Tây Ninh triển khai công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt 4 năm 2020

Thứ năm - 01/10/2020 15:00 124 0

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 8 tháng đầu năm 2020, các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm đã xảy ra ở phạm vi rộng và có nguy cơ gia tăng vào các tháng cuối năm 2020 do các loại mầm bệnh còn lưu hành ở ngoài môi trường; thời tiết thay đổi, mưa nhiều làm ảnh hưởng đến sức đề kháng vật nuôi, thuận lợi cho mầm bệnh phát triển; chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều; nhu cầu vận chuyển, tiêu thụ trong các tháng cuối năm tăng cao.

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, từ đầu năm đến nay, không phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; tuy nhiên nguy cơ phát sinh dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao, do các nguyên nhân đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định nêu trên và thông tin dịch bệnh trên đàn trâu, bò hiện nay tại tỉnh Svay Riêng, Căm-Pu-Chia.

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan, nhất là tại các khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh, ngày 17/9/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công văn số 3492/SNN-CCCN&TY về việc triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường theo chỉ đạo của Ủy ban nhân tỉnh. 


Hình ảnh thú y viên đang thực hiện tiêu độc khử trùng

Theo kế hoạch, thời gian thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng bắt đầu từ ngày 20/9/2020 và kết thúc ngày 20/10/2020. Số lượng thuốc sát trùng sử dụng là 2.500 lít, chai nhỏ đựng thuốc để chia nhỏ lượng thuốc sát trùng là 25.000 chai; phương thức thực hiện cụ thể như sau:

- Các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm: chủ động thực hiện tự tổ chức tiêu độc khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận theo lịch của cơ sở, ít nhất mỗi tuần 1 lần. Phát quang cây cỏ xung quanh chuồng trại chăn nuôi; quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh. Vệ sinh, tiêu độc khử trùng người, phương tiện ra, vào khu vực chăn nuôi; hạn chế tối đa việc ra, vào thăm cơ sở chăn nuôi.

- Chăn nuôi hộ gia đình: nuôi nhốt gia súc, gia cầm; quét dọn sạch sẽ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm bao gồm cả nơi chăn thả; thu gom phân rác, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn. Phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm và vùng phụ cận, ít nhất mỗi tuần 1 lần.

- Cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm: phát quang cây cỏ xung quanh và quét dọn sạch sẽ toàn bộ khu vực lò ấp, đường ra vào cơ sở ấp; thu gom vỏ trứng sau khi đã ấp nở để tiêu huỷ. Chủ động thực hiện tự tổ chức phun tiêu độc khử trùng hàng ngày toàn bộ diện tích cơ sở ấp trứng, đường ra vào cơ sở ấp trứng, các phương tiện vận chuyển trứng giống và gia cầm mới ấp nở...

- Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung: chủ động tự thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng nơi nhốt gia súc, gia cầm chờ giết mổ và khu vực giết mổ sau mỗi ca sản xuất; phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm ra, vào cơ sở giết mổ. Phát quang cây cỏ xung quanh cơ sở, nhà xưởng; khơi thông cống rãnh.

- Chợ, điểm buôn bán gia súc, gia cầm: các hộ kinh doanh tự thực hiện vệ sinh các quầy bán thịt; quét dọn sạch sẽ khu vực buôn bán của mình. Ban quản lý chợ tổ chức phun thuốc sát trùng khu vực buôn bán gia súc, gia cầm cuối mỗi buổi chợ.

- Nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm: UBND các xã, phường, thị trấn huy động lực lượng tổ chức quét dọn, vệ sinh sạch sẽ.

- Tại cửa khẩu, khu vực đường mòn, lối mở biên giới và trạm, chốt kiểm dịch động vật: vệ sinh, tiêu độc khử trùng các phương tiện dùng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua cửa khẩu, khu vực đường mòn, lối mở và qua trạm kiểm dịch.

- Đối với động vật, sản phẩm động vật nhập lậu bị thu giữ: vệ sinh phương tiên vận chuyển nhập lậu và quét dọn, phun thuốc khử trùng khu vực nhốt, giữ động vật ngay sau mỗi đợt tiêu hủy. Phân, rác thải phải được xử lý chôn hoặc đốt.

Người chăn nuôi cần lưu ý việc tiêu độc khử trùng thực hiện ít nhất 1 tuần/ lần, phải lựa chọn loại thuốc có phổ sát khuẩn rộng, an toàn không độc hại cho đàn gia súc, gia cầm và không ăn mòn dụng cụ trong chăn nuôi.

Qua các đợt thực hiện vệ sinh, tiêu độc sát trùng hằng năm của tỉnh, đội ngũ thú y viên và những người tham gia đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Cùng với sự hợp tác, hưởng ứng của người chăn nuôi trong việc thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng đã góp phần giảm sự lưu hành của vi rút gây bệnh trong môi trường, ngăn chặn sự phát sinh và lây lan của dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhất là các khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh. Tất cả các yếu tố trên, đã giúp ngành Thú y chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đảm bảo chăn nuôi an toàn./.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y (PDTTYy)


  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây