MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CẢI TẠO VÀ CHĂM SÓC VƯỜN ĐIỀU

Thứ tư - 30/01/2013 21:30 519 0
Việc thay thế vườn điều giống cũ đang thu hoạch bằng vườn điều giống mới thông qua biện pháp phá bỏ trồng mới đôi khi không hiệu quả khi xét đến thời gia đầu tư-thu hoạch. Chúng tôi xin hướng dẫn bà con các biện pháp cải tạo vườn điều theo giống mới mà không cần phải chặt phá vườn điều cũ.

          

       Ở tỉnh ta trong những năm 90, hạt điều bị rớt giá do nhiều nguyên nhân khách quan, mặt khác trong khâu chăm sóc cây điều khi ra bông còn nhiều hạn chế nên việc giữ cho điều đậu trái nhiều và năng suất cao như hiện nay là việc làm rất khó khăn đối với các chủ vườn lúc bấy giờ, vì vậy đưa đến hàng loạt người dân có vườn điều ngao ngán phải chặt bỏ, chỉ còn lại một số ít vườn điều được giữ lại.

          Từ khoảng năm 2000 trở lại đây,giá thu mua hạt điều tương đối ổn định, đồng thời việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống mới, năng suất chất lượng cao nên đã khôi phục lại phong trào trồng điều. Những năm gần đây Nhà nước đã chú trọng việc phát triển cây điều để cung ứng cho các nhà máy chế biến  phục vụ xuất khẩu nên ngoài đầu tư hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho chương trình phát triển cây điều, Trung tâm Khuyến nông,Trung tâm giống của tỉnh cũng đã hỗ trợ về giống điều mới cho nông dân nhằm khuyến khích mở rộng diện tích cây điều lên qui mô lớn đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu.

          Việc phát triển trồng các giống điều mới hiện nay đã dẫn đến tình trạng có một số không ít chủ vườn điều đã phá bỏ những vườn điều cũ đã thu hoạch từ năm thứ 3 trở đi để trồng mới lại bằng những giống điều mới hiện nay, hoặc đã trồng xong nhưng nghe có giống điều mới khác lại chặt phá bỏ để trồng giống điều mới nhất, đó là việc làm rất phí phạm và tốn kém tiền của, công sức vì phải chăm sóc 2 đến 3  năm trở lên mới có thu hoạch  ổn định.

Chúng tôi xin hướng dẫn bà con các biện pháp cải tạo vườn điều theo giống mới mà không cần phải chặt phá vườn điều cũ, bà con có thể tiến hành theo các bước như sau:

1-Chừa lại những cây cho năng suất cao ổn định trong vườn.

Trong vườn chọn những cây ổn định cho hạt to, tỉ lệ nhân cao, năng suất cao, để tiếp tục chăm sóc thu hoạch trái.

2-Cưa bỏ dần những cây cho ít trái, kém hiệu quả sau đó trồng thay thế lại dần bằng những cây giống mới.

Tiến hành đánh dấu những cây cho trái ít hoặc bị sâu, bệnh kém hiệu quả nhất trong vườn, sau đó chặt bỏ và trồng thay thế dần bằng những giống điều tốt hiện nay cho đến khi vườn điều đạt được tiêu chuẩn qui định. Những hố trồng này cần tiến hành đào hố kích thước 70cm x 70cm trở lên và bón phân lót bằng phân hữu cơ hoai mục kết hợp phân NPK,  khi mới trồng cây xuống có thể bón 15-20kg phân chuồng+ 130gam u rê + 125g super lân + 35 g kali, trong quá trình chăm sóc cần chú ý ưu tiên phân bón cho những cây mới trồng này nhằm giúp cây phát triển thân, cành nhanh (bởi rễ của những cây lớn trước đây hút hết chất dinh dưỡng trong đất và cây còn lại cạnh tranh)

3-Hoặc ghép chồi trên những gốc điều cưa bỏ.

 Bằng cách tiến hành cưa chừa lại gốc khoảng 50 cm so với mặt đất, cưa gọn không bị giập nát, sau đó tiến hành quét vôi hoặc thuốc trừ nấm lên mặt gốc vừa cưa xong và chăm sóc bón phân cho gốc ra chồi, chừa lại 8 - 10 chồi tốt nhất, khi các chồi đạt tiêu chuẩn như gốc ghép ở vườn ươm thì tiến hành ghép chẻ gốc và ghép nối tiếp:

+Ghép chẻ gốc: bằng cách cắt ngang bỏ ngọn chừa lại 2 – 3 lá từ gốc chồi lên, sau đó chẻ gốc làm đôi, chồi ghép vạt 2 bên thành hình nêm và đưa vào gốc đã chẻ dùng dây ni lon tự hoại quấn kỹ kín đến hết chồi (chồi và gốc ghép phải tương đương nhau, sau khi ghép xong dùng túi ni-lon trùm lên, đồng thời che nắng khoảng 70%, sau 20 ngày chồi ghép còn tươi là thành công).

+Ghép nối tiếp: bằng cách gốc ghép được vạt chéo lên phía ngọn, cành ghép vạt tương tự để khi áp vào khít với nhau tiến hành buộc kỹ và tiến hành như trên. Các cách ghép này có thể dùng một số giống điều được Bộ công nhận hoặc một số giống trồng ở Tây Ninh như các giống sau:

Giống PN1:

- Lá non màu tím đỏ, phiến lá hình bầu dục và phẳng.

- Ra hoa sau khi trồng 18 tháng, ra hoa vào tháng 12 – tháng 2. Ra hoa nhiều đợt, số lượng hoa lưỡng tính cao. Trái đậu thành chùm 4 – 10 trái.

- Phát chồi trung bình, ít phân chồi nách, thích hợp cho phương pháp ghép chồi.

Giống CH1

                - Lá non màu tím đỏ, phiến lá hình bầu dục to và hơi xoắn.

- Ra hoa sau khi trồng 18 tháng. Ra hoa từ tháng 12 – tháng 2. Ra hoa nhiều đợt, ra hoa lưỡng tính cao, trái đậu thành chùm 8 – 14 trái.

- Phát chồi trung bình, thích hợp cho phương pháp ghép chồi.

Giống LG1

- Lá non màu xanh, phiến lá hình bầu dục và hơi phẳng.

- Ra hoa sau khi trồng 18 tháng, ra hoa từ tháng 12 – tháng 2. Ra hoa hơi muộn, nhiều đợt, số lượng hoa lưỡng tính cao. Trái đậu thành chùm 6 – 10 trái.

- Phát chồi trung bình, thích hợp cho phương pháp ghép chồi.

Giống MH5/4,MH3/5:

- Tiềm năng năng suất cao, hạt lớn, tỷ lệ nhân cao, tán thấp, dày, ra hoa đều và tỷ lệ đậu trái cao. 

 

          +Sau khi ghép cần quan sát theo dõi số chồi ghép, khi các chồi đã phát triển ổn định, thiếp tục tỉa bỏ số chồi yếu chỉ để một gốc 3-4 chồi phân bổ đều về các phía.

Chú ý: ưu tiên chăm sóc cho những gốc trồng mới và gốc ghép để nhằm tăng mức độ đồng đều về sinh trưởng và phát triển  của vườn điều.

Đối với vườn điều trồng mới: để đầu tư thâm canh cho cây điều đối với diện tích trồng mới phát triển nhanh đem lại hiệu quả cần phải chú trọng một số vấn đề sau: 

1/-Mật độ và khoảng cách trồng:

-Mật độ từ 100 – 300cây/ha. (Tuỳ loại đất), Thích hợp nhất là 200cây/ha  

-Khoảng cách trồng 6m x 8m; 5m x 10m; 10m x 10m.(Ở Kenya, người ta trồng khoảng cách 6m x 10m hay 3m x 9m thì qua theo dõi hàng năm thí nghiệm này cho năng suất rất cao (từ 6 đến 8 lần  so với trồng theo phương pháp ô vuông).

-Tiến hành tỉa thưa khi cây khép tán và nên giữ mật độ cố định khoảng 100cây/ha khi vườn cây đã thu hoạch ổn định. 

2/-Trồng xen

- Việc trồng xen cây ngắn ngày khi vườn điều chưa khép tán để hạn chế cỏ dại, chống xói mòn và tăng thu nhập. Ngoài ra còn tận dụng các loại thân, dây, cây…không sử dụng được để tủ vào gốc cho cây điều giữ ẩm, hạn chế cỏ dại rất tốt.Các cây trồng xen được khuyến cáo theo thứ tự ưu tiên là đậu phộng, đậu xanh, đậu đen, bông vải và một số cây ngắn ngày có tán thấp khác.

- Để hạn chế việc cạnh tranh dinh dưỡng và ánh sáng với điều mới trồng, cây trồng xen cách mép tán điều khoảng 1m và những năm sau đó cách xa dần. 

3/-Bón phân:

- Trong khi làm cỏ nên kết hợp bón phân cho cây điều thường được chia thành 2 thời kỳ:

a- Thời kỳ kiến thiết cơ bản hay giai đoạn cây non có thể bón theo lượng phân như sau: 

          Năm thứ 1: 130 gam urê, 125 gam super lân, 35 gam kali

          Năm thứ 2: 270 gam urê, 190 gam super lân, 65 gam kali

           - Bón phân thời kỳ kiến thiết cơ bản của vườn điều ghép thường kéo dài khoảng 2 năm kể từ khi trồng tuỳ theo điều kiện đất đai và chăm sóc, ở giai đoạn này cây cần được bón phân nhiều đợt (3 –5 đợt/năm, kể cả mùa nắng) với liều lượng ít vào lúc cây đã hoàn thành đợt lá trước và chuẩn bị phát đợt lá tiếp theo. Bón lần đầu tiên đào rãnh nhỏ cách xa gốc 15- 20cm, bỏ phân và lấp kín đất lại, nếu có rơm rác tủ gốc giữ ẩm cho cây đồng thời tưới nước giúp cây phát triển nhanh.

          b/- Khi cây ở giai đoạn lớn (tùy độ tuổi) và thời kỳ khai thác hay giai đoạn cây cho trái, có thể đào hố cách xa gốc từ 1,5 m trở lên, chia ra 2 lần bón trong năm vào đầu và gần cuối mùa mưa với lượng phân như sau vào hố và lấp đất lại.  

Năm thứ 3: 435 gam urê, 250 gam super lân, 100 gam kali 

          Năm thứ 4: 540 gam urê, 310 gam super lân, 125 gam kali

          Năm thứ 5: 1290 gam urê, 1.000 gam super lân, 430 gam kali

Ngoài ra sau khi đậu trái, thời điểm này là mùa nắng nên cần bón bổ sung thêm phân hữu cơ hoặc NPK, hoặc các loại phân chuyên dùng cho điều khác để giúp cây nuôi trái trong mùa nắng tốt hơn.

4-Tạo tán và tỉa cành:

- Tạo tán được bắt đầu thực hiện từ năm thứ hai, nếu để cây lớn mất nhiều công và mất sức cây…

- Cách tạo tán: chỉ có một thân chính, để lại các cành cấp 1 cách mặt đất khoảng 50cm và phân bố đều để tạo tán hình mâm xôi.

- Thường xuyên tỉa bỏ những cành nằm phía trong tán bị che bóng, các cành bị sâu bệnh và cành vượt.

- Giai đoạn khai thác cần tiến hành tỉa cành 2 lần mỗi năm.

+ Lần đầu được tiến hành ngay sau khi vụ thu hoạch kết thúc, kết hợp với việc dọn vườn làm cỏ để chuẩn bị bón phân đợt 1 cho cây, thường vào tháng 4 tháng 5 hàng năm.

+ Lần tỉa cành thứ hai vào tháng 8 tháng 9 hàng năm. Các cành lá sau khi bị tỉa bỏ cần được dọn khỏi vườn cây. Những giống điều ghép ra hoa sớm nên cắt bỏ hoa của vụ đầu để cây tập trung dinh dưỡng cho việc sinh trưởng thân lá. 

4/-Tưới nước:

- Cây điều ra bông, đậu trái vào mùa khô, cho nên việc tưới nước giữ ẩm cho cây bằng cách tủ rơm rạ quanh gốc, nếu có điều kiện cần phải tưới nước bổ sung cho cây điều vào mùa khô để tăng khả năng đậu trái, tăng năng suất. 

5/-Sâu bệnh hại điều:

          Ngoài việc tưới nước để tăng khả năng đậu trái, cần chú ý đến vấn đề phòng chống sâu bệnh hại là chính, có một số loại như sau: Sâu đục thân, sâu hại lá, sâu đục chồi, sâu chích hút hại bông điều.

          Về bệnh cần chú ý các loại sau: Bệnh nấm hồng, thán thư.

(Hiện nay có nhiều loại thuốc mới điều trị các loại sâu và bệnh này bán tại các đại lý thuốc BVTV).

6/-Những vấn đề cần chú ý khi điều ra bông:

-Cây điều ra hoa nhiều nhưng tỉ lệ đậu trái thấp, thường do các nguyên nhân như rụng lá sinh lý, các bệnh như phấn trắng, thán thư và bọ xít muỗi. Để tăng khả năng đậu trái cho cây điều trong giai đoạn ra hoa đậu quả có thể dùng một số loại phân bón lá như: KING có hướng dẫn cách sử dung, hoặc loại phân chuyên dùng đậu trái cho cây điều, cần làm 3 việc sau:

          a/. Khi quan sát vườn điều thấy có 80% phát hoa vừa nhú ra khoảng 10cm , thì pha 35ml “đậu trái” chuyên dùng cho cây điều trên bình 8 lit, kết hợp với một trong số thuốc trừ sâu như: Sherzol EC, Fenbis 25EC, Saliphos 35EC và thuốc phòng trừ nấm bệnh như: Bendzol 50 wp; Carbenzim 500 SC phun sương ướt đều tán lá.

          b/. Khi thấy 80% phát hoa đã phát triển hết, các chùm hoa bắt đầu có hoa nở thì pha 35ml “đậu trái” chuyên dùng cho cây điều, kết hợp một trong các loại thuốc sâu và thuốc trị bệnh như (phần a) ở trên để phun như trên.

          c/. Khi thấy 80% quả đã đậu trái có đường kính to bằng đầu ngón tay út thì pha 40ml “đậu trái” chuyên dùng cho cây điều, kết hợp một trong các loại thuốc sâu và thuốc trị bệnh như (phần a) ở trên.

          Để đạt được kết quả như mong muốn, cần quan sát đúng thời điểm, phun đúng thuốc, thực hiện 4 đúng trong bảo vệ thực vật. Chú ý phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát, tránh phun thuốc vào thời điểm hoa nở tập trung và đang thụ phấn hình thành quả. Ở vùng chủ động được nước cần tưới cho cây điều càng tốt và tỉa cành khuất và tạo tán cho cây thông thoáng. 

Nguyễn Văn Quang - Trạm KN Thị xã

 

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây