Nâng cao nhận thức trong việc Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản

Thứ tư - 21/03/2018 16:00 297 0

Thực hiện Kế hoạch số 1381/KH-SNN ngày 30/5/2017, ngày 30/9/2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa tiến hành thả cá giống vào hồ Dầu Tiếng với mục đích phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, cải thiện môi trường nước, tạo ra nguồn lợi thủy sản phục vụ cho nhu cầu khai thác của nhân dân với số lượng 75.000 con giống của 03 loài thủy sản có giá trị kinh tế cao: Cá Hô, cá Cóc, cá Lăng nha với tổng kinh phí là 500.000.000 đồng.

Thực hiện Kế hoạch số 829/KH-CCCN&TY ngày 06/10/2017, từ ngày 13/10/2017 đến ngày 15/10/2017; Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục thả cá giống vào hồ Dầu Tiếng và đập Tha La với số lượng 955.000 con giống của các loài: Mè hoa, cá Trôi, Trắm cỏ, cá Tra, Sặc rằn với tổng kinh phí là 700.000.000 đồng.

Những năm qua, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tây Ninh vẫn duy trì việc thả cá giống vào hồ Dầu Tiếng gồm nhiều chủng loại, với trên 11.000.000 con giống, tổng kinh phí trên 5,7 tỷ đồng.

Hồ Dầu Tiếng là một công trình thủy lợi quan trọng của tỉnh Tây Ninh, là nơi cung cấp nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, nông nghiệp của người dân tỉnh Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh.

Hồ Dầu Tiếng còn là một ngư trường lớn, quan trọng trong khai thác thủy sản của nhân dân tỉnh Tây Ninh. Với hơn 1.000 hộ dân đang sinh sống và tham gia khai thác thủy sản trong hồ Dầu Tiếng, góp phần ổn định kinh tế xã hội, mang lại thu nhập chính đáng cho người dân, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, cải thiện cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người dân.

(Ảnh minh họa: Kiểm tra, đếm mẫu cá trước khi thả)

Việc thả cá giống vào hồ Dầu Tiếng ngoài mục đích phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, cải thiện môi trường nước còn tạo ra nguồn lợi thủy sản phục vụ cho nhu cầu khai thác của người dân, ổn định đời sống kinh tế cho người dân sinh sống ven hồ là một việc làm có ý nghĩa to lớn, mang tính nhân văn cao.

Người dân khai thác thủy sản trong hồ cần hiểu rõ ý nghĩa của việc thả cá giống vào hồ mà Đảng, Nhà nước đang thực hiện; nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần tạo ra một ngư trường khai thác thủy sản phong phú, dồi dào sản lượng, nâng cao đời sống của người dân khai thác thủy sản.

Trong thời gian thả cá giống, người dân khai thác thủy sản trong hồ chấp hành tốt chỉ đạo của UBND tỉnh Tây Ninh tại Công văn số số 2597/UBND-KTN ngày 29/9/2017; không đánh bắt cá ở những khu vực thả cá để có thời gian cho cá quen với môi trường và phát triển ra môi trường xung quanh nhằm nâng cao hiệu quả của việc thả cá.

Song song đó, bà con ngư dân cần nâng cao nhận thức hơn nữa trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh nhà, chấp hành tốt các nội dung của Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 14/7/2015 của UBND tỉnh Tây Ninh: không sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ, đăng, dớn để khai thác thủy sản; không khai thác thủy sản tại các khu vực Hóc Cò, Suối Nhím, Ao 10 mẫu, Vàm Suối Đông trong hồ Dầu Tiếng vào thời điểm cá sinh sản (từ ngày 01/7 đến hết ngày 30/9 hàng năm).

Tất cả hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đều xử lý nghiêm theo quy định tại Nghị định 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ và Nghị định số 41/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

 

(Ảnh minh họa: Cá Mè hoa người dân khai thác được)

Chi cục Chăn nuôi và Thú y

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây