Nói không với chất cấm trong chăn nuôi

Chủ nhật - 16/10/2016 20:00 512 0

          Theo Cục Chăn nuôi, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trong thời gian gần đây đã gia tăng ở mức độ báo động cả về quy mô lẫn tính chất. Ở các tỉnh phía nam, nếu trước đây, sử dụng chất cấm chỉ xuất hiện ở các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, thì nay đã có ở cả các cơ sở chăn nuôi trang trại, thậm chí là các trang trại trong hệ thống chăn nuôi gia công của các tập đoàn lớn. Và đáng báo động hơn là sự xuất hiện trở lại của một số cơ sở, sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.

         Để tình trạng trên xảy ra, cần thẳng thắn thừa nhận, công tác quản lý thức ăn chăn nuôi vẫn còn nhiều bất cập, nhất là việc sử dụng chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi đang gây bức xúc đối với người tiêu dùng và dư luận xã hội. Qua kết quả kiểm tra tình trạng sử dụng chất cấm nhóm Beta agonist (Clenbuterol, Salbutamol, Ractopamine) trong chăn nuôi ba năm gần đây cho thấy, đang có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, năm 2013, Sở NN-PTNT Nam Định đã phát hiện hai mẫu thức ăn chăn nuôi của hai đơn vị dương tính với chất cấm.

Năm 2014, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra chất cấm trong thức ăn chăn nuôi tại sáu tỉnh, thành trọng điểm về chăn nuôi, gồm: Đồng Nai, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Thanh Hóa, Vĩnh Long. Qua kiểm tra, đối với mẫu thức ăn chăn nuôi có 13/250 mẫu dương tính với chất Salbutamol (tương đương 5,2%); đối với mẫu nước tiểu lợn, 12/311 mẫu dương tính (tương đương 2,8%).

Năm 2015, nhiều địa phương đã tích cực triển khai và đã phát hiện khá nhiều các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng chất cấm, ngoài ra còn phát hiện một số cơ sở sản xuất thuốc thú y tại một số tỉnh phía nam sản xuất thức ăn bổ sung có chứa chất Salbutamol. Bên cạnh đó, tại các tỉnh phía bắc, đã phát hiện ba doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có sáu mẫu chứa chất cấm Salbutamol với hàm lượng cao.

Tại Tây Ninh, Chi cục Thú y đã phối Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT, cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, thực hiện 02 cuộc thanh tra chất cấm kiểm tra 40 cơ sở chăn nuôi heo có trọng lượng từ 70kg trở lên, kết quả có 7/40 trại có mẫu nước tiểu dương tính với chất cấm Tiếp tục gửi mẫu để phân tích hàm lượng chất cấm Salbutamol, kết quả có 6/7 mẫu có hàm lượng chất cầm vượt mức cho phép. 

       Thông tin về chất tạo nạc cho heo đang khiến cho người tiêu dùng hoang mang, ra chợ không biết mua gì để ăn cho an toàn, còn tiểu thương và người chăn nuôi chân chính thì điêu đứng. Vậy chất tạo nạc cho thịt heo là gì??

Chất tăng trọng hay chất tạo nạc là một hợp chất hóa học thuộc họ β- agonist được xếp vào loại chất độc cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới. Họ β-agonist gồm 2 nhóm:

Nhóm β1-agonist: gồm các chất có tác dụng kích thích tim, được dùng để điều trị sốc tim, suy tim cấp tính như Dobutamine, Isoproterenol, Xamoterol, Epinephrine….

Nhóm β2-agonist: Gồm các chất làm giãn cơ, được dùng để điều trị hen suyễn, bệnh phổi mãn tính: 

Salbutamol (Albuterol), Clenbuterol, Ractopamine,Epinephrine (thúc chín tố), FenoterolFormoterolIsoproterenol (β1 and β2), 

MetaproterenolSalmeterolTerbutalineClenbuterolIsoetarinepirbuterol,procaterolritodrineepinephrine.

Họ β-agonist là các hợp chất tổng hợp phenethanolamine được sử dụng như là một tác nhân dùng để trị các bệnh về hô hấp trong y học. Chúng còn có tác dụng làm tăng hàm lượng protein, kích thích tăng trưởng nhờ quá trình chuyển hóa hàm lượng mỡ tích tụ thành các mô cơ ở vật nuôi. Tuy nhiên chúng lại gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người khi tiêu thụ những thức ăn có nguồn gốc từ động vật bị nhiễm các chất này, gây ra những vụ ngộ độc thực phẩm do sự tích tụ trong gan, các bệnh liên quan đến tim mạch, hệ thần kinh trung ương…Sở dĩ như vậy là do các hợp chất này được sử dụng như là một chất kích thích tăng trưởng, phân phối lại dưỡng chất trong vật nuôi một cách quá mức và bất hợp pháp.

        Trong những chất kể trên, Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine là ba chất đứng đầu trong danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi ở nước ta do Bộ NN&PTNT ban hành năm 2002. Trong đó hai chất đầu gần như cả thế giới đều cấm, riêng với Ractopamine lại có đến 24 nước chấp nhận sử dụng (2002), trong đó có cả những nước phát triển như Mỹ, Canada, Úc , Brazin, Mehico, Thái Lan…Tuy nhiên cũng có rất nhiều nước cấm, đứng đầu là Liên hiệp châu Âu, Trung Quốc, Malayxia, vùng lãnh thổ Đài Loan. Do đó việc kiểm soát hàm lượng các chất thuộc nhóm β-agonist trong các chế phẩm dùng trong chăn nuôi trở thành một yêu cầu cấp thiết của xã hội. Sau đây chỉ xin lấy hai chất Clenbuterol và Salbutamol làm ví dụ:

Salbutamol: là một loại thuốc kích thích chọn lọc các thụ thể beta - 2 (ở cơ trơn phế quản...) Khi ăn thịt heo có salbutamol cũng giống như uống thuốc này. Salbutamol còn trong thịt heo bao nhiêu là con người sử dụng bấy nhiêu. Trong khi salbutamol chỉ dùng để cấp cứu bệnh nhân hen lên cơn co thắt phế quản không thở được. Nếu không cắt cơn hen bệnh nhân sẽ chết. Chỉ có giữa cái sống và cái chết mới phải sử dụng salbutamol vì đây là chất cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe con người. Salbutamol là chất bị ngành nông nghiệp cấm sử dụng trong chăn nuôi như một loại hoocmôn tăng trưởng. Tại Việt Nam, chất này đã bị cấm sử dụng từ năm 2002.

Clenbuterol: (Spiropent, Ventipulmin) là một amin giao cảm được sử dụng bởi người bị chứng rối loạn hô hấp như là một loại thuốc thông mũi và thuốc giãn phế quản. Những người có rối loạn hô hấp mãn tính như hen suyễn sử dụng như một thuốc giãn phế quản để làm cho việc thở dễ dàng hơn. Thuốc phổ biến nhất có sẵn dưới dạng hydrochloride hydrochloride các muối clenbuterol. Ngoài ra Clenbuterol là loại chất kích thích tuyến thượng thận, điều tiết sinh trưởng động vật, thúc đẩy quá trình phát triển cơ bắp và tác dụng phân giải lipid. Những con lợn được trộn thức ăn có chứa Clenbuterol sẽ có tỷ lệ thịt nạc nhiều hơn thịt mỡ.

Việc ăn phải thịt lợn chứa chất Clenbuterol về lâu dài có thể gây biến chứng ung thưngộ độc cấp, run cơ, đau tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, choáng váng… Clenbuterol sẽ gây tổn hại cho hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, thậm chí gây chết người. Đối với gia súc như lợn, con vật khi ăn phải chất này chỉ có thể tồn tại được quá nửa tháng là phải giết mổ. Nếu người tiêu dùng ăn thịt heo có tồn dư hai chất nói trên thì lâu dần sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng xấu lên tim mạch, làm cho tim đập nhanh, tăng huyết áp, run cơ, rối loạn tiêu hóa… và có thể là nguy cơ cho những căn bệnh khác.

Chất cấm khi vào cơ thể vật nuôi khiến sợi cơ phình to ra mà không tăng DNA (Deoxyribonucleic acid, là một phân tử nucleic acid mang thông tin di truyền) trong tế bào sợi cơ, vì vậy chỉ làm cho thịt nạc trở nên khô, thô và nghèo chất béo, mất đi sự mềm mại, mất vị béo của thịt. Các loại thực phẩm như giò, chả lụa khi sử dụng thịt heo này để chế biến thường bị cứng mà không cần đến đến hàn the. PGS Liêm cũng khẳng định, hầu hết những chất cấm trong chăn nuôi hiện nay là những hợp chất có nguồn gốc tổng hợp, nên đều có khả năng tồn dư trong thịt, không bị hư khi chế biến ở nhiệt độ cao như chiên, nướng… Trước tình trạng heo bị nhiễm chất kích nạc khiến người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm này. Tuy nhiên loại thực phẩm này được dùng rất phổ biến và cần thiết cho cuộc sống nên người tiêu dùng cần phân biệt thịt heo chứa chất cấm và thịt heo giống siêu nạc để có thể chọn được loại thực phẩm an toàn để đảm bảo cho sức khỏe gia đình dựa vào những đặc điểm sau:

- Xem lớp mỡ bên dưới da miếng thịt, nếu lớp mỡ mỏng và lỏng lẻo nên tránh. Thông thường heo siêu nạc được ăn hóa chất nên lớp mỡ mỏng hẳn đi, có khi dày chưa đến 1cm, trong khi lớp mỡ của thịt lợn bình thường khoảng 1,5 - 2cm.

- Màu sắc: Thịt lợn có chứa các độc chất thuộc nhóm β- agonist thường có màu đỏ khác thường, sáng và bóng và có những quầng đỏ thâm dưới da.

- Thái miếng thịt ra từng đoạn dày bằng 2-3 ngón tay, nếu thấy thịt mềm, không đứng thẳng được trên bàn, khi dùng tay ấn vào miếng thịt và lấy ra thì miếng thịt không trở về hình dạng ban đầu chứng tỏ thịt heo này có độ đàn hồi kém.

- Quan sát xem chỗ liên kết giữa phần nạc và mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có nước dịch màu vàng rỉ ra, chắc chắn đó là thịt siêu nạc có sử dụng hóa chất.

- Trong khi đó, thịt heo giống siêu nạc nuôi theo kỹ thuật thông thường sẽ có màu hồng tươi, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, các thớ thịt đều, khi chế biến có mùi thơm, không bị ra nước.

- Những con heo dùng một số loại chất cấm (tạo nạc, tăng trọng…), khi giết thịt thì thịt thường có màu đỏ sậm ngả sang đen, thịt mất đi tính hấp dẫn vốn có. Hoặc trên bề mặt da, đặc biệt ở các vị trí khớp, khuỷu… có những quầng chấm đỏ lan rộng, pha lẫn sậm đen. Đây là biểu hiện của vật nuôi bị hóa chất làm vỡ các mao mạch, khiến máu tung tóe ở phía dưới da, hệ quả của việc khi bị stress trước lúc giết mổ.

Về xử lý vi phạm:

Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiến hành các bước sau:

  1. Thông báo kết quả cho tổ chức hoặc cá nhân có mẫu xét nghiệm dương tính bằng phân tích định lượng với các chất cầm thuộc nhóm Beta-agonist biết
  2. Xử lý các hành vi vi phạm theo các quy định của pháp luật có liên quan theo "Điều 36. Vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và sản xuất, gia công, kinh doanh thức ăn chăn nuôi:

1. Phạt tiền đối với các hành vi vi phạm sau đây:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nông hộ;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trang trại.

c) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng chất cấm trong sản xuất, gia công và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động sản xuất, gia công, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cơ sở chăn nuôi tiếp tục nuôi dưỡng vật nuôi đã sử dụng chất cấm đến khi kiểm tra không còn tồn dư chất cấm mới được phép xuất bán hoặc giết mổ đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này; buộc tiêu hủy động vật trong trường hợp tái phạm.

b) Buộc cơ sở vi phạm phải tiêu hủy toàn bộ chất cấm, thức ăn chăn nuôi có chất cấm đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này."

 

                                                                                                                                                                              CHI CỤC THÚ Y

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây