CẦN LƯU Ý VỆ SINH PHÒNG DỊCH TRONG CHĂN NUÔI

Thứ hai - 04/02/2013 21:20 325 0
Trong chăn nuôi, vấn đề vệ sinh phòng dịch bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu vì đây là một khâu rất quan trọng có thể quyết định đến lợi nhuận cho người chăn nuôi. Trong phạm vi bài viết này, xin được đề cập đến vấn đề vệ sinh phòng dịch trong chăn nuôi heo ở quy mô hộ gia đình.

 

 

Trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi theo quy mô trang trại lớn, vấn đề vệ sinh phòng dịch bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu vì đây là một khâu rất quan trọng có thể quyết định đến lợi nhuận cho người chăn nuôi. Đa số các trại chăn nuôi lớn đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vệ sinh phòng dịch,  nhưng ở quy mô chăn nuôi hộ gia đình, bà con chăn nuôi hầu như ít chú ý đến vấn đề này.

Trong phạm vi bài viết này, xin được đề cập đến vấn đề vệ sinh phòng dịch trong chăn nuôi heo ở quy mô hộ gia đình.

 Vài năm trở lại đây, tình hình chăn nuôi heo đã có những bước tiến khởi sắc, giá cả thị trường tương đối ổn định, nhất là khi xảy ra dịch cúm gia cầm thì giá heo luôn ở mức trung bình từ 17.000-18.000đ/kg heo hơi, những tháng gần tết Nguyên Đán (2006), giá heo tăng từ 20.000đ – 22.000đ/kg heo hơi. Điều đó giúp người chăn nuôi có lời, vì thế số lượng đầu heo tăng nhanh, đa số các hộ chăn nuôi đều nuôi với quy mô 8-10 con trở lên, số heo nái tăng. Việc áp dụng KHKT trong chăn nuôi như chọn con giống, gieo tinh nhân tạo heo hướng nạc, sử dụng thức ăn có chất lượng tốt, đã được bà con áp dụng có hiệu quả, tuy nhiên vấn đề vệ sinh phòng dịch thường ít được chú trọng đến.

Muốn có hiệu quả kinh tế cao nhất trong chăn nuôi heo, thì phải cố gắng giảm chi phí đầu tư ở mức thấp nhất, và khâu trước tiên người chăn nuôi có thể thực hiện được đó là công tác thú y, cụ thể hơn là vệ sinh phòng dịch cần phải áp dụng triệt để nguyên tắc: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Nếu thực hiện tốt công việc này thì người chăn nuôi đã giảm được 1 phần chi phí đầu tư, vì chi phí cho việc phòng bệnh thấp hơn rất nhiều so với chi phí chữa bệnh. Sau đây là các bước để thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng dịch trong chăn nuôi heo: 

1/ Chuồng trại:

- Khi thiết kế chuồng trại cần lưu ý chọn đúng hướng chuồng, tốt nhất là theo hướng Đông Nam, tránh việc chuồng trại bị nắng gắt chiếu vào, hoặc gió lùa vào ban đêm. Nền chuồng cần cao ráo, có độ dốc hợp lý để dễ thoát nước, nguồn nước thải phải cách xa khu vực chuồng nuôi. Đa số hộ chăn nuôi cho chất thải ra sát ngay phía sau chuồng rất dễ xảy ra dịch bệnh, tốt nhất nên lắp đặt hệ thống Biogas vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, vừa có nguồn chất đốt cho sinh hoạt gia đình. Khi nuôi heo thịt và nái sinh sản, cần xây 2 dãy riêng biệt để dễ chăm sóc quản lý, nếu có thể nên thiết kế 1 ngăn cách ly để cách ly heo bệnh khi xảy ra dịch bệnh. 

2/ Quy trình phòng bệnh:

- Heo nái hậu bị trước khi phối giống, cần được tiêm phòng đủ các bệnh truyền nhiễm như dịch tả, Phó thương hàn, tụ huyết trùng, lỡ mồm long móng, để giúp cho heo được an toàn trong quá trình mang thai, mỗi loại vaccin sử dụng cách nhau 1 tuần và lần sau cùng phải cách thời điểm phối giống ít nhất 15 ngày.

- Heo nái sinh sản và heo con theo mẹ:

+ Heo con 3 ngày tuổi cần tiêm thuốc sắt để tạo hồng cầu giúp heo con hồng hào, khỏe mạnh, ngừa trường hợp tiêu chảy do thiếu sắt, nếu sử dụng sản phẩm của hãng Bayer thì chỉ cần tiêm 1 lần lúc 3 ngày tuổi, nếu sử dụng sản phẩm của các hãng khác thì tiêm vào ngày thứ 3, 10 ngày sau khi sinh. Khi heo được 5 ngày tuổi có thể dùng Baycox để ngừa bệnh cầu trùng. Nên tập ăn sớm cho heo con (muộn nhất là 7 ngày sau sinh) sẽ hạn chế được bệnh phù mắt do E Coli. Đến ngày tuổi thứ 24 tiêm vaccin  phó thương hàn,  và cứ cách 1 tuần sẽ tiêm lần lượt tụ huyết trùng, dịch tả, lở mồm long móng, khi tiêm cho heo con thì kết hợp tiêm luôn cho heo mẹ.

Cần lưu ý phải thực hiện đúng các thao tác yêu cầu khi sử dụng vaccin như vận chuyển, bảo quản vaccin trong nhiệt độ thích hợp, Đa số vaccin đều tiêm dưới da, tuy nhiên cần dùng  đúng liều hướng dẫn, và chỉ sử dụng vaccin cho đàn heo khoẻ mạnh…để có hiệu quả cao nhất trong việc phòng  bệnh cho heo.

-Khi chuyển heo con sang nuôi thịt, giai đoạn heo từ 20-40 kg, nên chia khẩu phần ăn của heo ra cho ăn nhiều lần trong ngày giúp cho heo tiêu hóa tốt thức ăn, (ví dụ 1 con ăn 1 ngày 1,5 kg thức ăn thì chia ra cho ăn 6 lần sẽ tốt hơn cho ăn 3 lần) tuyệt đối tránh cho ăn  quá no trong 1 lần sẽ dễ xảy ra hiện tượng heo bị nhiễm độc tố của vi khuẩn E.Coli và chết (Vi khuẩn Ecoli có sẵn trong đường ruột heo, phát triển nhờ vào thức ăn heo ăn vào, khi cho heo ăn quá nhiều, thức ăn không tiêu hóa kịp, vi khuẩn sẽ phát triển nhanh chóng và tiết ra độc tố ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thần kinh gây chết heo). Vì vi khuẩn Ecoli có nhiều type gây bệnh nên việc ngừa bằng vaccin sẽ rất tốn kém và ít hiệu quả, có thể ngừa bằng cách tập cho heo con ăn sớm, cho ăn đúng cách như trên và sử dụng 1 số loại kháng sinh định kỳ trộn cho ăn 3 ngày/ tuần như AmpiColi, DonaEcoli…

Song song với việc sử dụng vaccin để phòng bệnh, cần phải thường xuyên sát trùng chuồng trại bằng các loại thuốc sát trùng, trước khi thả heo và sau khi xuất bán cần phải xịt thuốc sát trùng thật kỹ, trong quá trình nuôi, định kỳ hàng tuần nên xịt sát trùng, khi xảy ra dịch bệnh, phải cách ly ngay heo bệnh và xịt thuốc sát trùng chuồng trại mỗi ngày cho đến khi hết dịch. Có thể sử dụng 1 số loại thuốc sát trùng như Virkon, Biodin,… 

Hạn chế tối đa người lạ và không cho các vật nuôi khác vào khu vực chuồng nuôi, khi phải nhờ đến cán bộ thú y thì nên có ủng cao su hoặc giày dép riêng cho cán bộ thú y để tránh việc lây truyền mầm bệnh từ nơi khác đến.

Thực hiện tốt các công việc vừa nêu trên, bà con chăn nuôi sẽ hạn chế được dịch bệnh xảy ra cho đàn heo của mình, nhất là các bệnh không có thuốc đặc trị như dịch tả, lở mồm long móng, hoặc điều trị rất tốn kém và ít hiệu quả như phó thương hàn, tụ huyết trùng, và nếu một khi đã để xảy ra dịch bệnh thì cầm chắc bà con chăn nuôi sẽ bị lỗ, do đó qua bài viết này mong rằng sẽ giúp bà con chăn nuôi có thêm một số thông tin khoa học để áp dụng vào quy trình chăn nuôi heo của gia đình ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.

 

Huỳnh Văn Cư Trạm-Trạm KN Tân Biên-2006

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây