Quyết định số 1520/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045

Thứ hai - 09/11/2020 17:00 469 0

Ngày 06/10/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Quyết định số 1520/QĐ - TTg về chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi trong giai đoạn mới được xây dựng căn cứ trên quan điểm phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển các chuỗi giá trị,  nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm, đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng thị trường trong nước và tăng cường xuất khẩu. Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn; đẩy mạnh việc xã hội hóa các hoạt động trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Mục tiêu chung là công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi trong nước thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực.

Cụ thể, mức tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2021-2025 đạt trung bình từ 4-5%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt trung bình từ 3-4%/năm. Định hướng đến năm 2030, tổng đàn heo cả nước đạt quy mô từ 29-30 triệu con, chăn nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 70%. Tổng đàn gà đạt từ 500-550 triệu con, khoảng 60% nuôi theo phương thức công nghiệp. Trong chiến lược cũng định hướng phát triển chăn nuôi các vật nuôi khác như: thủy cầm, trâu, bò, dê, cừu, thủy sản, yến… Khuyến khích phát triển ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi, ngành giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi.


Hình: Trang trại bò sữa Vinamilk Tây Ninh 

Đến năm 2045, ngành chăn nuôi là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất đến chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết các sản phẩm chăn nuôi gồm: thịt, trứng, sữa đều được sản xuất trong các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm an toàn dịch bệnh và thân thiện với môi trường; 100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp…

Để đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược xác định các giải pháp cụ thể như hoàn thiện các nhóm chính sách về phát triển chăn nuôi (chính sách đất đai, tài chính, tín dụng, thương mại, khuyến nông và thông tin tuyên truyền); nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường; khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi; nâng cao chất lượng, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi; nâng cao năng lực giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi; phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành chăn nuôi; đổi mới tổ chức sản xuất; tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi, thú y.


Hình: Phân loại trứng gà tại trại gà QL Vietnam Agroresources, Tây Ninh

Theo Chiến lược, ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư cho phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực quản lý ngành chăn nuôi, thú y; kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo tồn và phát triển nguồn gen giống vật nuôi bản địa, quý, hiếm; dự trữ sản phẩm chăn nuôi thiết yếu phù hợp với từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, Chiến lược yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực chăn nuôi, thú y, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo quy định của pháp luật.

Chiến lược đưa ra 05 Đề án ưu tiên thực hiện để phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 gồm: Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải; phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ, khuyến nông và tăng cường năng lực quản lý nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện Chiến lược; xây dựng các chương trình và đề án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện hàng năm và năm năm; đề xuất, kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ quyết định những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền, bổ sung, điều chỉnh Chiến lược phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành có liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố để trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt./.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây