Tây Ninh triển khai công tác tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đợt 2/2020

Thứ sáu - 07/08/2020 16:00 246 0

Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, không những ảnh hưởng đến sự phát triển chăn nuôi gia cầm, thiệt hại về kinh tế mà còn là mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng. Hiện nay, tại một số tỉnh thuộc khu vực Nam bộ đã phát sinh dịch bệnh cúm gia cầm; điều kiện thời tiết diễn biến thất thường gây ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi đòi hỏi sự tích cực, tập trung thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, năm 2017 đã xảy ra 01 ổ dịch Cúm gia cầm tại huyện Bến Cầu; năm 2018 xảy ra 01 ổ dịch tại huyện Châu Thành.  Đây là 02 ổ dịch xuất phát tại 02 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm và đã được cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng. Năm 2019, bệnh không xảy ra nhưng kết quả giám sát chủ động cho thấy có 44/84 mẫu dương tính type A chiếm 52,38%; trong đó, 03 mẫu dương tính với cúm A/ H5N1, chiếm 3,57% (cao hơn bình quân của cả nước). Như vậy, nguy cơ phát sinh dịch bệnh Cúm gia cầm luôn tồn tại trong quá trình chăn nuôi.

Nhằm mục đích chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh, ngày 31/7/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành kế hoạch số 2810/KH-SNN về việc tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn  đợt 02 năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.


Hình: Tiêm vắc xin Cúm gia cầm mũi 1 cho gà con

Theo kế hoạch, thời gian tiêm phòng bắt đầu từ ngày 31/7/2020 và kết thúc  ngày 15/11/2020. Loại vắc xin sử dụng là vắc xin Cúm tái tổ hợp vô hoạt A/H5N1 chủng Re6. Sau đợt tiêm phòng định kỳ, các  huyện, thị xã, thành phố cần rà soát và tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi phát sinh chưa được tiêm phòng hoặc hết thời hạn miễn dịch. Tỷ lệ tiêm phòng đối với các bệnh bắt buộc tiêm phòng phải đạt hơn 80% tổng đàn thuộc diện tiêm và tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng phải đạt hơn 70%.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng thú y và các ban, ngành có liên quan khẩn trương tiêm phòng cho đàn gia cầm chăn nuôi nông hộ nuôi có quy mô từ 1.000 con trở xuống, đặc biệt gia cầm ở các vùng có ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao. Đối với các hộ chăn nuôi gia cầm có quy mô trên 1.000 con phải tự túc chi phí mua vắc xin cúm gia cầm và tự tổ chức tiêm phòng cho đàn gia cầm của gia đình. Số lượng vắc xin cúm gia cầm sử dụng trong đợt 2/2020 là 700.000 liều, được cung cấp làm 02 lần để đảm bảo chất lượng vắc xin. Số lượng vắc xin Niu-cát-xơn sử dụng là 135.000 liều, tiêm phòng cho gà chăn nuôi nông hộ dưới 1.000 con trên địa bàn huyện Dương Minh Châu để duy trì vùng an toàn dịch bệnh.

Về kinh phí thực hiện, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí mua vắc xin tiêm phòng và tiền công tiêm phòng đối với các hộ có quy mô mô chăn nuôi dưới 1.000 con.

Chủ cơ sở chăn nuôi là doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài, doanh nghiệp quân đội và các cơ sở liên doanh với các doanh nghiệp trên tự đảm bảo kinh phí tổ chức tiêm phòng và khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi theo quy định. 

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm, do đó người chăn nuôi cần lựa chọn loại vắc xin phù hợp, có hiệu lực với chủng vi rút đang lưu hành trên địa bàn tỉnh. Theo khuyến cáo của Cục Thú y, hiện nay loại vi rút cúm gia cầm đang lưu hành trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là vi rút cúm A/H5N1 thuộc nhánh 2.3.2.1.c. Vì vậy, người chăn nuôi cần lựa chọn loại vắc xin đã được cấp giấy chứng nhận lưu hành, phù hợp điều kiện dịch tễ  đảm bảo cho công tác tiêm phòng an toàn, hiệu quả như: vắc xin Navet-Vifluvac; H5N1 Re-6; K-New H5…

Sau nhiều đợt tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm, hiện nay đội ngũ thú y viên và những người tham gia tiêm phòng của tỉnh đã có kinh nghiệm. Việc tiêm phòng không còn xa lạ với người chăn nuôi; đa số người dân đã tích cực hưởng ứng và có ý thức hợp tác trong việc tiêm phòng để bảo vệ đàn gia cầm. Với những điều kiện thuận lợi đó, ngành Thú y có thể chủ động trong  công tác phòng, chống dịch bệnh động vật đảm bảo chăn nuôi an toàn./.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây