Châu Thành là huyện biên giới của tỉnh Tây Ninh với 6/15 xã giáp ranh với nước bạn Campuchia. Chính vì thế nguy cơ lây lan dịch bệnh qua đường biên giới là rất cao. Hơn nữa, hình thức chăn nuôi trên địa bàn chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ nên rất khó khăn trong công tác quản lý tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi. Giải pháp đặt ra là vận động, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học tiến đến xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.
Căn cứ vào Quyết định số 440/QĐ-BNN-TY ngày 03/02/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt "Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gà hướng tới xuất khẩu tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh", Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai Dự án khuyến nông về "xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu" trên địa bàn các tỉnh trọng điểm chăn nuôi gà ở Đông Nam Bộ như: Bình Dương, Bình Phước, Vũng Tàu, Đồng Nai và Tây Ninh.
Ngày 20/4/2017 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã ký hợp đồng với Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh để phối hợp thực hiện Dự án. Mục tiêu của Dự án là xây dựng cơ sở ATDB đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà tại tỉnh Tây Ninh, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu. Dự án sẽ hỗ trợ 30% kinh phí mua vật tư như vắc xin cúm gia cầm, Newcastle, thuốc trị ký sinh trùng và thuốc sát trùng cho các hộ tham gia. Đối tượng tham gia dự án là các hộ, trại chăn nuôi thường xuyên có quy mô trên 1.000 con gà (không tính gà dưới 7 ngày tuổi), có điều kiện chuồng trại phù hợp yêu cầu, có kinh nghiệm chăn nuôi và chưa nhận hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của ngân sách Nhà nước cho cùng một nội dung của mô hình.
Để xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, người chăn nuôi phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu như: thực hiện áp dụng các biện pháp an toàn sinh học vào trong chăn nuôi…, tạo môi trường chăn nuôi khép kín, cùng vào cùng ra, động vật xuất, nhập phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo không cho dịch bệnh phát sinh và lây lan, đảm bảo về vệ sinh, môi trường. Đối với người chăn nuôi, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh giúp kiểm soát được dịch bệnh một cách chủ động và hiệu quả nhất, giảm tối đa chi phí phòng và điều trị bệnh. Ngoài ra được ưu tiên chọn lựa cung cấp con giống, động vật và sản phẩm động vật được phép vận chuyển động vật, sản phẩm động ra khỏi vùng dịch theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT. Được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch trong vòng một ngày làm việc kể từ ngày đăng ký kiểm dịch nếu còn miễn dịch bảo hộ.
Với những lợi ích nêu trên và quy trình chăn nuôi khép kín như vậy sẽ tạo ra được sản phẩm với chi phí rẻ và đảm bảo chất lượng nhất. Đối với cộng đồng xã hội, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật góp phần làm chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững tại địa phương; người tiêu dùng có nguồn cung cấp thực phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn góp phần đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi. Sản phẩm chăn nuôi từ các cơ sở sau khi được cấp giấy chứng nhận sẽ dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, khiến người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm, giúp cho đầu ra sản phẩm ngày càng dễ dàng hơn, ổn định hơn và lợi nhuận cao hơn. Người sản xuất yên tâm đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, tiến tới xóa dần tình trạng chăn nuôi phân tán nhỏ lẻ, xây dựng các vùng chăn nuôi quy mô tập trung theo hình thức trang trại, gia trại theo hướng tái cơ cấu ngành chăn nuôi hiện nay.
Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao vật tư và vắc xin hỗ trợ cho 10 hộ chăn nuôi tại Châu Thành
Để Dự án được triển khai có hiệu quả trên địa bàn huyện, Trạm Chăn nuôi và Thú y Châu Thành phối hợp với Phòng Dịch tễ - Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức các lớp tập huấn về chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; phối hợp với phòng NN&PTNT tiến hành rà soát, vận động, tuyên truyền đến các cơ sở chăn nuôi tham gia xây dựng mô hình. Qua quá trình khảo sát đã chọn được 10 hộ chăn nuôi gà có đủ điều kiện để tham gia xây dựng mô hình. Hiện các hộ này đã được cấp vật tư hỗ trợ gồm có vắc xin Cúm gia cầm, vắc xin Newcastle, thuốc sát trùng và thuốc trị ký sinh trùng,…để sử dụng trong quá trình chăn nuôi và sẽ chọn ngày lấy mẫu xét nghiệm để chứng nhận cơ sở ATDB ./.
Trạm Chăn nuôi và Thú y Châu Thành
Ý kiến bạn đọc