CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ TIÊM PHÒNG TRÊN ĐỘNG VẬT

Thứ tư - 29/04/2020 22:00 460 0
CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ TIÊM PHÒNG TRÊN ĐỘNG VẬT

Tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi là một trong những biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả, đặc biệt là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để đảm bảo phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững và cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Vắc xin là chế phẩm sinh học chứa các mầm bệnh đã bị làm yếu hay làm chết đi (không còn khả năng gây bệnh). Sau khi tiêm vào cơ thể chế phẩm này mới kích thích cơ thể sinh ra kháng thể đặc hiệu chống lại mầm bệnh (còn gọi là miễn dịch). Mỗi loại vắc xin đều có những đặc thù riêng, hiệu quả và thời gian miễn dịch phụ thuộc rất nhiều vào đối tượng sử dụng vắc xin. Nếu quản lý và sử dụng đúng quy trình kỹ thuật sẽ đảm bảo thời gian miễn dịch kéo dài và an toàn, ngược lại sẽ làm giảm khả năng tạo miễn dịch của vắc xin.

Một quy trình chủng ngừa vắc xin phù hợp là rất quan trọng đối với mỗi trang trại chăn nuôi. Vắc xin kích hoạt hệ thống miễn dịch bằng cách giới thiệu một loại kháng nguyên, ví dụ như một vi sinh vật ít độc lực hoặc một phần của vi sinh vật cho cơ thể vật nuôi. Vật nuôi sẽ sản xuất các kháng thể và các yếu tố miễn dịch khác để chống lại các kháng nguyên trong vắc xin. Nếu sau đó vật nuôi tiếp xúc với các loại kháng nguyên này thì cơ thể của chúng đã sẵn sàng để chiến đấu chống lại mầm bệnh.

Việc sử dụng vắc xin không hiệu quả hoặc kém hiệu quả có thể làm phát sinh dịch bệnh, gây tốn kém công sức và chi phí chăn nuôi. Do đó, người chăn nuôi cần quan tâm đến các nguyên tắc sau đây khi quyết định quy trình chủng ngừa cho đàn vật nuôi:

1. Bảo quản vắc xin đúng cách

 Việc bảo quản vắc xin không hợp lý có thể làm giảm hoặc làm mất khả năng bảo hộ của vắc xin.


Hình: Thùng lạnh bảo quản vắc xin trong quá trình đi tiêm phòng

Một chương trình tiêm phòng hợp lý cũng không phát huy được tác dụng nếu vắc xin bị hư hại do việc bảo quản không đúng như không đảm bảo nhiệt độ và tránh ánh sáng trực tiếp. Vì vậy, việc bảo quản vắc xin phải tuân thủ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Không sử dụng vắc xin đã hết hạn sử dụng; vứt bỏ các vỏ chứa đã mở nắp và vắc xin thừa đúng cách.

2. Lựa chọn vắc xin phù hợp với chủng/biến thể của các mầm bệnh tại địa phương

 Một số bệnh gây ra bởi nhiều sinh vật khác nhau hoặc các sinh vật có nhiều  chủng khác nhau. Việc sử dụng loại vắc xin nào sẽ phụ thuộc vào loại vi sinh vật gây nhiễm tại khu vực chăn nuôi. Sự tương thích giữa chủng vi sinh vật của vắc xin với chủng vi sinh vật thực địa quyết định rất lớn đến hiệu quả của việc tiêm phòng.

Ngoài ra, có một số vi sinh vật  biến đổi nhanh hơn những vi sinh vật khác. Khi vi sinh vật đột biến trở nên khác đi so với vi sinh vật ban đầu được sử dụng trong sản xuất vắc xin, vắc xin có thể trở nên kém hiệu quả hoặc không hiệu quả theo thời gian. Cúm gia cầm là ví dụ về các bệnh có mức độ đột biến cao nên có nhiều loại vắc xin tương ứng với các chủng gây bệnh. Do đó, việc sử dụng loại vắc xin nào nên tùy theo tình hình dịch tễ và khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y quản lý tại địa phương.


Hình: tiêm phòng LMLM cho gia súc tại Dương Minh Châu

 3. Hiểu các đặc điểm của vắc xin

 Hai loại vắc xin truyền thống được sử dụng là vắc xin sống và vắc xin chết.

 – Vắc xin sống (bao gồm các vắc xin sống giảm độc lực và vắc xin biến đổi) chứa các vi sinh vật sống ít độc lực tự nhiên hoặc đã bị biến đổi và làm suy yếu trong quá trình sản xuất để có độc lực thấp hơn. Tuy các vắc xin sống cung cấp đáp ứng miễn dịch nhanh và mạnh nhưng chúng có thể gây ra một số triệu chứng bệnh, kể cả ức chế tăng trưởng. Vắc xin sống thích hợp chủng ngừa theo nhóm.

 – Vắc xin chết hay vắc xin bất hoạt chứa các vi sinh vật chết. Tuy các vắc xin chết không gây ra bệnh nhưng chúng cung cấp đáp ứng miễn dịch chậm hơn và yếu hơn vắc xin sống, và phải tiêm cho từng cá thể do đó tăng chi phí sản xuất.

 Tùy thuộc vào từng mầm bệnh mà nên sử dụng một hoặc hai loại vắc xin trên. Nên xem xét ưu và khuyết điểm của từng loại vắc xin để có thể đưa ra quyết định tốt hơn trong việc chủng ngừa cho đàn vật nuôi.

 Ngoài ra còn có các loại vắc xin khác là vắc xin tiểu đơn vị, vắc xin độc tố và vắc xin tái tổ hợp. Giống như vắc xin sống và vắc xin chết, các loại vắc xin này cũng có các ưu khuyết điểm khác nhau. Vì vậy cần phải nghiên cứu từng loại vắc xin trước khi đưa nó vào chương trình chủng ngừa.

4. Chọn thời điểm tiêm phòng thích hợp

 Vắc xin hoạt động tốt nhất khi được tiêm trên thú khỏe mạnh, giúp đàn vật nuôi có sự chuẩn bị tốt khi bị nhiễm bệnh. Khi vật nuôi đã bị nhiễm bệnh, việc tiêm vắc xin có thể sẽ gây bất lợi, vì gây thêm stress và ức chế tăng trưởng. Đối với vắc xin bị ảnh hưởng bởi kháng thể mẹ truyền, việc chủng ngừa vắc xin nên đợi đến khi vật nuôi được khoảng 10-18 ngày tuổi tùy thuộc vào bệnh chủng ngừa. Không nên tiêm phòng cho vật nuôi đã biểu hiện các triệu chứng bệnh.

5. Kỹ thuật tiêm phòng

a) Đường cấp

Mỗi loại vắc xin được đưa vào cơ thể theo một đường thích hợp. Những vắc xin bị phá huỷ bởi dịch dạ dày, dịch ruột thì không đưa vào cơ thể bằng đường uống; những vắc xin nhằm kích thích miễn dịch tiết tại chỗ thì không đưa vào cơ thể bằng đường tiêm.

Vắc xin không được cấp đúng đường không những không tạo được miễn dịch mà còn có thể gây ra những tác dụng không mong muốn nguy hiểm.


Hình: Kỹ thuật đưa vắc xin qua đường tiêm bắp

b) Thao tác khi sử dụng vắc xin

 Khử trùng các dụng cụ dùng để pha chế vắc xin bằng cách hấp hoặc luộc, sau đó rửa bằng nước sạch (nước đã sôi để nguội). Không được rửa bằng thuốc sát trùng. Sát trùng tay người thực hiện, vùng da được tiêm, nút cao su của lọ chứa vắc xin vô trùng bằng cồn 70 độ. Người thực hiện tiêm phòng cần được hướng dẫn để có kỹ năng tốt, cẩn thận, nghiêm túc và nhẹ nhàng khi thao tác.

6. Giữ vệ sinh trong quá trình tiêm phòng

  Việc tiêm phòng chỉ thực sự có hiệu quả nếu được tiến hành trong một điều kiện tốt, sạch sẽ, có thể kiểm soát nguy cơ nhiễm khuẩn khi tiêm phòng bằng cách: sử dụng hai kim tiêm, một để lấy thuốc và một để tiêm hoặc khử trùng kim thích hợp, duy trì môi trường sạch trong khu vực tiêm. Cần cố định con vật trong khi tiêm để tránh làm tổn thương hoặc tiêm không đạt yêu cầu.

Bảng: một số yếu tố làm giảm hiệu quả sử dụng vắc xin

Nguyên nhânCác yếu tố cơ bản
Do vật nuôi

- Suy giảm miễn dịch

- Hệ miễn dịch chưa hoàn thiện

- Bị nhiễm bệnh, giảm miễn dịch

- Đang trong giai đoạn ủ bệnh

Do vắc xin

- Hiệu lực thấp

- Chủng vi rút vắc xin không tương đồng với chủng vi rút lưu hành thực địa

- Sai sót trong khâu sản xuất

Sử dụng vắc xin sai cách

- Kỹ thuật tiêm: Sai liều lượng, sai đường cấp vắc xin.

- Không tiêm nhắc lại (đối với những vắc xin cần tiêm nhắc lại)

- Điều kiện bảo quản không đúng  (nhiệt độ, ánh sáng)

- Sử dụng vắc xin hết hạn

Lịch tiêm phòng

- Thời điểm tiêm không phù hợp (đang ủ bệnh, đang trong giai đoạn còn kháng thể mẹ truyền..)

- Lịch tiêm chưa tối ưu (số lần tiêm, khoảng cách giữa các lần tiêm,..)

 

Phòng Dịch tễ – Chi cục Chăn nuôi và Thú y.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây