Hướng dẫn tái đàn lợn theo hướng an toàn sinh học

Thứ tư - 21/10/2020 16:00 330 0

Bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra trên loài lợn, bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỉ lệ chết cao, lên đến 100%.

Tại Tây Ninh, bệnh DTLCP xuất hiện vào tháng 7/2019 tại xã Thành Long, huyện Châu Thành và nhanh chóng lan rộng ra 78/95 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng gần 1.937 hộ. Số lợn phải tiêu hủy là 32.355 con, tổng trọng lượng trên 1.800 tấn, gây thiệt hại lớn cho các hộ chăn nuôi. Sau một thời gian quyết liệt phòng, chống dịch bệnh của cả hệ thống chính trị và người dân,  đến ngày 27/12/2019, DTLCP đã cơ bản được khống chế, không phát sinh ổ dịch mới; UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã khẩn trương thực hiện đầy đủ và kịp thời chính sách hỗ trợ người chăn nuôi có lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy.

Từ đầu năm 2020 đến ngày 06/10/2020, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 1.124 xã thuộc 274 huyện của 49 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổng số lợn bị tiêu hủy là 55.312 con. Tổng trọng lượng bị tiêu hủy trên 2.700 tấn. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát, lây lan ra diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn, tăng đàn lợn và bảo đảm nguồn cung thịt lợn.

Riêng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh DTLCP  không xảy ra. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tổ chức thực hiện kịp thời các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh như: tổ chức giám sát dịch bệnh, tiêm phòng, tiêu độc khử trùng; tăng cường công tác kiểm dịch và kiểm soát giết mổ; tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân, khuyến cáo người chăn nuôi tái đàn an toàn dựa trên hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Tuy nhiên, tỷ lệ tái đàn không đồng đều, phần lớn tập trung vào các trang trại, còn đối với các nông hộ đạt thấp, nhiều hộ chăn nuôi có tâm lý e dè do thiếu nguồn vốn và lo ngại về tình hình dịch bệnh.


Hình minh họa: chăn nuôi lợn an toàn

Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh bám sát địa bàn hỗ trợ các địa phương, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện việc đăng kí, kê khai hoạt động chăn nuôi và kiểm tra giám sát điều kiện chăn nuôi của các hộ theo quy định tại tại Điều 55 và Điều 56 của Luật Chăn nuôi; Thông tư số 20/2019/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 11 năm 2019  Quy định việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi và Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 23 tháng 11 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông và PTNT Hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi. Tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và kiên quyết xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm.


Hình: Hội nghị phổ biến Luật Chăn nuôi và tập huấn công tác phòng, chống DTLCP tại Sở Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh

Chi cục cũng đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện , thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra hướng dẫn tái đàn đảm bảo an toàn sinh học, giúp cho việc vừa tăng đàn vừa đảm bảo dịch bệnh không xảy ra.

Việc tái đàn, tăng đàn lợn cần đảm bảo các nội dung sau:

* Nguyên tắc nuôi tái đàn lợn

- Chỉ nuôi tái đàn lợn tại cơ sở chăn nuôi lợn chưa bị bệnh DTLCP hoặc tại cơ sở có bệnh nhưng đã qua 21 ngày và không tái phát bệnh DTLCP; bảo đảm các biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

- Đối với  các huyện, thị xã, thành phố  chưa công bố hết bệnh DTLCP, chỉ được nuôi tại cơ sở tập trung chưa bị bệnh DTLCP, đã được chứng nhận an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, được cấp chứng nhận VietGAHP, GlobalGAP hoặc được chính quyền cơ sở, cơ quan thú y địa phương xác nhận đáp ứng đủ yêu cầu an toàn dịch bệnh để tái đàn, tăng đàn.

* Yêu cầu đối với cơ sở nuôi tái đàn lợn

- Tổ chức, cá nhân chăn nuôi lợn phải kê khai với UBND xã, phường, thị trấn trước khi thực hiện việc nuôi tái đàn lợn, tăng đàn theo quy định của Luật Chăn nuôi và Thông tư số 23/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 11 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Có chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, con giống, thức ăn nước uống, chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh thú y và các biện pháp quản lý cơ sở chăn nuôi theo các quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y hoặc đã được chứng nhận cơ sở an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGAHP, GlobalGAP.

- Định kỳ lấy mẫu môi trường, nước, chất thải,... xét nghiệm khẳng định không có vi rút DTLCP đối với các cơ sở chăn nuôi có quy mô lớn.

* Các bước nuôi tái đàn lợn

- Nuôi chỉ báo với số lượng hợp lý, phù hợp với công suất nuôi của cơ sở để bảo đảm không có dịch bệnh tái phát trong khoảng thời gian ít nhất 21 ngày.

- Hằng ngày theo dõi, giám sát chặt chẽ số lợn nuôi chỉ báo trong thời gian ít nhất 21 ngày; trường hợp cần thiết lấy mẫu xét nghiệm phát hiện mầm bệnh DTLCP (chủ cơ sở có thể tự lấy dưới sự giám sát của cán bộ thú y hoặc cán bộ thú y cơ sở thực hiện việc lấy mẫu). Trường hợp nghi lợn bị bệnh, phải khai báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

- Sau khi nuôi chỉ báo ít nhất 21 ngày, nếu lợn không có biểu hiện bệnh hoặc mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với bệnh DTLCP (áp dụng đối với trường hợp lấy mẫu xét nghiệm), thực hiện nuôi tái đàn thận trọng và có thể nuôi đạt 100% quy mô chăn nuôi của cơ sở.

- Chính quyền địa phương và cơ quan thú y tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn; tăng cường việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hiện trên địa bàn toàn tỉnh, tổng đàn lợn khoảng 190.000 con, tăng 2,2% so với tổng đàn cuối năm 2019. Dự kiến, đến hết năm 2020, tổng đàn lợn sẽ tăng lên đạt khoảng trên 197.000 con, đáp ứng nguồn cung thịt lợn và góp phần bình ổn giá thịt lợn. Để đạt mục tiêu này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi đẩy mạnh việc tái đàn lợn, tăng đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT; xây dựng kế hoạch tái đàn phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm cân đối đủ nguồn cung - cầu về thịt lợn./.

                                                          Phòng Dịch tễ Thú y – Chi cục Chăn nuôi và Thú y

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây