Biện pháp phòng trị bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi và kinh nghiệm của nông dân huyện Tân Biên trong phòng trị bệnh vàng lá thối rễ

Thứ hai - 01/11/2021 17:00 656 0

             Hiện nay trên địa bàn huyện Tân Biên đã có khoảng 670 ha cây có múi được trồng trên địa bàn, trong đó chủ yếu là các cây như bưởi da xanh, cam sành, cam xoàn và quýt đường. Những loại cây có múi này thường giàu vitamin nhất là vitamin C, khoáng chất và chất xơ, giúp tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa sỏi thận,…. Do đó, nhóm cây này đang được người tiêu dùng rất ưa chuộng, người nông dân ưu tiên lựa chọn chuyển đổi sản xuất để giúp mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

            Cây có múi là loại cây trồng đòi hỏi phải có quy trình canh tác và kỹ thuật chăm sóc hợp lý từ giai đoạn chuẩn bị đất đến khi thu hoạch, nhất là kỹ thuật quản lý dịch hại để cây sinh trưởng phát triển tốt và cho trái đạt chất lượng. Cây có múi có rất nhiều dịch hại gây hại làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, năng suất và chất lượng trái như: bệnh vàng lá gân xanh, vàng lá thối rễ, bệnh lét, bệnh ghẻ nhám, rầy chổng cánh, bọ trĩ, sâu vẽ bùa…

          Trong đó bệnh vàng lá thối rễ là bệnh khá nghiêm trọng gây ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của cây. Bệnh gây hại bộ rễ làm lá của cây vẫn bình thường nhưng gân lá có màu vàng nhạt, phiến lá ngả màu vàng cam và dễ rụng, lá già phía dưới bị rụng trước, sau đó đến lá trên. Thông thường, nhánh cây bị vàng hướng nào, thì phần rễ phía dưới bị thối ở hướng đó. Bộ rễ bị thối từ rễ nhỏ lan dần vào trong rễ lớn. Rễ bị thối có màu nâu, vỏ rễ tuột ra khỏi phần gỗ, bên trong có sọc nâu lan dần vào rễ cái. Rễ mất khả năng hấp thu nước và dinh dưỡng nuôi cây làm cành bị chết khô. Khi bị bệnh nặng, tất cả rễ đều bị thối đen và chết, cuối cùng là chết toàn cây.

Hình: Cây bưởi có triệu chứng bị bệnh vàng lá thối rễ


         Bệnh do nhiều tác nhân gây ra như nấm Fusarium sp.Pythium sp.,… Ngoài ra, có thể do tuyến trùng chích hút tạo ra các vết thương, từ đó tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập gây hại.

          Biện pháp phòng trị bệnh:

          - Vườn trồng cây có múi cần chọn nền đất cao ráo, thoát nước tốt nếu vườn thấp phải làm bờ bao, vườn trồng phải làm rãnh tiêu thoát nước tốt để kiểm soát nước trong mùa mưa. Hạn chế tối đa tình trạng nước bị ứ đọng quanh gốc.

          - Chọn cây giống khỏe, sạch bệnh. Tỉa cành, tạo hình cho cây ngay khi cây còn nhỏ, thường xuyên cắt tỉa, loại bỏ những cành già yếu, sâu bệnh. Xử lý tàn dư thực vật ngay sau khi cắt tỉa để hạn chế sự lưu trú của mầm bệnh.

          - Bón vôi nâng pH đất để hạn chế sự phát sinh nấm bệnh và giúp cây sinh trưởng phát triển tốt.

- Bón nhiều phân hữu cơ để cải thiện đặc tính đất. Kết hợp với cung cấp nấm đối kháng Trichoderma, cách nhau 2 - 3 tháng/lần, hạn chế sự phát triển của nấm bệnh gây hại rễ.

          - Trong vườn nên trồng các cây họ đậu như đậu phộng, đậu xanh, đậu đen,… cách gốc 50 cm để giúp đất thông thoáng, giữ ẩm, giúp tăng cường hệ vi sinh vật có ích trong đất.

          - Xử lý thuốc trừ tuyến trùng hại rễ bằng các thuốc có hoạt chất Abamectin hoặc hoạt chất Chitosan định kỳ 2 - 3 lần/năm, liều lượng theo khuyến cáo nhà sản xuất.

           - Thường xuyên thăm vườn để kịp thời xử lý bệnh khi thấy bệnh vừa xuất hiện, cần xới nhẹ và tưới thuốc có hoạt chất Mancozeb + Metalaxyl-M hoặc hoạt chất Propineb xung quanh gốc theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất, 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày.

           Ông Nguyễn Văn Tỉnh là một nông dân tiêu biểu điển hình, có nhiều năm kinh nghiệm canh tác bưởi trên địa bàn huyện Tân Biên, ban đầu ông có khoảng 1 ha bưởi đến nay ông đã có hơn 40 ha diện tích đất trồng bưởi da xanh. Từ kinh nghiệm của mình và việc tham quan học tập từ các địa phương có truyền thống sản xuất bưởi lâu đời hơn, ông cho biết: Trong sản xuất bưởi, bệnh vàng lá thối rễ là một bệnh có khả năng gây bệnh nghiêm trọng cho vườn bưởi, nên ông chú trọng việc quản lý ngay từ khâu ban đầu đó là khâu chuẩn bị đất, việc hiểu rõ nền đất của mình như thế nào cao hay thấp để xây dựng một hệ thống tiêu thoát nước tốt, tránh nước tồn đọng tại gốc cây gây ảnh hưởng đến bộ rễ. Hàng năm, trung bình 3 tháng/lần, giai đoạn mưa không quá lớn, ông còn tăng cường việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh với số lượng 1,5 – 2kg cho 1 gốc (tùy cây lớn nhỏ mà tăng giảm lượng phân) và phun nấm Trichoderma xung quanh gốc bưởi để tăng cường nấm đối kháng trong đất.



Hình: Vườn bưởi ông Nguyễn Văn Tỉnh có hệ thống tiêu thoát nước tốt


        Bệnh vàng lá thối rễ là bệnh nguy hiểm khó phòng trị nên nông dân cần hiểu rõ nền đất của mình và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng trị từ khâu chuẩn bị đất trồng đến khâu chăm sóc để chủ động phòng bệnh xuất hiện là chủ yếu./.

Chi cục Trồng trọt và BVTV (TTTBVTVTB)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây