NHỮNG HẠN CHẾ TRONG CHĂN NUÔI BÒ SỮA Ở TRẢNG BÀNG BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC

Thứ ba - 29/01/2013 22:05 335 0
Trong khi chăn nuôi bò vàng đang thu hút người dân do giá bê cái khá cao thì chăn nuôi bò sữa đối với những hộ quy mô nhỏ đang trong chiều hướng đi xuống. Tại sao lại có tình trạng này?

 

Nếu bạn đã đến Trảng Bàng cách đây khoảng 3-4 năm về trước được nhìn thấy sự phấn khởi của người chăn nuôi bò sữa thì  bây giờ quay trở lại bạn lại thấy phong trào nuôi bò sữa ở nơi này đang bị lắng xuống. Trước đây chỉ từ bò vàng gieo tinh nhân tạo (GTNT) cho ra con bê cái sữa F1 người dân đã có số tiền kha khá, còn bây giờ chỉ có bò cái sữa F2, F3 đang mang thai thì mới bán được còn bò cái sữa F1 thì … lần lượt vào lò mổ. Chuồng trại bò sữa được đầu tư xây dựng thì bây giờ đang bỏ không hoặc thay vào đấy là những con bò vàng. Trong khi chăn nuôi bò vàng đang thu hút người dân do giá bê cái khá cao thì  chăn nuôi bò sữa đối với những hộ quy mô nhỏ đang trong chiều hướng đi xuống. Tại sao lại có tình trạng này?

Thực tình mà nói thì chăn nuôi bò sữa vẫn mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho một số hộ có truyền thống nuôi bò sữa do đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi, cho nên trong khi có nhiều hộ đem bò sữa F1 thậm chí cả F2 đi bán thì số hộ này vẫn tiếp tục chọn lựa những con bò tốt để mua và nuôi tiếp.

Qua tìm hiểu tình hình thực tế chúng tôi thấy rằng sở dĩ có tình trạng nhiều hộ đem bò sữa đi bán và không dám nuôi nữa, nguyên nhân chính là hầu hết các hộ này đều là những hộ mới nuôi lần đầu nên chưa nắm vững về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa ( từ công tác chọn giống, thức ăn và chăm sóc) chi phí cao mà năng suất sữa thấp nên dẫn tới tình trạng càng nuôi càng lỗ.

Trong bài này chúng tôi muốn đưa ra những mặt  tồn tại trong nhiều hộ chăn nuôi bò sữa hiện nay để bà con cùng rút kinh nghiệm:

            -Thức ăn chính của bò là thức ăn thô xanh, chiếm 60-70% khẩu phần nhưng chỉ chiếm khoảng 30% chi phí thức ăn. Hiện tại đối với người chăn nuôi bò sữa thì đây là một trở ngại rất lớn do diện tích cỏ trồng hạn chế không cung cấp đủ thức ăn xanh cho bò. Việc sử dụng phụ phế phẩm nông nghiệp (rơm, cây bắp, dây đậu …) làm thức ăn cho bò sữa cũng bị hạn chế do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ton đọng, trên thực tế đã xảy ra tình trạng ngộ độc thuốc ở bò sữa và bò vàng nói chung.

            Thức ăn tinh là thức ăn bổ sung cho con bò sữa nhưng do thiếu thức ăn thô xanh nên người chăn nuôi đã lạm dụng tăng thức ăn tinh trong khẩu phần thức ăn của bò sữa để thay cho thức ăn thô xanh. Trong khí đó thức ăn tinh thì chi phí khá cao khoảng 70% tổng chi phí do đó sẽ giảm lợi nhuận, chăn nuôi không hiệu quả.

Đối với con bò sữa cần đòi hỏi chăn nuôi kỹ thuật nghiêm ngặt, nên nhiều hộ chưa thích ứng kịp sự chuyển đổi từ tập quán chăn nuôi bò vàng sang bò sữa nên chăm sóc bò sữa chưa đến nơi đến chốn vì vậy dẫn đến năng suất và chất lượng sữa không cao.

Chăn nuôi bò sữa gặp nhiều bệnh tật hơn bò vàng, con giống bò sữa khi người dân mua về không rõ nguồn gốc, thiếu kỹ thuật chăn nuôi dễ đưa đến tình trạng bò không lên giống lại sau sanh,  hoặc viêm vú, viêm tử cung …Chi phí cho phối giống và thuốc điều trị bệnh khá cao.

            Sữa là sản phẩm nhạy cảm, khó tánh, rất dễ hư hỏng, không phải bán lúc nào, nơi nào cũng được mà phải thực hiện nghiêm túc quy trình vắt sữa thì mới đạt được chất lượng, sản lượng sữa tốt.

            Cũng chính từ những khó khăn tồn tại nêu trên mà số lượng bò sữa trong những năm 2003-2004 phát triển lên đến 1.365 con nhưng cho đến thời điểm hiện nay chỉ còn khoảng 700 con. Những khó khăn  trên không phải là không khắc phục được, nếu bà con nông dân muốn nuôi bò sữa đem lại lợi nhuận cao thì cách khắc phục những khó khăn trên như sau:

            1-Về chọn giống:

            - Cách chọn bò sữa giống phải theo nguyên tắc thế hệ ông bà, bố mẹ tốt phương pháp này dựa vào  năng suất của ông bà, bố mẹ, tức là chọn những con có năng suất cao, chất lượng sữa tốt ( tỉ lệ mở cao) tính hiền lành, dễ gần, dễ vắt sữa, sữa xuống nhanh.

            - Cách chọn bò sữa theo ngoại hình và sự phát triển cơ thể của bò: Phương pháp này quan sát bò đang gậm cỏ trên bãi chăn hoặc đang đi lại trong sân chơi. Những con bò sữa được chọn phải là những con khoẻ mạnh, lớn con, khối lượng cơ thể phải phù hợp từng độ tuổi và giống của nó, hình dáng có sự cân đối với các phần cơ thể (đầu, mình, tứ chi) đặc biệt đối với bò sữa là sự phát triển bầu vú. Cụ thể chọn bò sữa là những bò có cơ thể “ hình cái niêm” thân sau phát triển hơn thân trước, đầu thanh nhẹ, mồm to, mũi to, cổ dài vừa phải, sườn nở, ngực sâu, hông rộng. Các đầu xương nhìn rõ, vai, lưng và hông không võng và rộng dần về phía xương chậu, mông phẳng, rộng và dài. Bốn chân chắc chắn, cân đối và không chụm khoeo. Bầu vú cân đối phát triển không chảy, bốn núm vú dài, to vừa phải và đều đặn, tĩnh mạch vú to, dài có nhiều nếp gấp khúc, sau khi vắt sữa sờ vào vú thấy mềm mại chứng tỏ vú thuộc “ dạng tuyến”. Vú có nhiều mô liên kết (khi nắn vào thấy rắn) bầu vú dạng thịt. Nên chọn bò có bầu vú dạng tuyến  sẽ cho nhiều sữa hơn bầu vú dạng thịt. Trong quá trình lựa chọn bò nuôi lấy sữa chúng ta phải cân nhắc giữa các chỉ tiêu để chọn một con bò sữa theo ý muốn. Phần lớn bò sữa phải khoẻ mạnh, có ngoại hình đặc trưng, da dẽ mịn màng, hiền lành là những con bò cho sữa tốt

2-Về việc đảm bảo đúng khẩu phần thức ăn cho bò: Bò sữa là động vật nhai lại, có dạ dày 4 túi do đó bò có khả năng tiêu hoá thức ăn thô xanh, mức ăn của bò sữa phải căn cứ vào khối lượng cơ thể, sản lượng sữa và tỉ lệ bơ mà quyết định cụ thể như sau:

Thức ăn xanh củ quả: một con bò sữa nặng 300 –350kg cần ăn mỗi ngày 40 –45 kg cỏ tươi, cỏ khô hoặc rơm khô chỉ cho ăn từ  5- 10kg/1ngày. Các loại củ quả (bầu, bí, củ mì, khoai lang...), cứ 1kg sữa cho ăn 0,5kg củ quả, trong mùa mưa cần giảm củ quả để không làm ảnh hưởng chất lượng sữa

Thức ăn tinh (hoặc cám hỗn hợp): Cứ sản xuất 1kg sữa phải cho bò ăn 0,5kg cám hỗn hợp, đó là những con sản xuất sữa tới kg thứ  6 của ngày, có nghĩa là những bò cho lượng sữa thấp 4 –5 kg/ngày thì chỉ cho ăn cỏ 40 –50 kg là đủ dinh dưỡng, không cần bổ sung thức ăn tinh. Những con bò cho sữa từ  kg thứ 6 trở lên thì cần bổ sung thức ăn tinh theo tỉ lệ như sau:

Ví dụ: Nếu bò cho 15 kg sữa/ngày thì lượng thức ăn tinh cần bổ xung thêm là 10 x 0,5 = 5kg

Nên sử dụng đá liếm cung cấp Canxi, khoáng vi lượng bổ sung do thiếu hụt. Nếu có phụ phế phẩm công nông nghiệp như hèm bia, bã đậu, xác mì thì giảm bớt cám hỗn hợp, nếu thiếu cỏ, rơm mà cho bò sữa ăn nhiều thức ăn tinh thì bò sẽ rối loạn tiêu hoá và tỉ lệ bơ thấp, càng cho bò ăn nhiều cỏ tốt, chất lượng sữa càng cao và giá thành sữa càng hạ. Bò sữa nên cung cấp nước đầy đủ sạch sẽ vì sữa chiếm 90% là nước.

            3-Chuồng trại:  Chuồng trại nên xây dựng theo hướng Đông Bắc – Tây Nam tránh gió lùa Đông Bắc và mưa tạt Tây Nam. Chuồng trại đảm bảo thoáng mát, trên nguyên tắc thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, chuồng trại xây dựng ở nơi cao ráo, thoát nước tốt. Nền chuồng nên làm bê tông có độ nghiêng 3% về hướng rảnh thoát nước đảm bảo không bị nước đọng, giữ nền chuồng sạch, khô ráo, có hố đựng nước tiểu, nước  rửa chuồng có thể dùng để tưới cây trồng hoặc dùng để trồng cỏ làm thức ăn cho bò

Khí hậu nước ta nóng ẩm, mà bò sữa thích hợp mát mẻ, tốt nhất chúng ta có thể lợp bằng lá dừa, lá tranh...Nếu có bóng che có thể lợp Tôn, ngói, Fibro.. có điều kiện mái chuồng  có thể thiết kế dạng 2 tầng giúp tăng đối lưu không khí, giảm độ ẩm trong chuồng, độ cao mái chuồng trên 3m. Máng ăn, máng uống đặt nơi có độ cao vừa phải để dễ thao tác khi dọn vệ sinh, các góc của máng phải lượng tròn và trơn nhẵn xây bằng xi măng, đáy máng có chỗ thoát nước thuận tiện cho việc rửa máng. Đối với thành máng bên trong bò ăn, bắt buộc thấp hơn thành phía bên ngoài, để thức ăn không bị rơi vải Nếu có điều kiện thì trang bị máng uống tự động, nước sẽ luôn  sạch sẽ không bị hôi chua

            4-Vắt sữa: Để tăng năng suất sữa, phòng tránh  các bệnh về vú cho bò cần vắt sữa đúng  giờ đúng kỹ thuật vì sữa là một hỗn hợp dễ hư, khó bảo quản ở nhiệt độ thường, dễ lên men. Do đó trước khi vắt sữa phải vệ sinh chuồng trại một cách cẩn thận dọn hết thức ăn, nước uống thừa  của ngày hôm trước

Vệ sinh cơ thể bò nhất là phần bụng, nếu dơ quá nên tắm, dùng khăn lông thấm nước lau bầu vú, sau  đó dùng khăn lông lau nhẹ lau khô và dùng nước ấm lau sạch bầu vú trước khi vắt sữa

Dụng cụ vắt sữa nên dùng bằng inox, bằng nhôm hoặc bằng thép không rỉ, đáy tròn để dễ vệ sinh dễ vận chuyển. Chú ý không dùng xà bông thơm để rửa (sẽ ám mùi) sau đó để ráo và phơi trong bóng râm

Đối người vắt sữakhi vắt sữa phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

-Cần có người chuyên làm nhiệm vụ vắt sữa bò.

-Người vắt sữa phải yêu mến bò. 

-Người vắt sữa phải nhẹ nhàng, bình tĩnh. 

-Người vắt sữa phải là người không mắc bất kỳ các bệnh truyền nhiễm nào, móng tay phải cắt ngắn, định kỳ nên khám bệnh.

-Trước khi vắt sữa phải rửa tay bằng xà bông và lau khô sạch sẽ

-Nên sử dụng quần áo sạch sẽ của người vắt sữa, tốt nhất là mỗi tuần giặt 2 lần

Khi vắt sữa rửa bầu vú để tránh làm sữa bị nhiểm các vi sinh vật bám trên bề mặt da của bầu vú và kích thích tiết hoocmon (oxytoxin) làm cho sữa xuống, Sau khi rửa và xoa bóp bầu vú, cần vắt một vài tia nhỏ từ mỗi núm vú đem kiểm tra xem có bị viêm vú  không, nếu trạng thái bình thường không có lợn cợn chứng tỏ sữa bò tốt, còn ngược lại bò bị viêm vú, những tia sữa đầu chứa nhiều vi khuẩn nên đổ bỏ đi một nơi nào đó, nếu không sẽ là nguồn lây nhiễm 

Vị trí vắt sữa có thể ngồi bên trái hay bên phải bò tuỳ theo người vắt sữa thuận bên trái hoặc bên phải, nếu tiến hành nhanh người vắt cần sử dụng cả hai tay nghĩa là cầm hai núm vú cùng một lúc, vắt sữa theo đường chéo, bắt đầu là núm vú trước trái-sau phải và ngược lai.

Nếu bà con chăn nuôi bò sữa thực hiện tốt quy trình trên thì chăn nuôi bò sữa vẫn mang lại nguồn lợi ổn định cho gia đình.

Nguyễn Thị Hải Đường- Trạm KN Trảng Bàng - 2006

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây