Dọc tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia,
đoạn từ xã Lợi Thuận, Tiên Thuận, Long Thuận, Long Khánh và Long Phước, phía
bên kia biên giới là vùng đất hoang hóa do người Campuchia không canh tác, cỏ
mọc quanh năm. Cư dân sống cặp biên giới
tận dụng vùng đất này để chăn thả trâu bò. Trong đó, đàn trâu bò của người Việt
chiếm phần lớn. Mỗi sáng, trâu, bò được lùa sang chăn thả đến chiều lùa về.
Ảnh: Đàn trâu lũ lượt kéo về sau một ngày ăn cỏ bên kia biên giới (Ảnh chụp tại Tiên Thuận, 7/2017)
Trên cánh đồng cỏ ngoài trâu, bò của người Việt, có cả đàn trâu bò của người Campuchia cùng chăn thả. Tuy nhiên, việc chăn thả trâu bò khu vực biên giới tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh đặc biệt là các bệnh lở mồm long móng (LMLM), tụ huyết trùng (THT). Đây là những vật mang trùng truyền trực tiếp hoặc gián tiếp cho trâu, bò của người Việt rồi từ đó mang sâu về nội địa phát tán dịch bệnh gây mất an toàn dịch bệnh cho trâu, bò nuôi nhỏ lẻ của địa phương cũng như của trang trại.
Cách nuôi trâu, bò chăn thả qua biên giới tạo việc làm, nuôi sống cho nhiều người và đã có nhiều hộ khá giả lên nhờ " đầu tư" nuôi trâu ở vùng đất này. Vì vậy, nuôi trâu, bò đã trở thành một nghề sinh sống luôn gắn chặt với người dân biên giới.
Để ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan, trong thời gian qua, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bến Cầu đã thực hiện một số biện pháp phòng chống như sau:
- Mỗi năm, tổ chức tiêm phòng 02 đợt đối với bệnh LMLM và 01 đợt đối với bệnh THT cho trâu bò thuộc diện tiêm phòng trên địa bàn huyện. Do vùng biên giới chủ yếu là nuôi trâu bò sinh sản, diện mang thai, mới đẻ, sơ sinh luôn chiếm tỷ lệ cao. Vì vậy, phải tổ chức tiêm phòng bổ sung cho các đối tượng chưa được tiêm phòng trong đợt chính.
- Tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng bệnh.
- Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn, nhằm phát hiện và xử lý ngay ổ dịch khi còn ở diện hẹp;
- Tuyên truyền trên đài truyền thanh huyện về các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và phòng chống dịch bệnh để nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi và vận động người chăn nuôi thực hiện.
- Tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức pháp luật trong công tác thú y cho toàn thú y địa phương, đặc biệt là kỹ thuật tiêm phòng vắc xin, quy định phòng, chống dịch, kiểm dịch động vật và các quy định pháp luật khác có liên quan...
- Tăng cường công tác kiểm dịch động vật, ngăn chặn triệt để việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới, nhằm ngăn chặn mầm bệnh LMLM xâm nhiễm vào trong tỉnh.
Trong những năm qua, Trạm Chăn nuôi và Thú y Bến Cầu phối hợp với chính quyền địa phương luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng bệnh cho đàn trâu bò nói riêng và đàn gia súc, gia cầm nói chung để góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển và xây dựng thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới./.
Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bến Cầu
Ý kiến bạn đọc