Tây Ninh triển khai công tác tiêm phòng gia súc - gia cầm đợt 2/2017

Thứ sáu - 15/09/2017 00:00 120 0

Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, diễn biến thay đổi làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát sinh, lây lan các dịch bệnh nguy hiểm ở động vật gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Tiêm phòng là một trong những biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất. Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy đàn gia súc, gia cầm được tiêm đúng, tiêm đủ các loại vắc xin theo đúng yêu cầu sẽ có miễn dịch chống lại các dịch bệnh, giảm thiệt hại kinh tế do gia súc, gia cầm ốm chết và bị tiêu hủy do dịch, góp phần bảo vệ sức khỏe của người dân và cả cộng đồng. Việc chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm là quy định bắt buộc của Nhà Nước đối với mỗi cá nhân, tổ chức có chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, Sở Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh đã ban hành kế hoạch số 2052/KH-SNN ngày 24/8/2017 về tiêm phòng gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đợt 2/2017. Từ ngày 06/9/2017 đến ngày 06/11/2017, các huyện, thành phố sẽ tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2/2017 và sau ngày 07/11/2017 duy trì thường xuyên công tác tiêm phòng bổ sung cho gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng trong đợt chính.


                            Hình: tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm

Nhằm bảo vệ an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, tỉnh Tây Ninh đã có chính sách hỗ trợ công tác tiêm phòng như sau:

- Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ:

+  Trên đàn heo: Hỗ trợ vắc xin phòng bệnh heo tai xanh cho đàn heo nái, heo đực giống.

+ Trên đàn trâu, bò: Hỗ trợ vắc xin phòng bệnh Lở mồm long móng.

+ Trên đàn gia cầm: Hỗ trợ vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm. Riêng địa bàn huyện Dương Minh Châu, là nơi xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, được hỗ trợ thêm vắc xin phòng bệnh Niu-cat-xơn.

 - Đối với các trang trại, người chăn nuôi phải tiêm phòng bắt buộc các bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT dưới sự giám sát của cơ quan Thú y.

Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ tiêu độc, khử trùng phòng chống dịch bệnh và tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người chăn nuôi về lợi ích của công tác tiêm phòng, các nguy cơ phát sinh dịch bệnh cũng như tác hại, ảnh hưởng của việc không tiêm phòng cho đàn vật nuôi, đồng thời vận động người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để giảm thiểu nguy cơ phát sinh dịch bệnh và hợp tác với ngành thú y trong công tác tiêm phòng.

Vì vậy, để nâng cao năng suất chăn nuôi và chủ động phòng bệnh có hiệu quả, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm chấp hành công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; chủ động theo dõi lịch tiêm phòng của địa phương để hỗ trợ bắt giữ gia súc, gia cầm phục vụ tiêm phòng tại hộ bảo đảm cho đàn gia súc, gia cầm được tiêm đúng, tiêm đủ vắc xin theo quy định./.

Phòng Dịch tễ - Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây