Tây Ninh triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đợt 01 năm 2023

Thứ ba - 28/03/2023 07:55 359 0
Tây Ninh triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đợt 01 năm 2023

Từ đầu năm 2023 đến nay, các dịch bệnh nguy hiểm trên động vật như Dịch tả heo Châu Phi; Viêm da nổi cục trâu,bò; Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Dại đã xảy ra tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại Campuchia ghi nhận 02 trường hợp người nhiễm cúm A/H5N1 tại tỉnh Prey Veng, trong đó 01 trường hợp đã tử vong. Trong điều kiện giao lưu thương mại biên giới ngày càng rộng mở, nguy cơ dịch bệnh động vật, nhất là bệnh Cúm gia cầm xâm nhập, phát sinh vào địa bàn tỉnh rất cao.

Riêng trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh ổn định, tuy nhiên bệnh Dại trên chó đang diễn biến phức tạp; đã xảy ra 03 trường hợp chó bị Dại tại phường 3, thành phố Tây Ninh; xã Trường Đông và phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành.

Nhằm mục đích chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, giảm thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi, ngân sách nhà nước, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm; ngày 27/02/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch số 734/KH-SNN về tiêm phòng gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đợt 01 năm 2023. Nội dung cụ thể như sau:

Hình: Tiêm vắc xin Cúm gia cầm cho đàn gà

1. Đối tượng tiêm phòng

- Đối với trâu, bò: tiêm phòng vắc xin Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, Tụ huyết trùng.

- Đối với đàn chó: tiêm phòng vắc xin Dại.

- Đối với heo: tiêm phòng vắc xin Lở mồm long móng.

- Đối với gia cầm: tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn.

Khuyến khích người chăn nuôi chủ động tiêm phòng các loại vắc xin không thuộc diện ngân sách tỉnh hỗ trợ ở trên nhằm phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trên đàn gia súc, gia cầm của mình.

2. Thời gian tiêm phòng

- Theo kế hoạch, thời gian triển khai thực hiện tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm bắt đầu từ ngày 01/3/2023 và kết thúc đến hết ngày 31/5/2023.

- Ngoài đợt tiêm phòng chính, thực hiện tiêm phòng bổ sung hàng tháng các loại vắc xin cho số gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng trong các đợt tiêm phòng chính và số gia súc, gia cầm thuộc diện tiêm mới phát sinh, đến tuổi tiêm phòng.

3. Kinh phí thực hiện

a) Các loại vắc xin nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tiêm phòng (bao gồm tiền mua vắc xin và tiền công tiêm phòng)

- Vắc xin Lở mồm long móng: 29.000 liều tiêm phòng cho trâu, bò chăn nuôi nông hộ dưới 40 con trong đợt tiêm phòng chính.

 - Vắc xin Viêm da nổi cục: 31.770 liều tiêm phòng cho trâu, bò chăn nuôi nông hộ dưới 08 con trong đợt tiêm phòng chính.

 - Vắc xin Cúm gia cầm: 600.000 liều tiêm phòng đàn gia cầm chăn nuôi nông hộ có tổng đàn dưới 1.000 con trong đợt tiêm phòng chính.

b) Các loại vắc xin nhà nước hỗ trợ 100% chi phí mua vắc xin, hỗ trợ tiền xăng đi tiêm phòng

Vắc xin Niu-cát-xơn: 285.500 liều tiêm phòng cho đàn gà chăn nuôi nông hộ có tổng đàn dưới 1.000 con trên địa bàn huyện Dương Minh Châu, Gò Dầu.

c) Các loại vắc xin nhà nước hỗ trợ 100% chi phí mua vắc xin, người dân hỗ trợ tiền công tiêm phòng

- Vắc xin Lở mồm long móng: 2.500 liều tiêm phòng cho đàn heo của các hộ chăn nuôi có tổng đàn dưới 50 con trên địa bàn huyện Bến Cầu.

 - Vắc xin phòng bệnh Dại chó: 3.580 liều để tiêm phòng cho đàn chó của các hộ tại địa bàn các xã, phường, thị trấn có người chết do bị chó dại cắn trong những năm qua và những nơi có nguy cơ cao.

- Vắc xin Tụ huyết trùng trâu, bò: 4.000 liều để tiêm phòng cho đàn bò sữa của các hộ chăn nuôi trên địa bàn thị xã Trảng Bàng.

d) Các loại vắc xin người chăn nuôi tự bỏ chi phí tiêm phòng (gồm chi phí tiền mua vắc xin và tiền công tiêm phòng)

- Đối với đàn gia súc, gia cầm của các hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi, trang trại chăn nuôi… không thuộc diện được nhà nước hỗ trợ nêu trên thì chủ chăn nuôi phải tự thực hiện tiêm phòng theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương.

- Tiền công tiêm phòng thực hiện theo Thông tư số 283/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính quy định khung giá dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc khử trùng cho động vật, chẩn đoán Thú y và dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật.

Để bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của mình và của cộng đồng. Rất mong bà con chăn nuôi nhiệt tình tham gia và thực hiện tốt các quy định của nhà nước về phòng, chống dịch bệnh động vật./.

Phòng Chăn nuôi và Thú y – Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Tác giả: Chan nuoi thu y

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây