Huyện Dương Minh Châu tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống bệnh Dịch tả heo Châu phi

Thứ tư - 20/05/2020 18:00 338 0
Huyện Dương Minh Châu tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống bệnh Dịch tả heo Châu phi

Hiện nay, tình hình bệnh Dịch tả heo Châu phi trên cả nước tuy đã được khống chế nhưng nguy cơ mầm bệnh vẫn tiếp tục lây nhiễm và tái phát rất cao. Do tính chất nguy hiểm của bệnh; vi rút có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức đề kháng rất cao; đường lây truyền rất đa dạng; chưa có vắc xin cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Năm 2019, huyện Dương Minh Châu chỉ phát sinh 01 ổ Dịch tả heo Châu Phi và đã được xử lý kịp thời, không lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, do đàn heo của huyện Dương Minh Châu có số lượng lớn 66.911, chiếm 36,5% tổng đàn heo của tỉnh nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao.

Nhằm  giúp người dân ổn định phát triển chăn nuôi heo an toàn, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Dương Minh Châu tiếp tục tăng cường các biện pháp chủ động khống chế và ngăn ngừa bệnh Dịch tả heo Châu phi tái phát như sau:

1. Tăng cường thực hiện một số giải pháp kỹ thuật

- Thực hiện đúng quy trình trong công tác kiểm soát giết mổ, tiêu độc khử trùng tất cả các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào cơ sở giết mổ, không để heo bệnh, heo không rõ nguồn gốc nhập vào cơ sở.

- Tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh thú y các quầy, sạp buôn bán sản phẩm động vật nhằm đảm bảo cung cấp đủ sản phẩm heo sạch và an toàn cho người tiêu dùng.

- Khuyến cáo, hướng dẫn các hộ, trại chăn nuôi thực hiện định kỳ tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng theo đúng quy trình kỹ thuật. Tần suất thực hiện như sau:

+ Đối với cơ sở chăn nuôi: Vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi 01 lần/tuần và theo các đợt phát động của địa phương.

+ Đối với cơ sở giết mổ: Vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi ca giết mổ.


Hình: Thực hiện tiêu độc khử trùng trước khi nhập heo vào CSGM

+ Chợ buôn bán sản phẩm động vật: Vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực buôn bán sau mỗi phiên chợ.

- Tăng cường công tác giám sát dịch tễ, kịp thời phát hiện bệnh để báo cáo chính quyền địa phương, Chi cục Chăn nuôi và Thú y nhằm kịp thời xử lý, áp dụng các biện pháp đồng bộ khống chế, bao vây, dập dịch.

- Tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử lý theo đúng quy định các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc

2. Thông tin, tuyên truyền

Phối hợp với các Đoàn thể, Trung tâm Văn hóa thể thao và Truyền thanh huyện thực hiện thông tin, tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến người dân về bệnh Dịch tả heo Châu phi để người chăn nuôi nắm rõ sự nguy hiểm của bệnh và các biện pháp chủ động ngăn chặn xâm nhiễm, khuyến cáo chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi liên kết theo chuỗi và xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

3. Thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học

- Hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở, các hộ dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học:

+ Vị trí chăn nuôi phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất của địa phương hoặc được các cơ quan có thẩm quyền cho phép.

+ Chuồng trại chăn nuôi phải cách xa với khu nhà ở theo quy định; đảm

bảo thông thoáng, không ẩm thấp và dễ vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

+ Heo giống phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh, có đầy đủ giấy kiểm dịch. Trước khi nhập đàn, heo phải được nuôi cách ly theo quy định hiện hành.

+ Thức ăn sử dụng cho chăn nuôi heo phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng phù hợp. Không sử dụng thức ăn thừa của đàn heo đã xuất chuồng, thức ăn thừa từ các quán ăn chưa xử lý qua nhiệt.

+ Nước dùng cho heo uống phải an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng; Sử dụng nước sạch cho heo uống, không dùng nước đục, nước ao tù. Nước giếng khoan có hàm lượng sắt cao hoặc các chất độc phải xử lý trước khi cho heo uống. Tuyệt đối không sử dụng nước ao, hồ, kênh rạch làm nước uống cho heo; trường hợp cần thiết phải sử dụng  thì phải được tiệt trùng bằng dung dịch chlorine.

+ Phải vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống thường xuyên. Thực hiện tiêm phòng cho đàn heo theo đúng quy định. Trong trường hợp phát hiện có dịch, phải thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về chống dịch.

+ Khâu vệ sinh chuồng trại hàng ngày và sau xuất bán heo được xem là quan trọng nhất trong việc phòng, chống dịch bệnh. Thường xuyên thực hiện phun tiêu độc khử trùng trên toàn diện tích chăn nuôi của trại 1 lần/tuần. Sau khi xuất bán nên để trống chuồng trại tối thiểu 15 ngày và thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng, rắc vôi trên nền, tường, xung quanh trang trại và đường đi; hạn chế tối đa người ra, vào trang trại để tránh dịch bệnh từ nơi khác mang đến…

+ Các cơ sở chăn nuôi bắt buộc phải có hệ thống xử lý chất thải: Chất thải rắn phải được thu gom và trước khi đưa ra ngoài phải được xử lý đảm bảo vệ sinh dịch tễ theo quy định hiện hành. 

- Rà soát, xác định những cơ sở chăn nuôi lớn trong trong địa bàn huyện bảo đảm thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học  để tổ chức nuôi tái đàn.

- Khuyến cáo những cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo về điều kiện chăn nuôi an toàn thì không nên nuôi tái đàn trở lại.

Để phát triển chăn nuôi bền vững, trong thời gian tới ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng phát triển trang trại tập trung, công nghệ cao, đồng bộ, theo chuỗi giá trị (từ giống, thức ăn, thuốc thú y... đến giết mổ, tiêu thụ) gắn với thị trường trong tỉnh và khu vực lân cận. Tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là dịch tả  heo Châu phi,  kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, hạn chế thiệt hại trong chăn nuôi và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất của chăn nuôi trong ngành nông nghiệp.

 Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Dương Minh Châu

      

               

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây