Nhu cầu thưởng thức và chơi hoa kiểng của bà con ta hiện nay rất phong phú. Chỉ cần bỏ ra 5 – 10 ngàn đồng là bà con có 1 chậu hoa kiểng thật đẹp như bát tiên, thượt dược, cúc, hồng ... Tại các vườn bán hoa kiểng. Tuy nhiên sau một thời gian đem về nhà, hoa tàn, cây héo rũ, chết. Để giúp bà con ta khắc phục những nhược điểm này, trong bài này xin giới thiệu những kinh nghiệm trồng, ghép, chăm sóc hoa hồng đơn giản dễ thực hiện.
Hồng mới mua về sang chậu mới phải để trong mát hay có nắng yếu một thời gian, ít nhất 1 tuần, sau đó mới đưa ra nắng và phải tưới nước ít nhất ngày 2 lần. Cây hồng nắng càng nhiều, lá càng xanh và những tược non mới mọc mạnh thẳng đứng.
Tuy nhiên, có những giống hồng đẹp nguồn gốc từ các miền ôn đới xứ lạnh hoặc có nguồn gốc từ vùng lạnh như Đà Lạt, thì khi ở vùng lạnh hồng nở hoa rất to, rất đẹp, nhưng khi đem về vùng nóng như tỉnh Tây Ninh, bà con ta phải tập cho quen dần khí hậu hoặc phải ghép với hồng dại. như hồng leo hàng rào, hồng tỷ muội, hồng tầm xuân. Bà con ta chỉ cần ghép khoảng 5-10 chậu là sẽ có hoa quanh năm, cắt cành chưng trong nhà thoải mái.
Cây hoa hồng kén đất, không chịu úng nước, do đó đất trồng hồng phải tơi xốp, nếu trồng trong chậu ngoài đất ra phải có phân chuồng hoai, tro trấu trộn đều, đáy chậu phải có lỗ thoát nước tốt, tốt nhất phải chèn đá hoặc sỏi ở đáy chậu. Trồng chậu khoảng 3 năm phải thay mới đất khác, nhổ cả cây hồng lên, cắt bớt cành lá già khô héo, cắt bớt rễ già và rữa nước cho trôi các chất cặn bã đóng bám quanh rễ.
Trồng hồng trong chậu hoặc trồng dưới đất, nên nhớ không trồng sâu quá bầu đất cây chậm phát triển, trồng xong phải có cây nẹp cột chặt để không bị lay gốc hồng dễ chết, trồng xong phải tưới nước thường xuyên, tưới ẩm, che mát một thới gian. Nếu trồng bằng mắt ghép nên hướng mắt ghép về hướng mặt trời để mắt ghép mau phát triển.
*Về kinh nghiệm chon giống: Khi mua hồng ở nhà vườn, nên chọn giống có hoa to đẹp màu sắc rực rỡ, lâu tàn, thơm càng tốt. Chọn loại siêng ra hoa, ra hoa quanh năm, cây mập mạp, khoẻ mạnh. Nếu chọn được loại đã ghép với hồng dại sẽ ít chết, bền, sau 3-4 năm mới trồng lại.
*Một số giống phổ biến hiện nay như :
Hồng nhung Pháp: có hoa đơn, màu đỏ nhung, thơm dịu, sai hoa, hoa nở lâu tàn bền từ 7-10 ngày.
Hồng Fire light : Có hoa chùm, màu đỏ tươi, bền từ 10-15 ngày.
Hồng Rose Gautard: Màu hồng và trắng , hoa chùm ,sai hoa, bền từ 10-12 ngày.
*Kinh nghiệm nhân giống:
Có nhiều cách như: Giâm cành (phổ biến), chiết cành (đối với các giống mới chưa phù hợp khí hậu), tháp ghép (đối với giống mới).
-Giâm cành :
Giâm cành rất dễ nhưng phải là giống mọc mạnh, phù hợp khí hậu địa phương, chỉ cần cắt ra từng đoạn cắm vào đất tơi xốp, ẩm độ cao, tưới thường xuyên, che nắng. Cành giâm mau ra rễ, đâm chồi, thường chọn giâm cành các giống hồng dại, hồng leo giàn, hồng tỷ muội... để làm gốc tháp sau này.
- Chiết cành :
Với hồng mới nhập về chưa phù hợp khí hậu, nên chọn phương pháp chiết cành. Chiết cành là chọn các nhánh to khoẻ, dùng dao khoanh phần võ chừng 2-3 cm, để khô vài ngày sau đó dùng rễ lục bình hay xơ dừa trộn đất sét bó vào chỗ cắt, dùng nylon quấn kỹ, cột chặt hai đầu. Sau 3 tuần ra rễ, cắt đem trồng vào bầu để trong mát một thời gian, chờ ra rễ thật nhiều mới đem ra trồng vào chậu. Phải tưới nước thường xuyên giữ ẩm, cây sẽ cho chồi non nhiều và mạnh.
-Ghép mắt :
Ghép mắt có ưu điểm là được hoa to và đúng giống, sống khoẻ, chịu được điều kiện địa phương. Trước khi thực hiện việc ghép mắt phải chuẩn bị trước các việc sau.
+Trồng gốc để ghép:
Chọn các loại hồng dại như hồng tầm xuân, hồng sen, hồng leo. Giâm các nhánh hồng này ít nhất 3 tháng để làm gốc ghép.
+Mắt ghép:
Lựa hồng vừa ý có bông to đẹp, lựa nhánh to mập khoẻ, có mắt mầm vừa lú, cắt thành một miếng hình chữ nhật rộng cỡ 6mm dài cỡ 2cm có chứa mắt mầm.
+Cách ghép:
Trên gốc ghép, lựa nhánh bánh tẻ, cành cỡ ngón tay, chỗ nào không có gai, hướng về phía mặt trời mọc, lấy dao nhọn mũi khắc một đường ngang cỡ 1cm và một đường dọc 2cm, thành hình chữ T. Lấy mũi dao nhọn tách nhẹ 2 mí và đưa mắt ghép cho mắt ghép nằm gọn trong 2 mí chũ T rồi dùng dây nylon mỏng quấn thật chặt, chừa mắt ghép lộ ra. Làm thật nhanh thật gọn để không bị khô nhựa của mắt ghép và chữ T, che nắng kỹ và không tưới nước phạm vào mắt ghép. Mùa khô không có mưa thì ghép theo hình chữ T thuận, mùa mưa thì ghép theo hình chữ T ngược để nước mưa không thấm vào mắt ghép.
*Tưới nước bón phân:
Đất để trồng hồng phải tơi xớp, thoát nước. Hồng mới trồng ngày tưới 2 lần buổi sáng và buổi chiều, tránh tưới ban đêm dễ bị bệnh nấm mốc.
Ngoài phân chuồng hoai mục đã có trộn sẵn trong đất, cũng nên pha thêm phân vô cơ như 16-16-8 vào nước, khoảng 1 muỗng canh cho 1 xô nước, tưới định kỳ 10 ngày một lần. Ngoài ra có thể ngâm bánh dầu tưới cho hồng rất tốt giúp lá hồng có màu xanh đen đậm, hoa rất đẹp.
*Tỉa bớt hoa nhỏ trên cành :
Thường 1 nhánh hồng sẽ có một hoa chính ở ngọn và nhiều hoa ở bên nách lá, đó là hoa phụ, nên bỏ bớt hoa phụ này để được các hoa chính trên ngọn to đẹp.
*Phòng trừ sâu bệnh:
Hồng thường bị các loại sâu tơ, sâu đo ăn lá làm mất vẻ đẹp của lá hoặc các loại rầy mềm, rệp sáp bám bên dưới lá hay trên nụ hoa chưa nở. Kinh nghiệm cho thấy nếu có kiến bò trên cành là có rầy mềm hay rệp sáp. Phải thường xuyên dùng thuốc supracide hay Bassa xịt theo định kỳ 10 ngày 1 lần theo liều lượng hướng dẫn trong nhãn chai thuốc.
Ngoài sâu, hồng còn bị các loại bệnh như bệnh đốm bồ hóng do rầy mềm, rệp sáp gián tiếp gây ra, dùng thuốc có chứa chất đồng như Kasuran, bệnh phấn trắng đóng ở cuốn lá, cuống hoa làm lá trở nên vàng và rụng sớm, phun Topsin M hay Benomyl. Ngoài ra còn do các loại virus, vi khuẩn tấn công bên dưới bộ rễ làm hồng héo rũ, khô cành không phát triển. Gặp trường hợp này nên nhổ bỏ cả cây và thay đất khác. Quách Trung Trực-2006
Ý kiến bạn đọc