Công tác kiểm soát An toàn thực phẩm cá da trơn xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tại Tây Ninh

Thứ năm - 02/07/2020 17:00 155 0

Ngày 22 tháng 5 năm 2020 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông ban hành Quyết định số 1802/QĐ-BNN-QLCL về Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Quyết định số 1802/QĐ-BNN-QLCL của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hiệu lực từ ngày 06 tháng 7 năm 2020 và thay thế cho Quyết định số 3379/QĐ-BNN-QLCL ngày 15 tháng 8 năm 2017.

Theo đó các cơ sở nuôi và chế biến cá da trơn xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ phải đáp ứng các điều kiện sau:

* Cơ sở nuôi trồng phải thực hiện kiểm tra nguồn nước, lưu trữ hồ sơ

Tuân thủ theo quy định tại Luật Thủy sản.

Cơ sở nuôi nằm trong vùng nuôi thủy sản được lấy mẫu giám sát trong Chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thuỷ sản nuôi thực hiện theo Thông tư số 31/2015/TT-BNNPTNT ngày 06/10/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Sử dụng con giống được sản xuất từ cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện và đã được kiểm dịch theo quy định.


Hình: Ao nuôi cá tra thâm canh xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghệ Thực phẩm Miền Đông

Thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản được sản xuất từ cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện. Chỉ sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học, thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư số 26/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018.

Thuốc thú y thủy sản sử dụng trong quá trình nuôi phải nằm trong Danh mục được phép lưu hành sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, đơn thuốc của cá nhân hành nghề thú y, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y theo quy định tại Luật Thú y; Tuân thủ quy định về dư lượng hóa chất, kháng sinh, kim loại trong quá trình nuôi cá da trơn làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu.

Dụng cụ thu hoạch không là nguồn gây mất an toàn thực phẩm đối với cá da trơn.

Cơ sở nuôi lấy mẫu nước, kiểm tra dư lượng một số kim loại nặng, thuốc trừ sâu gốc Chlor hữu cơ định kỳ ít nhất 01 năm/lần/vùng nuôi hoặc thu thập kết quả kiểm tra chất lượng nước của Cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản/Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản. Thực hiện giám sát chất lượng nước trong quá trình nuôi theo quy định của Hoa Kỳ (riêng đối với cá tra, giám sát chỉ tiêu chất lượng nước theo quy định tại Phụ lục 01 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02- 20:2014/BNNPTNT).

Lưu giữ tài liệu, hồ sơ liên quan đến quá trình nuôi, thu hoạch, bán nguyên liệu để đảm bảo thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc.

* Cơ sở chế biến áp dụng HACCP và giám sát ít nhất 1 lần/ ca

Đối với cơ sở chế biến, muốn xuất khẩu sản phẩm từ cá da trơn sang Hoa Kỳ thì phải áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo nguyên tắc HACCP.

Còn với cơ sở chế biến cá da trơn từ nguyên liệu là bán thành phẩm do cơ sở khác cung cấp, Chương trình quản lý chất lượng quy định rõ cơ sở cung cấp bán thành phẩm phải có tên trong danh sách được phép chế biến xuất khẩu cá da trơn sang thị trường Hoa Kỳ, do cơ quan thẩm quyền của Hoa Kỳ chấp thuận.


Ảnh: Nhà máy chế biến thủy sản – Công ty TNHH Công nghệ Thực phẩm Miền Đông

Lô hàng có kết quả phân tích không đáp ứng yêu cầu về mức dư lượng tối đa cho phép hoặc mức giới hạn áp dụng nhỏ nhất tại phụ lục của Chương trình này đều không được xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Đối với công tác quản lý nhà nước, hàng tuần, Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng lập kế hoạch, bố trí kiểm tra viên giám sát các cơ sở chế biến cá da trơn xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đảm bảo các cơ sở được giám sát ít nhất 1 lần/ca sản xuất

Trong quá trình giám sát, nếu có đủ cơ sở cho thấy lỗi sai được phát hiện có thể gây ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm lô hàng nếu được tiếp tục sản xuất, kiểm tra viên có thể xem xét niêm phong hoặc gắn thẻ "không phù hợp", yêu cầu loại bỏ nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm không đáp ứng quy định hoặc ngừng sử dụng thiết bị, dụng cụ không đảm bảo vệ sinh có thể gây mất an toàn đến thực phẩm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 01 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu là Công ty TNHH Công nghệ Thực phẩm Miền Đông tại xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng. Nhà máy có công suất thiết kế 18.000 tấn nguyên liệu/ năm, có vùng nguyên liệu 35 ha.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã có văn bản thông báo nội dung Quyết định số 1802/QĐ-BNN-QLCL về Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đến Công ty nghiên cứu thực hiện.

 Trong năm 2020, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thực hiện các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn như sau:

- Thực hiện lấy mẫu kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong thủy sản nuôi, lấy 01 mẫu cá tra thương phẩm kiểm tra chỉ tiêu nhóm B3e (Malachite green, Leuco malachite green, Crystal violet, Leuco Crystal violet), 01 mẫu cá tra thương phẩm kiểm tra các chỉ tiêu thuộc nhóm Quinolones (Ciprofloxacin, Enrofloxacin, Flumequine, Sarafloxacin, Ofloxacin), 01 mẫu cá tra nhỏ kiểm tra chỉ tiêu Diethylstilbestrol, 01 mẫu cá tra nhỏ kiểm tra chỉ tiêu Methyltestosterone. Kết quả không phát hiện dư lượng ở các mẫu kiểm tra.

- Triển khai lấy mẫu giám sát dịch bệnh thủy sản, lấy 12 mẫu cá tra giống, 04 mẫu cá tra thương phẩm xét nghiệm vi khuẩn gây bệnh gan thận mũ và đang chờ kết quả xét nghiệm từ Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc Thú y TW2.

- Cấp giấy chứng nhận thủy sản nuôi chủ lực, mã số cơ sở vùng nuôi cho các trang trại, doanh nghiệp trong đó có Công ty TNHH Công nghệ Thực phẩm Miền Đông.

Trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp thủy sản trong công tác nuôi thủy sản, phòng chống dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu./.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây