết kế hiện đại, khoa học, phù hợp với điều kiện sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, chủ động kiểm soát nhiệt độ đáp ứng sinh lý vật nuôi, giảm phát sinh dịch bệnh, giảm rủi ro trong chăn nuôi. Có hệ thống vệ sinh tiêu độc sát trùng và quy trình xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường.

Một số hình ảnh về chăn nuôi vịt "khô"



Mô hình chăn nuôi vịt khô này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời cung cấp sản phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường và an toàn cho người tiêu dùng nhờ giống vịt tốt, dễ nuôi, ít bệnh. Hơn nữa, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm thì việc phát triển mô hình nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm bảo đảm sức khỏe cho người nuôi, giảm tình trạng nuôi vịt chạy đồng, hạn chế rủi ro, lây lan dịch bệnh, không lệ thuộc mùa vụ là rất thiết thực, cần nhân rộng nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo sự ổn định trong chăn nuôi, quản lý được dịch bệnh, phát huy tiềm năng sẵn có tại địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho người dân./.

Phòng Thú y Cộng đồng – Chi cục Thú y Tây Ninh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây