Biện pháp phòng trừ bệnh vàng lá GREENING trên cây có múi

Thứ tư - 21/12/2016 01:00 938 0

Trong thực trạng hiện nay, giá cả các sản phẩm nông nghiệp có nhiều biến động như giá mủ cao su có chiều hướng giảm, trong khi chi phí đầu tư cao và thời gian chờ thu hoạch lại khá dài từ 5-7 năm. Trước tình hình đó, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Tân Biên đã phá bỏ vườn cao su, không những là những vườn cao su già, mà kể cả những vườn cao su đang khai thác và chuẩn bị khai thác để tiến hành chuyển đổi sang loại cây trồng mới. Do nhu cầu thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng về các loại trái cây luôn ở mức cao nên nông dân đã chuyển sang trồng các loại cây ăn quả như sầu riêng, chuối và các loại cây có múi. Trong cơ cấu được chuyển đổi, cây có múi chiếm tỷ lệ đến 61,14% trên tổng số diện tích được chuyển đổi, bao gồm các giống như cam sành, cam xoàn, quýt đường, chanh không hạt và bưởi da xanh.

Trong thời gian qua, người nông dân đã bắt đầu áp dụng những tiến bộ trong khoa học kỹ thuật vào trong canh tác và sản xuất như sử dụng các giống cây trồng mới, đầu tư hệ thống tưới phun, sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh trong sản xuất. Nhưng phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) trên đồng ruộng lại ít được người nông dân quan tâm và áp dụng, người nông dân thường chú trọng vào việc sử dụng thuốc hóa học vì có hiệu quả phòng trừ nhanh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp như bệnh chưa có thuốc trị hoặc do yêu cầu đảm bảo an toàn sản phẩm cho người tiêu dùng khi một số loại thuốc hóa học có khả năng lưu tồn lâu trong trái. Đặc biệt, trong vườn cây cây có múi cần sử dụng phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) mới có thể hạn chế sự phát sinh và gây hại của các đối tượng dịch hại, nhất là bệnh vàng lá gân xanh (hay còn được gọi là vàng lá greening) – một loại bệnh nguy hiểm, rất khó trị và có khả năng lây lan nhanh nhờ môi giới truyền bệnh là rầy chổng cánh (có tên khoa học là Diaphorina citri).

Bệnh vàng lá gân xanh do vi khuẩn có tên khoa học là Liberobacter asiaticum sống trong mạch dẫn của cây, gây xáo trộn sinh lý, làm tắt nghẽn quá trình vận chuyển dinh dưỡng làm thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất, phẩm chất trái. Hiện nay vẫn chưa có tổ hợp gốc ghép-mắt ghép nào có thể kháng được bệnh.

Triệu chứng của bệnh: Có thể xuất hiện trên từng cành, từng cây trong vườn, có khi xuất hiện trên cả vườn.- Trên lá: Biểu hiện đặc trưng của bệnh là phiến lá hẹp, khoảng cách giữa các lá ngắn lại, phần thịt lá có màu vàng, nhưng phần gân chính và gân phụ vẫn còn màu xanh, lá nhỏ, mọc thẳng đứng như tai thỏ, nên có tên gọi bệnh vàng lá gân xanh.

- Trên hoa: Cây thường ra hoa trái mùa, hoa ít và hay rụng.


- Trên trái: Trái nhỏ hơn bình thường, méo mó và khi bổ dọc trái thì tâm trái bị lệch hẳn sang một bên. Hạt trong trái bị bệnh thường bị thối, có màu nâu.- Trên rễ: Khi bị bệnh hệ thống rễ cây bị thối nhiều, đa phần rễ tơ bị mất chỉ còn hệ thống rễ chính, thậm chí rễ chính cũng thối. Bệnh lây lan qua cành chiết và mắt ghép lấy từ cây bị bệnh để nhân giống. Trên đồng ruộng, rầy chổng cánh là môi giới truyền bệnh từ cây bị bệnh sang cây khoẻ.

Biện pháp phòng trừ: Bệnh chưa có thuốc trị mà chỉ có thể phòng là chủ yếu và sử dụng biện pháp tổng hợp đều khắp trong vùng mới có hiệu quả phòng bệnh cao.

Biện pháp canh tác:

- Trồng mới bằng giống sạch bệnh mua từ các cơ sở nhân giống cây có múi uy tín. Không nhân giống hoặc trồng mới bằng giống lấy cành chiết và mắt ghép từ các cây đã bị bệnh, hay không biết cây có bị bệnh hay không. 

- Bón phân cân đối, tưới nước hợp lý, điều khiển cho cây ra các đợt lộc tập trung để hạn chế sự phát triển và gây hại của rầy chổng cánh.

- Rầy chổng cánh sống trên tất cả các cây họ cam quýt và các cây cảnh như nguyệt quế, cần thăng, kim quýt, phật thủ. Do đó, bà con không nên trồng các cây cảnh trên gần vườn cam quýt, nhất là vườn ươm sản xuất cây giống. Nếu có, bà con cần loại bỏ sau khi đã phun thuốc trừ rầy chổng cánh.

- Rầy chổng cánh di chuyển từ nơi này đến nơi khác chủ yếu nhờ gió. Do đó, nên trồng cây chắn gió bảo vệ xung quanh vườn để ngăn chặn rầy từ nơi khác bay đến.

- Trồng xen cây ổi trong vườn cây có múi để phòng rầy chổng cánh bởi vì cây ổi có khả năng xua đuổi được loài dịch hại này. Mặc khác, cây ổi là loại cây ăn trái có năng suất cao, giá trị thương phẩm ổn định, được nhiều người tiêu dùng ưa thích và tạo thêm thu nhập cho gia đính. Lưu ý: Chọn giống ổi có hạt có hiệu quả xua đuổi cao hơn cây ổi không hạt; cần trồng cây ổi trước 6 tháng so với cây có múi để cây ổi phát triển cành tán, đủ hương xua đuổi rầy chổng cánh, với tỷ lệ xen kẽ là 1 cây có múi : 1 cây ổi.

Chi cục Bảo vệ thực vật kết hợp cùng công ty Phân bón hữu cơ vi sinh Điền Trang đến thăm vườn cây có múi trồng xen ổi tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninhvào tháng 10/2015.

- Trồng thưa và thường xuyên cắt tỉa cành tạo tán thông thoáng cho vườn cây có múi, với khoảng cách (3 x 3m) đối với cam, quýt và (5 x 5m hoặc 6 x 6m) đối với bưởi.

  • Biện pháp sinh học:
    - Sử dụng phương pháp nuôi kiến vàng trong vườn để trừ rầy chổng cánh và tạo điều kiện cho các loài thiên địch như bọ rùa, ong ký sinh,… phát triển.
    - Rầy chổng cánh bị hấp dẫn bởi màu vàng nên bà con có thể sử dụng bẫy vàng để thu hút diệt rầy chổng cánh và giúp cho công tác dự báo sự xuất hiện của rầy. Mỗi vườn nên đặt ít nhất 5 bẫy để theo dõi (4 bẫy ở 4 gốc và 1 bẫy ở giữa vườn).

  • Biện pháp cơ giới:
    - Thường xuyên thăm vườn để phát hiện ấu trùng và rầy trưởng thành để tiêu diệt kịp thời, nhất là những giai đoạn cây ra đọt non hoặc sau những cơn giông lớn.
    - Khi phát hiện cây bệnh cần nhổ bỏ và đem tiêu hủy ngay.

  • Biện pháp hóa học:
    - Phòng trừ rầy chổng cánh là môi giới truyền bệnh bằng phương pháp sử dụng thuốc hóa học cần tuân thủ theo phương pháp 4 đúng như sau:

  • Đúng thuốc: Sử dụng các loại thuốc hóa học có hoạt chất được phép sử dụng cho cây ăn quả có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật như: Eucalyptol, Matrine (dịch chiết từ cây khổ sâm), Spinosad, Rotenone, Abamectin, Abamectin + Matrine, Abamectin + Petroleum oil…

  • Đúng liều lượng, nồng độ: Trước khi sử dụng bà con cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng được in trên bao bì thuốc và pha thuốc đúng với liều lượng, nồng độ được khuyến cáo trên bao bì.

  • Đúng lúc: Sử dụng thuốc hóa học khi rầy chổng cánh xuất hiện hoặc khi cây ra đọt non 1-2 cm (nhất là vào mùa xuân, hay đầu mùa mưa), vì rầy chổng cánh luôn chọn các đọt non để đẻ trứng. Hoặc phun khi thấy rầy xuất hiện trên bẫy vàng, nhất là sau những cơn giông mạnh có thể đưa rầy từ nơi khác đến.

  • Đúng cách: Phun thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, phun tập trung vào các đợt đọt non. Khi phun cần chú ý mặt đồ bảo hộ lao động để đảm bảo an toàn về sức khỏe.
    LƯU Ý: Khi sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ dịch hại cần:

  • Đọc kỹ hướng dẫn trên nhãn thuốc trước khi sử dụng và sử dụng thuốc đúng theo hướng dẫn ghi trên bao bì thuốc.

  • Luôn mặc trang bị bảo hộ hợp lý khi sử dụng thuốc hóa học.

  • Thời gian cách ly trước khi thu hoạch phải đảm bảo theo đúng theo hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ghi trên nhãn hàng hóa. 


  • Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tân Biên

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây