Đề án "Phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016 – 2020", đã triển khai thực hiện từ năm 2017 đến nay, mục tiêu của Đề án là Phát triển chăn nuôi bò thịt phù hợp với các vùng sinh thái nhằm sản xuất thịt bò có số lượng và chất lượng cao đáp ứng một phần nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Năm 2020, Dự án phân bổ 20 liều tinh bò Angus để thực hiện trên địa bàn Thành phố. Theo kế hoạch triển khai, mỗi bò cái hậu bị sẽ được hỗ trợ gieo 2 liều tinh, với xác suất đậu thai trên địa bàn Thành phố được ước là 65% trên 1 lần gieo tinh, chất lượng tinh tốt và kỹ thuật gieo tinh nhân tạo đã góp phần nâng cao tỉ lệ đậu thai. Điều đặc biệt là bê lai giống Angus sinh ra đã mang đến niềm vui cho gia chủ.
Anh Nguyễn Văn Vinh ở Ấp Bình Trung xã Bình Minh, Thành phố Tây Ninh là một trong những chủ hộ nuôi bò đã nhiều năm nay, nhưng chủ yếu cho bò phối giống tự nhiên. Đầu năm 2020, anh được cán bộ Thú y xã tuyên truyền, anh quyết định áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo trên bò cái hậu bị khoảng 3 năm tuổi bằng nguồn tinh do dự án hỗ trợ. Anh Vinh đánh giá: "Việc áp dụng thụ tinh nhân tạo so với thụ tinh truyền thống, tôi thấy rất tiết kiệm vì không phải thuê bò đực ở địa phương khác, công tác thụ tinh nhanh chóng và thuận lợi, tỉ lệ đậu thai cao, sử dụng tinh giống bò Angus siêu thịt cho con lai có chất lượng tốt hơn hẳn so với giống bò địa phương. Từ hôm kiểm tra bò cái mang thai, nhiều hộ dân chăn nuôi bò xung quanh rất quan tâm và có nhu cầu tìm hiểu phương pháp này".
Ngoài ra, áp dụng phương pháp gieo tinh nhân tạo còn mang lại nhiều lợi ích khác như nâng cao khả năng truyền giống của những đực giống tốt, giảm số đực giống phải nuôi, giúp tránh được những bệnh lây lan qua đường sinh sản, và các bệnh truyền nhiễm qua đường phối giống trực tiếp, khắc phục sự chênh lệch về tầm vóc giữa con đực và con cái, kéo dài thời gian sử dụng đực giống và tăng hiệu quả kinh tế so với phối giống trực tiếp.
Hộ chăn nuôi anh Nguyễn Văn Thuận ở khu phố 4, Phường 2 đã rất phấn khởi khi áp dụng biện pháp gieo tinh nhân tạo, sử dụng tinh bò Angus do dự án hỗ trợ để phối với con bò cái (giống Lai Sind), kết quả bò của gia đình đẻ sinh đôi 2 con bê cái lai giống Angus hai con bê con có trọng lượng tương đương nhau, khoảng 25 kg. Hiện tại cặp bê con được 1,5 tháng tuổi và trọng lượng mỗi bê con đạt 40kg (hình ảnh minh họa). Theo thông tin của anh Thuận đối với bê Angus đã biết ăn, người chăn nuôi thường sử dụng loại thức ăn hỗn hợp 980 dành bê lai Angus, với khẩu phần 0,5kg/ ngày/con. Quá trình theo mẹ bê đã tập ăn các loại cỏ mọc tự nhiên, chủ yếu là cỏ trồng như cỏ Voi, cỏ Huệ ,.....
Về đặc điểm sinh học, bò nói riêng và gia súc nói chung được đánh giá là động vật đơn thai (khoảng 97%); tỷ lệ đa thai ở bò chỉ chiếm (3-5%) (K.A.Nephawe, 2002) nghiên cứu về việc áp dụng công nghệ sinh đôi cho bò để tăng hiệu quả kinh tế. Hiện chưa có phương pháp nhân tạo nào nhằm nâng cao khả năng đậu thai đôi, trong sinh sản tự nhiên của bò, trường hợp sinh đôi vô cùng hiếm gặp. Khả năng do một yếu tố hưng phấn nào đó ở bò mẹ khiến nhiều trứng rụng cùng thời điểm làm tăng khả năng đậu thai đôi.
Bê lai Angus ít bệnh tật, tỷ lệ thịt xẻ chiếm 52,07% trọng lượng cơ thể (P.V. Quyến2, 2017). Trọng lượng bê sơ sinh từ 24-30kg, trọng lượng 6 tháng tuổi từ 150-180kg, bò đực lúc trưởng thành nặng từ 800 – 1000 kg, bò cái lúc trưởng thành nặng từ 550 – 700 kg. Tốc độ tăng trưởng nhanh: 1000 g/ngày, tốc độ tăng trưởng lúc vỗ béo: 1500 – 2000 g/ ngày (nguồn Công ty TNHH XNKTM và DV Đại Dương).
Để người chăn nuôi đạt hiệu quả, Trạm Chăn nuôi và Thú y Thành phố mở lớp tập huấn trang bị kiến thức chăn nuôi cho hộ nông dân, phát tờ bướm, tuyên truyền trên đài truyền thanh, qua dẫn tinh viên, cán bộ thú y cơ sở…
Dự án triển khai đã góp phần mang lại hiệu quả to lớn về mặt kinh tế - xã hội cho bà con nông dân ở các địa phương, đáp ứng được nguyện vọng của người chăn nuôi và phù hợp với chủ trương của tỉnh; góp phần tăng tỷ trọng sản xuất chăn nuôi, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho nông dân.
Trong thời gian tới, việc phát triển đàn gia súc địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo sẽ tiếp tục phát huy, tạo ra con lai F1, F2 có năng suất, chất lượng tốt nhất. Việc triển khai chương trình cải tạo đàn gia súc bằng biện pháp thụ tinh nhân tạo sẽ khắc phục triệt để tình trạng thiếu con đực giống tốt, đặc biệt là giống bò thịt để thay đổi hướng sử dụng bò từ cày kéo sang nuôi bò lấy thịt hoặc nuôi bò lấy sữa, đồng thời tránh được những bệnh lây lan qua đường sinh sản do phối giống trực tiếp. Tạo bước đột phá trong cải tạo tầm vóc, thể trạng và sức sản xuất của đàn trâu, bò, nâng cao năng suất, mở ra hướng đi mới có nhiều triển vọng trong chăn nuôi bò lấy thịt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
GHI CHÚ:
1. K.A.Nephawe - Bộ môn Khoa học động vật A218, Đại học Nebraska, Lincoln, NE 68583.
2. Phạm Văn Quyến - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi gia súc lớn, Đánh giá khả năng sản xuất của con lai giữa bò lai sind với một số giống bò thịt cao sản trong điều kiện chăn nuôi tại tỉnh Tây Ninh./.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y (TCNTYTPTN)
Ý kiến bạn đọc