Giải pháp phòng trừ lúa cỏ gây hại trên ruộng lúa

Thứ tư - 21/12/2016 01:00 1.366 0

Tây Ninh có diện tích lúa lớn nhất ở miền Đông Nam bộ, sản xuất tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Trảng Bàng, Bến Cầu, Gò Dầu, Dương Minh Châu và Hòa Thành. Những năm gần đây, người nông dân trồng lúa đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cùng nhau liên kết tham gia các mô hình cánh đồng lớn và sản xuất lúa chất lượng cao, năng suất đạt tăng dần theo từng năm thực hiện và thu nhập ngày càng cải thiện. Bên cạnh việc thâm canh, tăng vụ của người nông dân đã tạo điều kiện cho nhiều loài dịch hại xuất hiện gây hại phổ biến vào các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa ở các thời vụ trong năm và cây lúa cỏ cũng là một đối tượng dịch hại quan trọng trên các ruộng lúa trong giai đoạn hiện nay. Lúa cỏ xuất hiện nhiều nhất ở các vùng trồng lúa quanh năm (3 vụ/năm) làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng lúa cuối vụ nếu nhiễm nặng. Đây là đối tượng khó phòng trừ, vì lúa cỏ giống lúa trồng, chưa có thuốc trừ lúa cỏ sau khi gieo sạ và công khử lẫn rất khan hiếm.

- Về đặc điểm sinh lý của lúa cỏ:

Lúa cỏ thuộc nhóm cỏ hòa bản là loại cỏ hằng niên cao từ 1,5- 1,7m, lá dài, có lá thìa và tai lá cong có lông, gié lúa cỏ dễ chuyển sang màu vàng, hạt thường có râu và dễ rụng, gạo có màu đỏ. Trên ruộng, cây lúa cỏ thường cao hơn cây lúa, hạt lúa cỏ lẩn tạp trong hạt lúa trồng và gia tăng mật số khi gieo sạ qua các vụ, là loài cỏ dại quan trọng trên lúa sạ thẳng (sạ tay).

Đặc điểm quan trọng của lúa cỏ là hạt dễ rụng, đặc tính này thể hiện khác nhau giữa các dòng lúa cỏ khác nhau. Miên trạng hạt lúa cỏ có thể thay đổi và lưu tồn lâu trong đất, cho nên sức sống của hạt lúa cỏ thường dài hơn so với lúa trồng. Sự nẩy mầm của lúa cỏ bị ảnh hưởng rất lớn ở tuổi hạt, kết cấu đất, chế độ nước trên đồng ruộng và chiều sâu chôn vùi của hạt lúa cỏ.

- Khả năng gây hại của lúa cỏ:

Lúa cỏ có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất lúa canh tác tùy thuộc vào mật độ, giống lúa ngắn ngày dễ bị lúa cỏ cạnh tranh hơn so với giống dài ngày. Mật độ lúa cỏ từ 5- 20 cây/m2 sẽ gây ra thiệt hại từ 40- 60% năng suất.

- Các biện pháp quản lý lúa cỏ:

Cần chủ động áp dụng đồng bộ các biện pháp ngay từ đầu vụ và thực hiện liên tục trong nhiều vụ mới đạt hiệu quả phòng trừ cao. Bao gồm các biện pháp như:

a- Biện pháp canh tác:

   +  Sử dụng giống sạch cỏ, giống xác nhận để gieo sạ.

   + Vệ sinh nông cụ, máy móc trước khi di chuyển từ ruộng lúa bị nhiễm sang ruộng lúa chưa nhiễm.

   + Trong quá trình làm đất nên tạo điều kiện chôn vùi hạt lúa cỏ dưới độ sâu tối đa để khống chế hạt nẩy mầm (6 – 8 cm). Ở các vụ kế tiếp nên làm đất cạn hơn nhằm tránh tình trạng các hạt lúa cỏ chôn vùi nổi lên mặt đất sẽ tái nhiễm lại.

   + Chuẩn bị đất kỹ, bằng phẳng.

   + Áp dụng phương pháp sạ hàng hoặc cấy. Với phương pháp cấy, có thể cho nước vào một vài ngày sau khi cấy để quản lý cỏ nẩy mầm.

   + Quản lý nước ở độ sâu của mực nước hợp lý tùy theo giai đoạn sinh trưởng của cây lúa.

   + Khử lẩn thường xuyên khi thấy lúa cỏ còn sót lại trên ruộng. Nếu lúa cỏ trổ bông, cần tiến hành khử lẩn (cắt bông), vì khi chín hạt lúa cỏ thường dể rụng bởi bất kỳ các tác nhân cơ học nào.

b- Biện pháp hóa học:

Thực hiện biện pháp nhử và diệt lúa cỏ trước khi gieo sạ bằng thuốc hóa học. Thời điểm thực hiện biện pháp này là ngay sau khi thu hoạch lúa và thu dọn hết rơm rạ thì tiến hành như sau: Lấy nước vào ngập mặt ruộng 8-10 cm và ngâm trong 2-3 ngày, tháo nước ra cho ráo mặt ruộng để hạt lúa cỏ nẩy mầm và phát triển trong thời gian 10-15 ngày; dùng thuốc trừ cỏ có hoạt chất Glyphosate hoặc Paraquat để phun với liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Sau phun thuốc cỏ từ 5-6 ngày thì lấy nước vào ruộng và cày, bừa làm đất như gieo sạ. Tiếp tục tháo nước ra để hạt lúa cỏ còn sót lại trong đất nẩy mầm, phát triển và phun thuốc trừ cỏ như lần 1. Trong trường hợp sử dụng thuốc trừ cỏ hoạt chất Glyphosate cần có thời gian cách ly trước khi sạ tối thiểu là 10 ngày. Sau đó tiến hành làm đất sạ lúa. Biện pháp này rất hiệu quả có thể tiêu diệt lúa cỏ trên 80%, nhưng có nhược điểm là thời gian xử lý dài và không đủ thời gian để sản xuất được 3 vụ lúa/ năm.

Sau khi sạ, sử dụng các thuốc trừ cỏ thông dụng tiền nảy mầm hoặc hậu nẩy mầm sớm để trừ cỏ kết hợp với việc giữ nước để khống chế lúa cỏ./.


                                                                        Trạm Trồng trọt và BVTV Bến Cầu    

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây