Nghề phụ - thu nhập chính

Thứ năm - 27/02/2014 21:05 315 0

 BSTY. Trần Thanh Sang - TTKN

Nấm bào ngư được trồng gồm nhiều loài từ Pleurotus. Theo nghĩa chữ Hy Lạp Pleurotus có nghĩa sự mang một bên (Pleuron: bên cạnh) và hình dạng mũ như vỏ sò (otes: lỗ tai). Một số loài nấm bào ngư trồng có dạng giống hình vỏ sò nên được gọi là nấm bào ngư (tên khác là nấm sò).

Các loại nấm bào ngư phân bố rộng trên thế giới, ở nước ta loài nấm dai cũng thuộc nấm bào ngư. đầu tiên nấm bào ngư được trồng ở Châu Âu trên gỗ, rồi sau đó trên mùn cưa, cùi bắp, rơm rạ. Nhiều giống nấm bào ngư được trồng ở vùng ôn đới, cũng mọc tốt trong điều kiện nhiệt độ ở nước ta (28-30oC). Các nhà trồng nấm Hungari đã có công tìm ra phương pháp trồng nấm bào ngư xám đen (Pleurotus ostreatus) với qui mô công nghiệp. Nhờ sự giúp đỡ về giống của Hungari năm 1977 PTS Văn Mỹ Dung đã trồng ra nấm bào ngư lần đầu tiên ở nước ta tại thành phố Hồ Chí Minh.

Nấm được xem là một loại rau sạch cao cấp. Nếu xét hàm lượng protein có thấp hơn thịt, cá nhưng lại cao hơn bất kỳ một loại rau quả nào khác. Do đó xét về chất lượng thì đạm ở nấm không thua gì ở động vật. Ngoài ra còn có các Vitamin và khoáng chất.

Đến Thị trấn Châu Thành, nếu hỏi chị Nga cán bộ công chức của huyện thì có lẽ người dân sẽ không biết, còn nếu hỏi nhà chị Nga trồng nấm sò thì sẽ được chỉ tận tường địa chỉ nhà. Do có lẽ, chị là một trong những người đầu tiên ở huyện Châu Thành trồng nấm Bào ngư.

Chị đang công tác tại Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành. Chị đã mạnh dạn đầu tư dựng trại trồng nấm Bào Ngư  xám, với diện tích trại 100 m2  chị trồng được 7.000 bịch meo nấm.

Theo tâm sự của chị Nga, lúc trước chị học tại trường Đại học Nông Lâm TP.HCM khoa nông học, vào thời gian này chị có theo các thầy trong trường nghiên cứu sản xuất meo nấm, ra trường chị cũng không mấy quan tâm đến nghề trồng nấm. Thời gian gần đây, chị có gặp lại người bạn cũ đang có một trang trại trồng nấm rất lớn ở Củ Chi khuyên chị nên trồng thử.

Đầu năm 2010, chị Nga bắt đầu cất trại, lúc đầu chị chỉ dám trồng thử 3.000 bịch, sau một tháng nấm bắt đầu cho thu hoạch, giá thời điểm này khá cao khoảng 40 – 45.000đ/kg. Sau lứa đầu, tiền bán nấm chị đã gần như khấu trừ chi phí dựng trại. Ban đầu trại chỉ rộng chừng 50 m2, đến nay trại nấm của chị đã rộng gấp đôi.

Đưa chúng tôi đi tham quan trại, chị cũng cho biết hiện nay thu hoạch mỗi ngày được từ 30 – 40kg nấm với giá bán 35 – 40.000đ/kg, ước thu nhập khoảng 1 triệu đồng mỗi ngày, đây là mức thu nhập không tưởng đối với cán bộ công chức hiện nay. Chị cũng cho biết nghề trồng nấm cũng không quá khó, nếu ngày nào nắng thì chỉ cần tưới phun sương vào buổi trưa, còn ngày mưa thì không cần phải tưới. Chỉ cần chịu cực sáng dậy sớm hái nấm mang ra chợ sang lại cho bạn hàng là có thể về đi làm bình thường không mất quá nhiều thời gian. Mỗi vụ nấm chị thu hoạch từ 4 – 5 tháng là bỏ và nhập meo mới về.

Phần bịch meo cũ chị không bỏ đi, mà tận dụng bằng cách ủ vôi cho chết tạp khuẩn và meo cũ, rồi đổ ra ngoài vườn cho meo nấm rơm vào và ủ rơm khô lên trên. Như vậy, là đã có nguồn thu nhập từ việc bán nấm rơm mà không tốn chi phí đầu tư mua chất mùn.

Cách làm kinh tế gia đình như chị Võ Thị Thúy Nga đáng để không những cán bộ công chức học hỏi làm theo mà còn là gương sản xuất nông nghiệp cho những hộ gia đình có diện tích đất canh tác ít .

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây