Hướng dẫn phòng chống bệnh cúm lợn

Thứ năm - 17/09/2020 15:00 2.693 0

Bệnh cúm lợn (Swine influenza hay swine flu) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút cúm A gây ra và có thể gây nên những tổn thất nặng nề về kinh tế cho ngành chăn nuôi lợn. Bệnh thường có những biểu hiện đặc trưng ở đường hô hấp như ho, sổ mũi, chảy nước mũi, khó thở, thân nhiệt tăng cao, chán ăn,…. Tỷ lệ mắc bệnh cao, có thể đến 100%, nhưng tỷ lệ chết thấp (khoảng 1%).

1. Một số đặc điểm của vi rút cúm

a) Cấu tạo

Bệnh cúm lợn do một loại vi rút cúm típ A, thuộc họ Orthomyxoviridae, có vỏ bọc glycoprotein với chuỗi gien ARN, kích thước trung bình gây ra trên lợn. Vi rút cúm típ A có thể chia thành nhiều típ phụ khác nhau. Các típ phụ thường được phát hiện phổ biến ở Châu Âu trên lợn gồm H1N1, H1N2 và H3N2. Ngoài ra một số típ phụ khác cũng đã được tìm thấy trên lợn gồm H1N7, H3N1, H4N6, H3N3, H9N2 ở Châu Mỹ. Các loài động vật có vú và loài cầm cũng có thể nhiễm chủng vi rút cúm A/H1N1.

b) Sức đề kháng

Tồn tại trong chất thải lỏng 105 ngày vào mùa đông. Trong phân tồn tại được 30-35 ngày ở nhiệt độ 4°C; 7 ngày ở nhiệt độ 20°C. Vi rút có thể tồn tại trong máu và xác động vật chết đông lạnh 3 tuần.

Vi rút bị bất hoạt bởi bức xạ mặt trời, tia tử ngoại, ở nhiệt độ 70°C trong thời gian 15 phút. Vi rút có vỏ bọc nên rất nhạy cảm rất các chất tẩy rửa, sát trùng và dung môi hữu cơ.

2. Tình hình dịch bệnh

Vi rút cúm A/H1N1 được phát hiện lần đầu tiên ở lợn vào năm 1918 tại vùng đông Illinois, Hoa Kỳ. Từ đó đến nay chủng vi rút cúm này đã gây bệnh cúm "cổ điển" ở lợn.

Các ổ dịch cúm lợn thường xảy ra vào mùa đông của các nước Bắc Mỹ và Châu Âu. Bệnh cũng đã được báo cáo ở nhiều nơi trên thế giới, từ Châu Phi, Ấn Độ, Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore và Nam Mỹ. Riêng ở Việt Nam cho đến nay chưa phát hiện thấy bệnh cúm lợn. Ngành Thú y đang tổ chức giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào trong nước.

3. Cơ chế truyền lây

Vật chủ tự nhiên của vi rút cúm típ A là người, động vật có vú và gia cầm. Vi rút có nhiều trong dịch đường hô hấp của lợn mắc bệnh, từ đây mầm bệnh có thể lây lan trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn khỏe mạnh thông qua các dịch tiết, không khí khi lợn bệnh hắt hơi, sổ mũi, ho,….Các vật dụng và người cũng có thể mang mầm bệnh từ chuồng lợn bệnh sang chuồng lợn khỏe mạnh.

Mầm bệnh có thể lưu hành trên lợn suốt cả năm nhưng thường gây dịch trong các tháng cuối mùa thu và mùa đông (tương tự như mùa dịch cúm trên người). Sự xuất hiện và lây lan của bệnh thường liên quan đến việc vận chuyển lợn hoặc sản phẩm của lợn chưa qua xử lý thích ứng, đặc biệt là vận chuyện qua biên giới.

4. Biểu hiện lâm sàng

Thời gian nung bệnh thường từ 1-3 ngày. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, làm hầu hết lợn trong đàn bị bệnh trong cùng thời điểm. Lợn mẫn cảm có thể đột ngột phát bệnh với các triệu chứng như: ho, sổ mũi, chảy nhiều nước mũi, khó thở, sốt (40,5ºC – 41,7ºC), mệt mỏi, bỏ ăn, lợn con nằm co cụm lại một chỗ, da mẩn đỏ.


Hình: Lợn sốt cao, mệt mỏi, nằm một chỗ khi bị cúm lợn

Nếu lợn bệnh không bị các loại mầm bệnh kế phát khác tấn công và được chăm sóc tốt thì có thể bình phục sau 5-7 ngày. Nếu có mầm bệnh khác kế phát thì làm lợn bị bệnh trầm trọng hơn, tỷ lệ chết tăng lên.

5. Phòng, chống bệnh cúm lợn

Kiểm soát nghiêm ngặt động vật và sản phẩm động vật nhập khẩu, đặc biệt là vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn chưa qua chế biến.

Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, khi phát hiện lợn nghi mắc bệnh thì báo ngay cho cán bộ thú y và chính quyền địa phương để xác minh và lấy mẫu gửi về phòng thí nghiệm

Lợn mua về nuôi phải rõ nguồn gốc xuất xứ, có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Do vi rút cúm lợn có đặc điểm phát tán, lây lan chủ yếu qua đường tiếp xúc trực tiếp, do đó khi nghi ngờ lợn mắc bệnh thì cần phải cách ly ngay những con lợn bệnh để hạn chế lây lan. Đồng thời thực hiện việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng toàn bộ khu chuồng nuôi và các khu vực tiếp giáp xung quanh; tăng cường công tác chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý đàn và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi như: thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi và thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

- Người chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu huỷ lợn bệnh hoặc khi tiếp xúc với lợn cần sử dụng các thiết bị bảo hộ lao động tối thiểu như khẩu trang, ủng, găng tay, kính, quần áo bảo hộ. Sau khi tiếp xúc cần vệ sinh tiêu động khử trùng, rửa chân, tay bằng nước xà phòng đề phòng mầm bệnh lây sang người./.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây