Hiệu Quả Từ Mô Hình Xây Hầm Biogas

Thứ sáu - 25/01/2013 23:20 468 0
Xây hầm biogas anh Tài mỗi tháng tiết kiệm được khoảng 350.000đ tiền gas thì 1 năm anh có thể tiết kiệm được 4.200.000đ, chưa đầy 3 năm anh có thể hoàn lại chi phí xây hầm mà còn có một lợi ích thiết thực là không gây ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi

 

Gia đình anh Chu Trọng Tài ở ấp Hội Phú – Tân Hội huyện Tân Châu. sống bằng nghề chăn nuôi heo. Khởi nghiệp vốn liếng không nhiều nên mặt bằng nhà ở và diện tích chuồng nuôi bị hạn chế. Để có thêm thu nhập phát triển ổn định đàn heo, gia dình anh làm thêm nghề nấu rượu chủ yếu tận dụng phế phẩm từ nấu rượu để nuôi heo. Mật độ dân cư ngày càng tăng lại không có khu chăn nuôi cách biệt nên gây nên ô nhiễm môi trường là điều không tránh khỏi.

               Kế hoạch hoạt động năm 2005  của Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh có chương trình hỗ trợ nông dân xây hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi, Trạm Khuyến nông Tân Châu, đã chọn gia đình anh  làm điểm trình diễn đầu tiên tại Tân Châu. Cấu trúc và quy cách loại hầm này thuộc kỹ thuật mới, được ứng dụng theo qui trình của viện năng lượng. đòi hỏi  thợ xây có qua lớp đào tạo và có tay nghề cao. Dung tích hầm biogas của gia đình anh Tài là 32m3

            Thời gian tiến hành thực hiện điểm trình diễn của gia đình anh vào tháng 7/2005. Sau khi xây xong anh tiến hành nạp nguyên liệu (đổ phân heo đã hoai vào hầm biogas càng nhiều càng mau có gas, ít nhất cũng đạt hơn 1/3 thể tích hầm khi nạp cần tránh để cho cát, sỏi, đá,cành cây mẩu gổ , dầu mỡ công nghiệp ,xà phòng , thuốc tẩy ,thuốc nhuộm, thuốc sát trùng..., nước rửa chuồng phải là nước ít phèn, với số đầu heo trong chuồng tương đối ổn định (14 heo nái, 12-15 heo thit, 50-70 con heo con) khoảng 25 ngày sau (tháng 8/2005) gia đình anh đã có gas sử dụng. Hiện nay gia đình anh hoàn toàn yên tâm về chất đốt phục vụ cho sinh hoạt, không gây ô nhiễm đến môi trường xung quanh. bảo vệ sức khoẻ chung cho gia đình và cộng đồng dân cư. Ngoài ra lượng gas này còn dùng để nấu thêm được 24 kg gạo làm cơm rượu mỗi ngày. Ước tính mỗi tháng gia đính anh tiết kiệm được 300.000 đ- 400.000 đ.

            Từ hiệu quả của mô hình  xây dựng hầm Biogas của gia đình anh Tài, những tháng cuối năm 2005 Trạm Khuyến nông Tân Châu đã phát triển thêm 6 hầm biogas vượt chỉ tiêu kế hoạch do Trung tâm Khuyến nông giao 200% . Theo đánh giá của anh Tài và bà con nông dân đang sử dụng hầm biogas thì trong quá trình sử dụng chưa có sự cố kỹ thuật nào xảy ra . Đây là loại hầm có độ phân huỷ chất thải cao và an  toàn cho người sử dụng.

             Điều anh Tài muốn trao đổi kinh nghiệm với bà con nông dân chăn nuôi heo là để nâng cao lợi ích của hầm biogas người chăn nuôi cần:

            Chọn địa điểm: Tuỳ theo mặt bằng và diện tích chuồng của từng nông hộ mà ta có thể  bố trí hợp lý khu xây hầm, đảm bảo diện tích mặt bằng đủ, gần chuồng, gần nơi sử dụng khí để tiết kiệm đường ống, cách xa nơi đất trũng, ao hồ để tránh bị ngập nước. Vị trí hầm đặt nơi nhiều nắng, kín gió để giữ nhiệt độ cao tạo thuận lợi cho quá trình sinh khí, cách xa giếng nước ăn từ 10m trở lên.

Lựa chọn vật liệu:

             -Gạch thẻ cần chọn loại 1, nung chín đều, kích thước điều đặn.

             -Cát: Sử dụng cát vàng, đường kính không quá 3mm, yêu cầu chung đối với cát là phải sạch.

            -Xi măng: Dùng xi măng pooclăng  P 300 trở lên.

            -Vôi: Cần chọn vôi là vôi nung tới lửa, chín đều dạng cục đã được tôi lâu.

            -Sỏi, đádăm, gạch vỡ, các vật liệu này phải sạch, không dính đất và các chất hữu cơ.

            -Vữa: Tỷ lệ cát và xi măng có tỷ lệ :1 xi măng/4 cát, hoặc vữa tam hợp có tỉ lệ:1xi măng/0,5 vôi/5cát.

            -Ống nối gas: ở lối vào có đường kính :150-200mm.

            -Đưa khí vào sử dụng: Sau khi nạp phân hoai vào hầm xong cần đóng tất cả các van khí lại, tuỳ loại nguyên liệu, lượng nạp và điều kiện thời tiết mà thời gian có khí có thể lâu hay nhanh. Những khí đầu tiên có thể lẫn nhiều hơi nước, nên chưa thể cháy được, vì vậy cần xả vài ba lần, sau đó châm thử xem khí đã cháy được chưa.Việc châm lửa thử không được thực hiện ở đường ống dẫn khí màchỉ thực hiện ở trên bếp.

            -Vận hành khí biogas: Hằng ngày rửa phân và nước tiểu heo heo xuống hầm gas cần theo dõi áp suất khí để phát hiện rò rỉ qua đường ống.

            -Bảo dưỡng hầm: Phá váng và vớt bỏ váng, trước khi phá váng và vớt bỏ váng cần ngưng nạp nguyên liệu trước một tuần và xả hết khí ra ngoài. Lấy bỏ lắng cặn, công việc này chúng ta cần 3 hoặc 4 năm mới thực hiện 1 lần. Trong quá trình sử dụng gas, ta thấy có hiện tượng nước đọng trong đường ống dẫn gas, ta cần xả nước đọng trong đường ống dẫn khí bằng cách nâng đường ống dẫn gas cho nước dồn về phía hầm để nước theo đuêòng dẫn gas chảy về hầm gas, công việc này cần thực hiện thường xuyên.

            -Đề phòng cháy nổ, ngạt: Khí gas từ hầm khí biogas là một khí có thể gây cháy nổ nên cần đề phòng tai nạn xảy ra. Tại nơi có khí thoát ra ngoài do đường ống hở cần tuyệt đối cấm lửa, hút thuốc, dùng đèn dầu. Khi dùng bếp cần chú ý đưa lửa tới gần rồi mới mở van khí ra. Khi vệ sinh hầm hoặc sửa chữa, do phải chui vào hầm để làm, trường hợp này cần phải tuân theo các bước sau đây :

            +Lấy toàn bộ phân ra ngoài và chờ bể phân huỷ khô.

            + Phải đợi khí gas thoát ra hết, có thể dùng cành cây hoặc thổi không khí bên ngoài vào để đưa khí gas ra hết rồi mới chui xuống sửa.

            +Người làm ở dưới phải có người ở trên theo dõi.

            Bếp gas có thể dùng bếp thủ công hay bếp công nghiệp tuỳ theo điều kiện mỗi gia đình.

            Nếu hàng tháng trung bình anh tiết kiệm được khoảng 350.000đ tiền gas thì 1 năm anh có thể tiết kiệm được 4.200.000đ, chưa đầy 3 năm anh có thể hoàn lại chi phí xây hầm mà còn có một lợi ích thiết thực là không gây ô nhiễm môi trường.

 

Nguyễn Ngọc Minh - Trạm KN Tân Châu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây