MÔ HÌNH TRỒNG SẮN DÂY HIỆU QUẢ

Thứ ba - 29/01/2013 21:15 1.069 0
Cây sắn dây có thể phát triển rộng rãi trong các hộ dân cư, có thể trồng xen tận dụng đất. Củ sắn dây là sản phẩm có giá trị. Dưới đây là kinh nghiệm trồng sắn dây của ông Phan Văn Giản, chúng tôi xin giới thiệu để bà con tham khảo

 

 

Cây sắn dây đã được trồng ở Tây Ninh từ vài chục năm, nhưng rất ít người quan tâm. Mãi đến sau ngày giải phóng bà con nông dân khu vực Trảng Lớn (Thái Bình và Thị trấn Châu Thành mới quan tâm đến nó nhiều hơn, vì sau nhiều năm trồng cho thấy lợi nhuận từ cây sắn dây so với các cây trồng khác như lúa, mía, mì …  cao hơn nhiều.

Ông Phan Văn Giản cư ngụ tại khu phố 2 Thị Trấn Châu Thành là người đã trồng sắn dây thu được lợi nhuận cao. Từ 1000m2 đất trồng mì, sau khi thu hoạch, trừ chi phí chỉ thu được lãi từ 7 đến 8 trăm nghìn hoặc 1 triệu là cùng. Nhưng nếu 1000m2 trồng sắn dây thì có thể lãi được từ 4 đến 5 triệu đồng.

Nói đến cây sắn dây, có nhiều người chưa hiểu hết về lợi ích của nó, thậm chí có nhiều người chưa nhìn thấy cây và củ sắn dây như thế nào.  Củ sắn dây theo người Trung Quốc là vị thuốc bắc. Nếu củ sắn  chà thành tinh bột thì nó là một sản phẩm làm nước giải khát, giải nhiệt rất tốt. Ngoài ra còn dùng nấu chè, súp cua, khi có tiệc tùng.

Dưới đây là kinh nghiệm trồng sắn dây của ông Phan Văn Giản, chúng tôi xin giới thiệu để bà con tham khảo:

           Theo ông Giản thì trồng sắn dây đất được cải tạo mau chóng, đất trồng sắn dây sau khi thu hoạch trồng các loại cây trồng khác rất tốt, như rau màu, mía, mì, đậu …Giá bán hiện nay là 4.500đ/kg củ tươi, còn giá bột tinh khô là 40.000đ/kg.

               Về năng suất và hiệu quả của sắn dây:

            Nếu trồng khoảng cách 1,7m/gốc thì 1ha trồng được 3.500gốc. chi phí cho 1ha trồng sắn dây được tính như sau:

             Tính cho 01 gốc:

               -Công làm đất (Cày bừa, đào hố, vun trồng): 1.200đ

               -Phân bón:      - phân chuồng: 30kg x 100đ = 3.000đ

                                      - Phân hoá học: 0,3kg NPK x 5.000đ = 1.500đ

                                      - Cọc cắm:         1cọc x 6.000đ = 6.000đ

-Tổng cộng chi phí cho 1 gốc là 10.500đ

-Vậy chi phí cho 1ha là:3.500 gốcx 10.500đ = 36.750.000đ

Nếu tính năng suất bình quân cho mỗi gốc bằng 6 kg thì năng suất 1ha là 3.500gốc x 6 kg = 21.000kg

Nếu tính theo giá bán hiện nay thì 1ha sắn dây lãi được:

                21.000kg x 4.500đ = 94.500.000đ – 36.750.000đ(chi phí) = 57.750.000đ

Trồng sắn dây chỉ vất vả khoảng 3 tháng đầu từ lúc trồng cho đến lúc cây sắn bắt đầu leo nọc, sau đó cắt tỉa và bón 2 lần phân là đủ cho đến khi thu hoạch.

             -Sắn dây thuộc dạng dây leo, người ta dùng dây cắt thành từng đoạn để trồng. Khi thu hoạch sắn, chọn những dây bánh tẻ cắt thành những đoạn dài 15-20 cm có ít nhất là1 mắt ( nhằm mục đích khi trồng có nhiều mầm và giữ  thân được tươi lâu trong đất). Khi cắt dây bánh tẻ xong lấy vôi chấm vào 2 đầu vừa cắt (nhằm giữ cho cây được tươi và tránh nấm bệnh) dùng dao cắt các cành mọc trên dây, không dùng tay tước xé vì làm cho dây sây xát dễ mất nước dẫn đến khô dây.

Đất phải cày bừa kỹ,  đào hố sâu 0,3m rộng 0,7m, rồi đổ phân hữu cơ và phân hoá học trộn đều sau đó tiến hành vun mô (lượng phân như đã nêu trên). Bắt đầu trồng vào khoảng tháng 3 âm lịch. Sau đó giâm hom rồi trồng lên mô. Sau khi trồng cho đến 15 ngày, giai đoạn này ta nên tưới ít nước chỉ cần giữ đủ độ ẩm là đủ, không nên tưới nhiều, rễ bị úng cây sẽ chết.

-Sau khi trồng được 5 tháng thì làm phân lần thứ nhất, kết hợp cắt bớt rễ con chỉ để lại 4 đến 5 rễ củ đẹp. Khoảng 1 tháng sau khi bón lần nhất thì ta tiếp tục bón phân lần 2. Vào khoảng tháng 11 hoặc 12 âm lịch, khi bắt đầu có hiện tượng xuống lá, xuất hiện nhiều phấn trắng trên gân lá, có hiện tượng rỗ lốm đốm, ngả màu thì thu hoạch. Khi thu hoạch phải thu hoạch cẩn thận để tránh sây xát củ, nhằm đảm bảo chất lượng tinh bột được tốt.

Hiện nay củ sắn tươi thường bán cho thương lái. Nếu có điều kiện thì chế biến thành tinh bột để bán.

            Trong quá trình sản suất thường gặp những khó khăn sau:

            Về sâu bệnh: Vài năm gần đây cây sắn dây thường bị sâu đục thân làm chết dây và bệnh nấm lá làm lá bị vàng lụi dần không phát triển.

            Vốn đầu tư cao nhất là vào giai đoạn đầu, nên thường bị thiếu vốn.

            Thị trường tiệu thụ thường bị thương lái ép giá.

            Tiềm năng của cây sắn dây: Cây sắn dây có thể phát triển rộng rãi trong các hộ dân cư trên các vùng đất go, cát pha. Có thể trồng xen  tận dụng đất, sản phẩm thu được chế biến tinh bột tiêu dùng cho gia đình hoặc bán lẻ, hoặc trồng thành vùng với diện tích lớn nếu có thị trường tiêu thụ.

 

2006-Tô Kim Lang        

 

         

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây