Quy trình kỹ thuật chăn nuôi heo

Thứ năm - 25/04/2019 22:00 17.150 0

Chăn nuôi heo là ngành chăn nuôi có vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp của tỉnh. Ngành chăn nuôi heo của tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển: có quỹ đất nông nghiệp dồi dào, có nhiều diện tích xa khu dân cư, xa nguồn gây ô nhiễm, vị trí gần TP HCM và nước bạn Campuchia, thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm… nên thích hợp cho việc xây dựng các trang trại chăn nuôi tập trung, công nghiệp.

Năm 2018, Tây Ninh có 177.556 con heo, trong đó đàn nọc, nái là 16.723 con, heo thịt là 160.833 con. Sản lượng thịt năm 2018 ước đạt 43.425 tấn, tăng 6,23 % so với năm 2017.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y xây dựng quy trình chăn nuôi heo an toàn, phòng chống dịch bệnh và tăng năng suất trong chăn nuôi heo đến bà con nông dân tham khảo, nghiên cứu áp dụng.

I. CHUỒNG TRẠI

Chuồng trại cần được xây dựng nơi cao ráo, thoáng mát, theo hướng Đông hoặc Đông Nam. Vách cao 0,7 – 0,8m bằng tường, sắt hoặc lưới kẽm. Nền chuồng làm bằng xi măng hoặc lót đan có độ dốc 2 – 3%. Nên gắn núm uống tự động để heo luôn được uống nước sạch mát. Có sân chơi cho heo nái hậu bị, nái mang thai, heo đực giống.

- Mật độ nuôi:

            

- Kiểu chuồng:

+ Chuồng 1 dãy: Dùng nuôi ít heo, địa thế hẹp.

+ Chuồng 2 dãy: Dùng nuôi nhiều heo, địa thế rộng.

+ Chuồng lồng: Chuồng được làm bằng các khung kim loại, có diện tích nhỏ, nền bằng đan, bê tông hay vỉ nhựa, nền cao cách mặt đất 50 – 60 cm , dùng nuôi heo cai sữa và heo lứa, tiết kiệm diện tích chuồng nuôi, hợp vệ sinh.

+ Chuồng ép: Dùng nuôi heo nái chửa, nái nuôi con. Heo được nhốt với diện tích hẹp, không được vận động do đó cần chú ý chế độ dinh dưỡng cho phù hợp.

II. GIỐNG HEO  

* Một số giống heo ngoại nhập

- Heo Yorkshire: Có nguồn gốc ở Anh, toàn thân màu trắng, đầu to trán rộng, mõm dài hơi cong, hai tai đứng hơi nghiêng về phía trước, lưng thẳng, bụng thon, 4 chân khỏe đi trên ngón. Giống heo thuộc nhóm nạc mỡ, 6 tháng tuổi đạt 90 – 100kg, trưởng thành nọc nái đạt từ 250 – 300kg. Đẻ 1,8 – 2,2 lứa/năm, 8 – 9 con/lứa, heo sơ sinh 1 – 1,8kg/con, sản lượng sữa cao, nuôi con giỏi, năng suất thịt cao, tiêu tốn thức ăn thấp, sức đề kháng cao, thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi gia đình và trang trại, thích hợp làm nái nền.

- Heo Landrace: Có nguồn gốc từ Đan Mạch, là giống heo cho nhiều nạc. Heo có sắc lông trắng tuyền, đầu nhỏ, mông đùi to, 2 tai xụ bít mắt, chân nhỏ, đi trên ngón, 6 tháng tuổi đạt 80 – 90kg, trưởng thành nọc nái đạt 200 – 250kg. Đẻ 1,8 – 2,5 lứa/năm, 8 – 10con/lứa. Giống heo tốt sữa đẻ sai nuôi con giỏi, tỷ lệ nuôi sống cao, thích hợp làm nái nền.

- Heo Duroc: Xuất xứ từ Mỹ, có lông màu đỏ nâu, heo thuần chân có móng màu đen nâu, không có móng trắng, 2 tai xụ từ nửa vành phía trước, lưng Duroc bị còng, ngắn đòn. Là giống heo cho nhiều nạc, phẩm chất thịt tốt, 6 tháng tuổi đạt 80 – 85kg, nọc nái trưởng thành 200 – 250kg. Đẻ 1,8 – 2 lứa/năm, 8con/lứa. Là giống heo sinh sản kém hơn 2 giống heo York, Land (đẻ khó, ít sữa).

- Heo Pietrain: Xuất xứ ở Mỹ. Trọng lượng trưởng thành con đực 260 – 300kg, con cái 230 – 260kg, thân dài 1,5 - 1,6m, độ dầy mỡ lưng trung bình 7,8mm, mông rất phát triển, nhiều nạc nhất so các giống heo ngoại hiện nay. Nhưng khả năng chịu đựng kém, 90% nhạy cảm các yếu tố stress, tăng trọng giai đoạn 30 – 90kg là 760g/ngày, tiêu tốn thức ăn 2,56kg/1kg tăng trọng.

* Cách chọn heo để nuôi

- Chọn heo khỏe mạnh, lanh lẹ, vai mông nở nang, da lông bóng mượt, không dị tật, dài đòn, chân chắc khoẻ… Chọn heo đã được tiêm phòng vắc- xin đầy đủ để ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

- Chọn heo nái:

 + Có số vú từ 12 đến 16 vú, cân đối, khoảng cách giữ các vú đều lộ rõ, không có vú lép …..Hai hàng vú cách đều nhau

 + Từng núm to đều, trơn, tròn bóng, hồng

 - Chọn heo nọc:

 + 2 dịch hoàn to đều, không treo cao, không trễ thấp.

 + Da dịch hoàn trơn nhẵn, không quá bóng và cũng không nhăn nheo

 + Phụ dịch hoàn nổi rõ, thể hiện tính hăng.

 + Bao quy đầu to vừa, không tịt

III. KỸ THUẬT NUÔI DƯỠNG CHĂM SÓC

1. Nuôi dưỡng chăm sóc heo thịt

Thời gian nuôi heo thịt thường được chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn sẽ có những tiêu chuẩn dinh dưỡng khác nhau.

a. Giai đoạn 1

Heo thịt được nuôi từ 70 - 130 ngày tuổi và có trọng lượng trung bình từ 20 - 60 kg. Đây là thời kỳ cơ thể phát triển khung xương, hệ cơ, hệ thần kinh, do đó khẩu phần cần nhiều protein, khoáng chất, vitamin để phát triển cả chiều dài và chiều cao thân. Thiếu dưỡng chất trong giai đoạn này sẽ làm cho khung xương kém phát triển, hệ cơ vì thế cũng không phát triển, heo trở nên ngắn đòn, ít thịt vì bắp cơ nhỏ, sự tích lũy mỡ ở giai đoạn sau nhiều hơn. Nhưng nếu dư thừa dưỡng chất sẽ làm tăng chi phí chăn nuôi, dư protein sẽ bị đào thải ở dạng rue gây hại cho môi trường, heo dễ bị viêm khớp, tích lũy mỡ sớm. Người chăn nuôi nên cho heo ăn theo khẩu phần có 17 - 18% protein thô, giá trị khẩu phần có từ 3100 - 3250 Kcal.

b. Giai đoạn 2

- Heo thịt được nuôi từ 131 - 165 ngày tuổi và có trọng lượng trung bình từ 61 - 105 kg. Đây là thời kỳ heo tích lũy mỡ vào các sớ cơ, các mô liên kết nên heo sẽ phát triển theo chiều ngang, mập ra. Nên giai đoạn này heo cần nhiều glucid, lipid hơn giai đoạn 1, ngược lại nhu cầu protein, khoáng chất, vitamin ít hơn. Dư dưỡng chất lúc này chỉ làm tăng chi phí thức ăn và tăng lượng mỡ, nhưng nếu thiếu dưỡng chất sẽ làm heo trở nên gầy, bắp cơ dai không ngon, thiếu những hương vị cần thiết, thịt có màu nhạt không hấp dẫn người tiêu dùng. Giai đoạn này nhà chăn nuôi sử dụng thức ăn có khẩu phần có protein thô từ 14 - 16%, giá trị khẩu phần có từ 3000 - 3100 kcal.

  • Kỹ thuật nuôi heo thịt theo 2 giai đoạn nên áp dụng để nuôi các giống heo ngoại có khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh, có tỷ lệ nạc cao như Landrace, Hampshire hay heo lai F2 có 75% tỷ lệ máu ngoại trở lên. Kỹ thuật này thường áp dụng ở những cơ sở chăn nuôi tập trung, có trình độ thâm canh cao.
  • Phẩm chất thức ăn có quan hệ trực tiếp đến phẩm chất thịt heo khi giết mổ. Nếu khẩu phần chứa nhiều chất béo xấu thì sẽ cho quầy thịt có mỡ bệu, dễ bị hóa lỏng và ôi dầu khi tồn trữ lạnh lâu (chất béo của bột cá xấu sẽ tạo mùi tanh cho thịt và ít người ưa chuộng).
  • Nên bố trí máng ăn đủ cho số heo trong đàn để hạn chế mức ăn không đồng đều và nên cho ăn nhiều lần trong ngày để tăng hiệu quả sử dụng thức ăn. Tập cho heo có phản xạ ăn theo giờ để tăng khả năng tiêu hóa. Trong khi cho ăn nên theo dõi tình trạng sức khỏe và khả năng ăn vào của từng con trong chuồng. Ngoài ra, cần chú ý đến chất lượng thức ăn phải đủ dưỡng chất và không bị nhiễm độc tố nấm mốc.
    - Nước uống: nước uống cho heo cần phải sạch và đầy đủ, cần bố trí vòi uống tự động để heo tự do uống.
    * Lưu ý:
    - Khuynh hướng gần đây của các trại nuôi heo cao sản thì chỉ tắm heo trong những trường hợp thật cần thiết vì việc tắm heo sẽ làm cho heo tăng độ dày của lớp mỡ lưng (đây là phản ứng của heo để chống lại nước lạnh). Như vậy heo sẽ mất nhiều năng lượng hơn và chất lượng của quầy thịt không đạt theo yêu cầu về tỉ lệ nạc. Mặt khác, tắm heo cũng là một trong những nguyên nhân làm cho những heo yếu trong đàn dễ nhiễm bệnh.

2. Nuôi dưỡng chăm sóc heo nái

a. Heo cái hậu bị   

- Heo hậu bị trước khi nhập chuồng phải được nuôi dưỡng chăm sóc sao cho không làm giảm khả năng sinh sản của chúng.

– Nhập heo đồng nhất từ một giống heo làm hậu bị từ một trang trại có uy tín, chất lượng

– Tỷ lệ nhập hậu bị thay thế hàng tháng khoảng 3 – 4% số nái sinh sản đang khai thác.

– Tỷ lệ heo hậu bị chiếm khoảng 10% số nái sinh sản.

– Vào mùa nóng (tháng 4 hoặc tháng 5) có thể nhập tăng lượng heo hậu bị lên 20 – 30% để bù đắp lượng heo chậm lên giống vào mùa nóng.

– Chuẩn bị chuồng nuôi cách ly và thích nghi, nên cách xa khu vực chuồng mang thai và nuôi con. Cần tối thiểu 30 – 45 ngày để nuôi cách ly.

– Giảm tối đa stress do mật độ nuôi chật chội để gia tăng tỷ lệ rụng trứng và lên giống. Nên nuôi 5 – 6 heo hậu bị trong một ô chuồng với diện tích khoảng từ 1,5 – 1,8 heo/1m2.

Nuôi dưỡng heo hậu bị: Trong quá trình nuôi dưỡng không được để hậu bị lớn quá nhanh. Nếu để heo phát triển quá nhanh, năng suất lứa đầu có thể vẫn tốt và hầu hết lượng mỡ tích luỹ được tiêu thụ hết khi nái nuôi con lứa đầu, nhưng khoảng cách động dục trở lại kéo dài. Có thể lần phối giống tiếp theo sẽ thành công, nhưng số con trên lứa và năng suất nái sẽ giảm ở những lứa tiếp theo.

Đối với heo hậu bị có trọng lượng nhỏ hơn 60 kg cho ăn như heo thịt, tránh để heo mập mỡ. Đối với heo hậu bị có trọng lượng lớn từ 61 đến 80kg cho ăn từ 1,8 – 2kg/con/ngày, sau khi lên giống lần 1 cho ăn 2,8 - 3,0kg/con/ngày, dùng TAHH 14 – 16% đạm. Sau khi phối giống chuyển sang nuôi theo chế độ heo nái chửa.

 b. Xác định động dục và phối giống

 Phối giống đúng phương pháp: Heo hậu bị được phối giống lần đầu khi đạt 8 tháng tuổi và đạt trọng lượng 120 kg.

 Xác định heo lên giống (động dục):

 Khi heo lên giống sẽ xuất hiện các biểu hiện khác thường như: bồn chồn, đứng nằm không yên, có thể cắn phá chuồng, một số con bỏ ăn, ăn ít, quay đầu, có biểu hiện nghe ngóng … Đặc biệt cơ quan sinh dục biểu hiện rất rõ:

 – Những ngày đầu: Âm hộ sưng to, đỏ gấp 2 – 3 lần bình thường, niêm mạc đỏ, có dịch nhày.

 – Những ngày sau: dịch đặc dính ở ngày thứ 3. Lúc này âm hộ héo chuyển dần từ màu đỏ sang màu mận chín, niêm mạc ít sưng hơn.

 – Để kiểm tra cũng như để kích thích heo động dục, tăng sự hưng phấn và hiệu quả của phối giống, hàng ngày ta nên cho heo đực làm việc (chú ý nên sử dụng các heo đực từ 2 tuổi trở lên) hoặc dùng heo đực thí tình. Bằng cách cho heo đực đi qua các khu vực nhốt heo hậu bị hoặc heo nái khô theo lịch: 2 lần/ ngày, mỗi lần 30 – 45 phút.

 – Khi heo cái có những biểu hiện như đái dắt, đứng im (đứng chôn chân), tai dựng ngược, đuôi vắt lệch sang 1 phía, sờ vào hoặc ngồi lên lưng heo – heo không có bất kì phản ứng gì thì đây là thời điểm phối giống thích hợp nhất.

 – Hoặc nếu kiểm tra bằng mắt thường thấy âm hộ của heo héo dần, chuyển sang màu mận chín, dịch tiết ra từ âm đạo đặc dính (vắt thành võng) thì gieo tinh vào thời điểm này sẽ đem lại kết quả cao.

 Thời điểm phối: Khi heo nái còn chịu đực (còn mê ì), thì còn rụng trứng thì còn phối giống, số lần phối có thể lên tới 3-4 lần.

c. Heo nái chửa

- Cần tăng khoảng 25-30% lượng thức ăn cho heo nái chửa. Thông thường, heo nái chửa cần 14% tỉ lệ protein thô, 0,9% tỉ lệ canxi và 0,45% tỉ lệ phốt pho trong khẩu phần ăn. Mùa hè có thể giảm mức ăn nhưng phải tăng lượng protein từ 14% lên 16%, nâng mức khoáng và vitamin trong khẩu phần.

  • Người chăn nuôi cũng cần lưu ý, bã rượu và thức ăn ủ men có chứa chất kích thích, dễ gây sẩy thai. Vì vậy chỉ nên cho heo ăn dưới 15% trong khẩu phần. Ngoài ra, trong thời kỳ mang thai, heo nái cần lượng chất khoáng nhiều hơn để phát triển hệ xương của bào thai. Khi khẩu phần ăn của heo mẹ không đủ, sẽ phải huy động nhiều chất khoáng từ cơ thể heo mẹ (đặc biệt là canxi và phốt pho từ xương) để nuôi thai. Vì thế, heo mẹ bị thiếu chất khoáng dễ dẫn tới bại liệt. Tuy nhiên cũng cần tránh vỗ béo heo nái quá mức trong giai đoạn gần sinh.
  • Trong quá trình chăm sóc cần tắm chải cho heo nái, tăng cường xoa bóp bầu vú để mạch máu dễ lưu thông, phát triển tuyến sữa, heo dễ quen người và dễ tiếp xúc khi đỡ đẻ, không tắm chải 5 ngày trước khi đẻ. Bà con cũng cần tắm ghẻ cho heo 10 -14 ngày trước ngày dự đẻ. Đây là yêu cầu bắt buộc để đề phòng heo mẹ bị ghẻ lây truyền sang con. Trước ngày dự đẻ 14 ngày tắm ghẻ lần 1 và sau đó 7 ngày tắm ghẻ lần 2

Thời gian mang thai của heo là 114 ngày và được chia làm 3 giai đoạn:

* Giai đoạn chửa kỳ I: Từ ngày phối đến ngày 90, cho ăn 1,8 - 2,2kg/con/ngày, chia làm 2lần/ngày, dùng TAHH 12 – 14% đạm thô. Thức ăn xanh: 1 - 2kg/con/ngày để chống táo bón.

* Giai đoạn chửa kỳ II: Từ 91 đến 112 ngày, giai đoạn thai phát triển nhanh. Cho ăn 2,8 – 3kg/con/ngày, dùng TAHH 15 – 16% đạm thô. Thức ăn xanh: 1 - 2kg/con/ngày để chống táo bón.

* Giai đoạn chuẩn bị đẻ: Từ 112 – 114 ngày. Giảm dần thức ăn tinh và tăng thức ăn xanh (1- 2kg/con/ngày). Trước đẻ 10 ngày tiêm Vitamin ADE cho heo mẹ, giúp heo con sinh ra phát triển tốt. Trước đẻ 5 – 7 ngày tiêu độc chuồng trại bằng thuốc sát trùng. Trước đẻ 1 – 2 ngày giảm dần thức ăn 50%. Ngày cắn ổ cho heo nái nhịn ăn để dễ đẻ (cho uống nước mát đầy đủ).

* Kỹ thuật cai sữa heo nái đang nuôi con

- Cho nái nhịn ăn 2 ngày liên tiếp: 1 ngày trước khi cai sữa và 1 ngày sau khi cai sữa. 

- Sau đó cho ăn tăng dần 3 - 5kg/nái/ngày (TAHH nái nuôi con 15 - 16% đạm thô) cho đến khi phối giống (5 - 7 ngày sau cai sữa). Sau khi phối giống chuyển nái qua chế độ nuôi dưỡng đối với heo nái chửa.

3. Nuôi dưỡng, chăm sóc heo con

a. Giai đoạn mới sinh:

Lau nhớt ở miệng, mũi heo con. Cột và cắt rốn, nhúng chỗ cắt vào cồn Iốt 2,5 - 5%, sau đó cho bú sữa đầu. Bấm răng (8 cái): cắt bỏ 1/2 răng sau khi sanh 15 - 24 giờ. Cắt đuôi: Có thể cắt bỏ 2/3 đuôi. Úm heo con: Nhiệt độ lồng úm trong 7 ngày đầu từ 30 - 34oC, sau đó chỉ cần giữ ấm. Sau khi sinh xong từ 30 phút đến 2 giờ nhau sẽ ra, cần kiểm tra cuống nhau.

b. Giai đoạn bú mẹ: Giữ chuồng khô, sạch, thoáng, ấm.

+ 3 ngày tuổi tiêm sắt, liều 200mg/con (1 - 2ml/con tùy loại thuốc).

+ 7 – 10 ngày tuổi thiến heo đực

+ 10 ngày tuổi tiêm sắt lần 2, liều 200mg/con (1 - 2ml/con tùy loại thuốc).

+ 12 ngày tuổi tập heo con ăn sớm

+ 27 - 30 ngày tuổi cai sữa heo con.

c. Giai đoạn sau cai sữa:

Heo con dễ bị lạnh, ăn khó tiêu dễ tiêu chảy, còi cọc chậm lớn và bệnh chết. Thức ăn phải có cùng thành phần dinh dưỡng như thức ăn cho heo con tập ăn. Giảm thức ăn cho heo con sau cai sữa. Thường chỉ cho ăn 50 - 70% khẩu phần bình thường. Sau 2 - 3 ngày mới tăng dần lên. Cho ăn nhiều lần trong ngày (6 - 8 lần), mỗi lần cho ăn vừa đủ no. Cho uống nước đầy đủ. Hạn chế tắm cho heo (nếu cần tắm lúc trời nắng ấm).

- Sau khi cai sữa heo con chúng ta tiến hành phân lô, phân đàn để tiện chăm sóc, nuôi dưỡng. Việc phân lô, phân đàn phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:

+ Khi ghép tránh không để cho heo phân biệt đàn và cắn xé lẫn nhau.

+ Mật độ nuôi thích hợp như sau: từ 10 - 35 kg có 0,4 - 0,5 m2/con, từ 35 - 100 kg có 0,8 m2/con.

- Nên nuôi tách riêng heo thịt đực và cái vì giới tính có liên quan đến mức tăng trọng của heo, nhất là từ giai đoạn heo đạt khoảng 50 kg trở lên. Một số đặc điểm khác nhau cơ bản về dinh dưỡng giữa heo đực và heo cái như là: Khả năng tăng trưởng cơ của heo đực cao hơn heo cái; heo đực cần nhiều protein và axít amin hơn heo cái vào giai đoạn 50 – 90 kg; heo cái được cho ăn tự do đến 40 – 45 kg còn heo đực thì có thể ăn tự do cho tới 55 – 60 kg và sau đó đều được nuôi tách riêng cho ăn với mức năng lượng hạn chế khác nhau. Mặt khác khẩu phần của heo đực cần nhiều lysine hơn heo cái.

4. Nuôi dưỡng chăm sóc heo đực giống

  - Heo đực 8 – 10 tháng huấn luyện phối trực tiếp hoặc nhảy giá lấy tinh. Có sân chơi cho đực giống vận động. Thức ăn: 2,5kg/con/ngày, uống nước sạch tự do.

  - Đực giống: Dưới 1 năm tuổi phối 1nái/tuần; 1 – 2 năm tuổi phối 2nái/tuần; 2 – 3 năm tuổi phối 3nái/tuần.

          Xoa nắn dịch hoàn 1lần/ngày, 10 – 15phút/lần. Sau mỗi lần phối hoặc lấy tinh nên cho ăn 2 hột gà, giá sống, 0,5kg lúa mầm, đậu... Cắt móng, cắt nanh để tránh gây thương tích cho nái. Tiêm ngừa đầy đủ các loại vắc- xin cho heo đực giống. Thời gian sử dụng đực ngoại là 5 – 6 năm.

IV. VỆ SINH PHÒNG BỆNH

Mua heo giống từ các trại chăn nuôi an toàn sinh học. Vệ sinh chuồng trại xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm ủ Biogas. Định kỳ 2 tuần tiêu độc chuồng trại bằng thuốc sát trùng. Thực hiện phương thức "cùng vào cùng ra" để trống chuồng từ 10 - 15 ngày trước khi nhập heo mới về. Thường xuyên theo dõi sức khỏe, phát hiện heo nghi ngờ bệnh. Không cho người lạ và khách tham quan vào chuồng nuôi. Cung cấp thức ăn đủ về số lượng và chất lượng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của heo.

Định kỳ tẩy giun sán: Heo thịt 2 lần, heo nái trước khi phối giống. Tiêm phòng cho heo các loại vắc xin: Dịch tả, Phó thương hàn, Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng... Nếu cần tiêm phòng các bệnh có ảnh hưởng đến sinh sản như: Parvovirus (chết thai, sẩy thai), Aujesky (giả dại), Lepto (xoắn khuẩn)…  

LỊCH CHỦNG MỘT SỐ LOẠI VẮC XIN





  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây