Nhằm tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân khai thác thủy sản biết các quy định của Nhà nước về các loại ngư cụ cấm sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng để khai thác thủy sản; các mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; chỉ đạo cấm khai thác, mua bán, tiêu thụ thủy sản trong hồ Dầu Tiếng theo Công văn số 2127/UBND-KTTC ngày 07/9/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc nghiêm cấm khai thác thủy sản trong thời gian thả cá giống vào hồ Dầu Tiếng.
Ngày 09/10/2020, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh phối hợp với phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường tỉnh Tây Ninh, Đồn Công an hồ nước Dầu Tiếng, Công an huyện Dương Minh Châu và UBND xã Phước Minh tổ chức buổi tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về thủy sản cho khoảng 70 hộ dân sống bằng nghề khai thác thủy sản tại Hội trường UBND xã Phước Minh.
Hình: Một buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật về thủy sản tại UBND xã Phước Minh huyện Dương Minh Châu
Nội dung tuyên truyền, phổ biến tập trung triển khai Quyết định số 32/2020/QĐ-UBND ngày 25/8/2020 của UBND tỉnh Tây Ninh quy định bổ sung ngư cụ cấm sử dụng để khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; triển khai chỉ đạo cấm đánh bắt, mua bán, tiêu thụ cá trong thời gian thả cá giống vào hồ Dầu Tiếng; vận động người dân khai thác thủy sản ký cam kết không sử dụng ngư cụ cấm trong khai thác thủy sản.
- Tuyên truyền, phổ biến Công văn số 2127/UBND-KTTC: Nghiêm cấm khai thác thủy sản; các hoạt động mua bán, tiêu thụ thủy sản có nguồn gốc khai thác trái phép trong hồ Dầu Tiếng từ ngày 15/10/2020 đến hết ngày 15/11/2020.
Cấm tuyệt đối các trường hợp tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng các loại ngư cụ cấm để khai thác thủy sản, nếu phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Tuyên truyền, phổ biến các loại ngư cụ cấm sử dụng theo Quyết định số 32/2020/QĐ-UBND:
+ Lồng xếp: loại ngư cụ có tên thường gọi tại địa phương là "lợp xếp", "lợp bát quái, "lờ dây" hay "18 cửa ngục";
+ Dớn: loại ngư cụ có tên thường gọi tại địa phương là "dến" hay "lú";
+ Te, xiệp: loại ngư cụ có tên thường gọi tại địa phương là "ghe nhũi" hoặc "ủi dồn";
+ Lưới kéo: loại ngư cụ có tên thường gọi tại địa phương là "ghe cào" hoặc "giã cào";
+ Ngư cụ kết hợp ánh sáng.
- Tuyên truyền, phổ biến đến người dân các mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP:
+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản.
+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá.
+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản.
+ Các mức phạt tiền đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản: tùy theo chiều dài của phương tiện, mức tiền phạt từ 15.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
+ Tàng trữ, sử dụng chất cấm, hóa chất cấm, chất độc để khai thác thủy sản mức phạt từ 10.000.000 đến 70.000.000 đồng tùy vào từng hành vi vi phạm.
- Qua cuộc tuyên truyền, người dân khai thác thủy sản đã hiểu thêm về những quy định mới của Nhà nước. Qua đó, người dân tham gia khai thác tyhuy3 sản lựa chọn sử dụng ngư cụ khai thác khác không vi phạm pháp luật.
- Kết thúc buổi tuyên truyền người dân tham gia ký bản cam kết không sử dụng ngư cụ cấm trong khai thác thủy sản với chính quyền địa phương và với Công an hồ Dầu tiếng./.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y
Ý kiến bạn đọc