Tây Ninh cần phục hồi vùng nguyên liệu cây điều

Thứ sáu - 10/11/2017 16:00 619 0

​Nhiều thập niên trước đây, cây điều từng là cây thế mạnh trên mảnh đất Tây Ninh, là cây trồng đem lại sự xung túc cho nhiều hộ nông dân, diện tích cây điều rộng lớn từng góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu sản phẩm hạt điều nhân đứng hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, có lúc diện tích cây điều ở Tây Ninh giảm mạnh.


Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh, hơn 10 năm qua, diện tích cây điều đã giảm nghiêm trọng: nếu như năm 2001, cây điều ở Tây Ninh có diện tích hơn 4.100 ha, thì đến nay chỉ còn khoảng 1.000 ha. Vài năm gần đây, diện tích cây điều ở Tây Ninh lại tiếp tục giảm một cách nhanh chóng, bởi thời gian vừa qua có không ít hộ dân ở nhiều địa phương trên địa bàn Tây Ninh đã chặt bỏ cây điều để tiến hành chuyển đổi một số cây trồng khác mang lại giá trị kinh tế cao hơn như: cây mía, cây mì và cao su. Hơn nữa, nhiều diện tích điều bị sâu hại làm chết cành, khiến năng suất giảm mạnh. Cụ thể, người dân trồng điều ở huyện Tân Biên cho biết, có những vụ thu hoạch, đầu vụ giá hạt điều có thời điểm tăng rất cao, nhưng do năng suất rất thấp, nên thu nhập không đáng kể. 

Tuy diện tích cây điều ở Tây Ninh liên tục giảm, nhưng trên địa bàn toàn tỉnh vẫn tồn tại khoảng 34 cơ sở chế biến hạt điều, trong 9 tháng đầu năm 2017 với kim ngạch xuất khẩu đạt 270,3 triệu USD, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu chế biến tại địa phương nhằm phục vụ xuất khẩu đòi hỏi số lượng hạt điều thô nguyên liệu hàng năm khoảng 180.000 tấn hạt.

Với nhu cầu hạt điều nguyên liệu hàng năm là 180.000 tấn hạt, thì việc xây dựng vùng nguyên liệu điều phục vụ chế biến, với diện tích khoảng 4.300ha ở Tây Ninh là rất cần thiết. Chính vì vậy, Sở Nông nghiệp và PTTN Tây Ninh đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng các đề tài nghiên cứu ứng dụng một số giống điều cao sản có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ hạt điều, làm tăng giá trị gia tăng xuất khẩu mặt hàng này.

Hiện nay, một trong những đơn vị tuyên phong đi đầu trong chế biến hạt điều xuất khẩu lâu năm ở địa phương đó là Công ty TNHH MTV Trung Nam đóng tại khu phố 3, phường 1, Thành phố Tây Ninh. Thành lập từ năm 2008, là doanh nghiệp rất cần lượng lớn nguồn nguyên liệu hạt điều thô để hoạt động: với công suất lên đến 8.000-10.000 tấn hạt/năm, qua đó đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 400 lao động tại địa phương. Thế nhưng, hiện tại để có nguồn nguyên liệu đủ đáp ứng cho hoạt động, cũng giống như các doanh nghiệp khác.Công ty TNHH MTV Trung Nam phải nhập hạt điều thô từ nước ngoài như Campuchia, Indonesia, Châu phi và số ít từ một số tỉnh khác trong vùng lân cận. Nghĩa là, diện tích cây điều ở Tây Ninh không đủ cho 01 nhà máy chế biến hoạt động. Trong khi đó thị trường xuất khẩu hạt điều nhân vào Mỹ, Châu Âu… đang được ưa chuộng và mở rộng, nguồn cung chưa bao giờ đủ cho nhu cầu thị trường 30 tấn hạt điều nhân/ngày. Hiện tại, Công ty đang kiến nghị UBND tỉnh cho thuê đất, để đơn vị tự tổ chức triển khai "Mô hình điểm nhân giống điều cao sản, tổ chức canh tác, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm…"

Ngoài ra, để chuẩn bị triển khai vùng nguyên liệu điều trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu, Sở Nông nghiệp và PTNT và Công ty TNHH MTV Trung Nam đã thống nhất thỏa thuận các nội dung cụ thể như sau: Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với địa phương giới thiệu nông dân có quỹ đất để triển khai đầu tư 5.000 ha vùng nguyên liệu điều phục vụ cho chế biến xuất khẩu; trước mắt năm 2017 là 500 ha, năm 2018 là 1.000 ha sau đó nhân rộng trên địa bàn; Giám sát quá trình đầu tư vùng nguyên liệu từ khâu cung cấp giống, hướng dẫn quy trình canh tác, hợp đồng thu mua hạt điều đúng theo các nội dung Công ty Trung Nam cam kết…

Về phía Công ty TNHH MTV Trung Nam đã có phương thức đầu tư hỗ trợ cho nông dân, và phương thức thu mua sản phẩm rõ ràng: Phương thức thu mua sản phẩm theo cơ chế 7:3- tức là 70% bán Công ty giá cố định, 30% bán giá thỏa thuận; Thu mua toàn bộ sản phẩm của nông dân, giá thu mua ổn định 5 năm đầu là 2.000 USD/tấn hạt điều khô, từ năm thứ 6 trở đi sẽ thỏa thuận lại giá thu mua theo giá thị trường theo hướng không điều chỉnh giảm.

Nội dung thỏa thuận này làm cơ sở để Sở Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh triển khai phát triển vùng nguyên liệu đồng thời Công ty chịu trách nhiệm ký Hợp đồng kinh tế đầu tư và bao tiêu sản phẩm đối với nông dân./.

Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây