Ủ rơm khô nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò, trâu

Thứ hai - 22/06/2020 23:00 857 0
Ủ RƠM KHÔ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CHĂN NUÔI BÒ, TRÂU

Rơm khô là một trong những nguồn thức ăn không thể thiếu trong chăn nuôi trâu, bò ở nước ta, tuy nhiên một thực trạng ở nông thôn cho thấy rơm hầu hết được sử dụng ở dạng thô và khô, đa phần người chăn nuôi không có biện pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng khi sử dụng. Phương pháp ủ rơm khô nhằm gia tăng giá trị dinh dưỡng, làm tăng hàm lượng protein thô, tăng tỷ lệ tiêu hóa, giúp bò ăn được nhiều hơn và cho năng suất cao hơn so với cho ăn rơm không xử lý, giúp bà con tiết kiệm tối đa chi phí.

Mặt khác, xu hướng đồng cỏ chăn thả ngày càng bị thu hẹp nên người dân nuôi nhốt trâu bò trong chuồng trại, thiếu hụt các loại thức ăn thô xanh nên Trạm Chăn nuôi và Thú y Thành phố Tây Ninh hướng dẫn người dân ủ rơm để chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò.

Phương pháp ủ rơm với urê thực hiện các bước như sau:

1. Chuẩn bị dụng cụ, nguyên liệu (tính cho 100 kg rơm khô)

- Nơi ủ: Tận dụng các điều kiện sẵn có của gia đình như các góc tường, bể xây, ô chuồng trống không nuôi gia súc, thậm chí ủ trong bao đựng phân đạm, bao chứa thức ăn, túi nilon loại lớn, thùng nhựa... nhưng cần đảm bảo chắc chắn, sạch sẽ và đảm bảo nén rơm được chặt chẽ và dễ dàng và đặc biệt không để không khí lọt vào.

- Vật liệu đệm lót, che phủ (đối với hố ủ): Dùng tấm bạt, tấm nilon có độ che phủ rộng, đảm bảo che đậy kín để đảm bảo thức ăn không nhiễm đất, cát bẩn và hạn chế thất thoát urê.

Công thức:  100 kg rơm +100 lít nước sạch + 4 kg urê + 2 kg rỉ mật+ 1 kg muối + 0,5 kg vôi tôi.

- Rơm khô: Sau khi thu hoạch lúa tiến hành phơi khô rơm để làm thức ăn cho bò. Băm rơm ra thành đoạn ngắn để dễ dàng xóc trở rơm trong quá trình trộn. Rơm khô dùng để ủ với urê phải có màu vàng tự nhiên, thơm, không bị nát, không bị thối, mốc và không bị lẫn bùn.

Bước 1: Hòa urê, rỉ mật, muối, vôi vào nước theo tỷ lệ  như trên.

Bước 2: Cho rơm vào hố ủ

Bước 3: Tưới nước đã hòa các chất bổ sung vào rơm (tưới từ từ cho ngấm).

Bước 4: Phủ bạt hoặc tấm nilong che đậy miệng hố (túi, thùng nhựa) thật kín để vào nơi râm mát.


Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y Thành phố hướng dẫn người dân ủ rơm


Ủ rơm trong thùng nhựa

2. Cách sử dụng

- Rơm ủ sau khi ủ từ 7 -10 ngày bắt đầu có màu vàng đậm, mềm, có mùi thơm dễ chịu, không có mùi nấm mốc, bắt đầu lấy ra cho gia súc tập ăn dần.. Khi lấy rơm ủ cho gia súc ăn chỉ nên lấy ra ở 1 góc (không lật toàn bộ lớp đệm lót che phủ giảm tiếp xúc với không khí) lấy rơm xong lại che phủ lên cho kín.

- Lần đầu, nên tập cho trâu, bò ăn như sau:  Lấy rơm ủ ra phơi trong mát 30 - 45 phút để bay bớt mùi urê trước khi cho ăn. Ban đầu cho ăn ít 1 - 2kg/con/ngày, tập cho gia súc ăn dần bằng cách trộn lẫn với cỏ tươi, sau 2 - 3 ngày sẽ quen rồi tăng dần tỷ lệ rơm ủ lên. Mỗi ngày cho ăn tối đa từ 5 - 6 kg rơm ủ/con, ngoài ra hàng ngày vẫn chăn thả.

- Ước tính lượng rơm để ủ:  Một con gia súc trưởng thành ăn khoảng 5-7 kg rơm ủ thành phẩm mỗi ngày. Nên ủ ăn dần trong 1 tuần, các mẻ rơm ủ liền kề nhau để đáp ứng nhu cầu ăn hàng ngày cho cả đàn bò.

- Tập cho gia súc ăn: Lần đầu ăn rơm ủ u-rê trâu, bò không thích nên phải tập cho ăn từ từ, cần thiết cho nhịn đói; không rửa lại nước, không phơi khô khi cho ăn. Vì rửa nước, hay phơi khô sẽ làm giảm dinh dưỡng của rơm ủ.

- Lượng cho ăn: Cho ăn tối đa, có thể thay thế đến 80% lượng cỏ xanh.
Đối với rơm ủ u-rê so với rơm không ủ (rơm khô, rơm tươi), hàm lượng đạm đã tăng lên khoảng 50%, tỷ lệ tiêu hóa tăng khoảng 30% khả năng sản xuất của gia súc tăng khoảng 15% so với trước đây.

Thành phần chủ yếu của rơm lúa là xơ (34%), tỷ lệ tiêu hoá thấp, nghèo dinh dưỡng (protein: 2 – 3%). Viện Chăn nuôi đã nghiên cứu và áp dụng trong sản xuất phương pháp xử lý rơm bằng u-rê có bổ sung vôi tôi. Phương pháp này đơn giản, dễ áp dụng. Mặt khác nhờ có vôi gia súc được bổ sung thêm canxi (loại khoáng thường thiếu trong rơm lúa).

Chú ý: Không tiến hành ủ rơm vào lúc trưa nắng, nhiệt độ cao vì độc tố 4-methyl-imidazol sẽ hình thành giữa đường glucose có trong rơm tươi với NH3 phân giải từ urê. Độc tố này có thể gây ngộ độc cho bò làm bò có triệu chứng như bị điên. Nơi ủ phải chọn nơi khô ráo, tránh nước mưa và nước từ nơi khác thấm vào. Phải cho trâu, bò uống đủ nước khi sử dụng thức ăn rơm ủ urê, không cho trâu, bò ăn urê trực tiếp./.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y (TCNTYTPTN)


  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây