MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ CƠ GIỚI HOÁ THU HOẠCH LÚA

Thứ năm - 31/01/2013 14:50 404 0
Trong điều kiện các khu công nghiệp ngày càng được mở ra trên nhiều địa bàn trong tỉnh và các tỉnh lân cận, thu hút nhiều lao động, lao động dành cho nông nghiệp ngày càng hạn hẹp, giá công lao động ngày càng cao thì biện pháp tích cực để tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa là đưa cơ giới hoá vào khâu thu hoạch.

 

Diện tích lúa của Tây Ninh  tương đối lớn so với các tỉnh miền Đông Nam bộ (Diện tích hàng năm biến động trên dưới 160.000ha). Định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh, chuyển những vùng đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mía và nuôi thuỷ sản thì khả năng diện tích lúa hàng năm cũng còn khoảng 120.000ha.

Việc cơ giới hoá khâu thu hoạch lúa không phải là mới mẻ, nhưng trước đây thường chỉ được sử dụng ở những nông trường với quy mô lớn, chưa được áp dụng ở hộ nông dân. Ở tỉnh Tây Ninh, từ những năm 1998-1999, việc cơ giới hoá chỉ mới sử dụng ở khâu tuốt còn khâu thu hoạch lúa (cắt, gom lúa) chưa được chú ý,  các khâu cắt, gom lúa đều sử dụng lao động thủ công. Từ năm 2000 trở lại đây đã có một số nông dân làm dịch vụ sử dụng thêm cơ giới hoá trong khâu cắt lúa, đập liên hợp, còn khâu thu gom lúa vẫn gom bằng lao động thủ công, việc cơ giới hoá toàn bộ khâu thu hoạch chưa được áp dụng. Trong điều kiện các khu công nghiệp ngày càng được mở ra trên nhiều địa bàn trong tỉnh và các tỉnh lân cận, thu hút nhiều lao động, lao động dành cho nông nghiệp ngày càng hạn hẹp, giá công lao động ngày càng cao thì biện pháp tích cực để tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa là đưa cơ giới hoá vào khâu thu hoạch.

Qua khảo sát tình hình sản xuất lúa ở tỉnh Tây Ninh, chúng tôi được biết cũng có nhiều hộ sản xuất lúa có điều kiện kinh tế khá và một số người làm dịch vụ rất quan tâm đến vấn đề đầu tư cho cơ giới hoá khâu thu hoạch.

Để đáp ứng nhu cầu cho nông dân sản xuất lúa Đồng Bằng sông Cửu Long nói riêng, và các tỉnh thuộc Nam bộ nói chung, ngày 24/2/2006 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã kết hợp với Phân viên Cơ điện nông nghiệp và công nghệ STH (sau thu hoạch) tổ chức diễn đàn “Khuyến nông @ Công nghệ” về cơ giới hoá thu hoạch lúa, tại tỉnh Sóc Trăng. Qua diễn đàn này đã giúp người nông dân nắm bắt thêm được những thông tin cần thiết về các loại máy thu hoạch lúa để có thể lựa chọn loại máy phù hợp với điều kiện kinh tế và sản xuất của mình.

Các báo cáo tham luận trong Diễn đàn đã nêu rõ công dụng, tính năng hoạt động của các loại máy. Qua báo cáo về tình hình nghiên cứu và kết quả ứng dụng trong lĩnh vực cơ giới hoá thu hoạch lúa ở Việt Nam của các tác giả Trần Đức Dũng, Võ Thanh Bình, Trịnh Văn Trại –Viện Cơ Điện NN và Công nghệ STH đã nêu rõ:

“-Thu hoạch là khâu cuối cùng của sản xuất trên đồng ruộng, chịu ảnh hưởng và phụ thuộc vào các khâu canh tác trước thu hoạch, đặc biệt là khâu gieo giống, chăm sóc. Cơ giới hoá thu hoạch khó có thể phát triển trong khi các khâu gieo trồng, chăm sóc chủ yếu làm bằng thủ công với các quy trình không thống nhất, không đảm bảo đồng đều về mật độ, khoảng cách hàng, chiều cao cây... Từ đặc điểm này, đòi hỏi các máy thu hoạch có tính thích ứng với từng vùng.

-Đối tượng trang bị máy thu hoạch chủ yếu là nông dân hoặc những người làm dịch vụ thu hoạch, khả năng nguồn vốn đầu tư thấp, yêu cầu thu hồi vốn nhanh trong khi thời gian sử dụng máy thu hoạch trong năm ngắn, thường trong vòng 2-3 tháng. Từ yêu cầu này đòi hỏi các máy thu hoạch phải có giá rẻ phù hợp, năng suất cao, làm việc ổn định trong các điều kiện khác nhau về giống cây trồng, thời tiết và tình trạng cây trên đồng ruộng.

-Mặt khác, các máy thu hoạch thường có nguyên lý cấu tạo phức tạp, làm việc trên đồng ruộng trong điều kiện khó khăn, đòi hỏi có vật liệu chế tạo, công nghệ chế tạo thích hợp để đảm bảo độ bền, độ tin cậy làm việc của máy. Để đảm bảo yêu cầu này, hầu hết các máy thu hoạch và đặc biệt là các máy liên hợp thu hoạch tự hành phải được nghiên cứu chế tạo tại các cơ sở chế tạo máy có trang thiết bị, công nghệ chế tạo thích hợp và chế tạo hàng loạt để đảm bảo chất lượng hàng hoá, chế độ bảo hành, cung ứng phụ tùng, đảm bảo lòng tin của người sử dụng.

-Từ những đặc điểm và yêu cầu trên đây cho thấy việc nghiên cứu phát triển cơ giới hoá thu hoạch là công việc khó khăn, phức tạp, phải kết hợp giải quyết đồng bộ các yêu cầu về kỹ thuật, kinh tế, xã hội.”

Qua kết quả điều tra về nghiên cứu ứng dụng của các loại máy thu hoạch lúa của 3 tác giả trên, qua Tập san Khuyến nông Tây Ninh, chúng tôi xin thông tin kết quả nghiên cứu và ứng dụng của một số loại máy thu hoạch lúa sau đây:

Đối với máy gặt lúa rải hàng đã sử dụng qua nhiều năm và có nhiều măt hạn chế như:  Máy không phát huy hiệu quả tốt trong điều kiện ruộng nước, lúa đổ. Mặt khác vẫn tốn nhiều công thu gom vận chuyển (một máy gặt lúa rải hàng và máy đập lúa liên hợp cần tới 20 lao động phụ) nên trong bài này chúng tôi chỉ đưa thông tin về các máy gặt đập liên hợp. 

*Máy gặt đập liên hợp:

Để khắc phục những hạn chế của máy gặt lúa rải hàng, từ những năm1990, các cơ quan nghiên cứu đã tiến hành điều nghiên thiết kế và chế tạo máy liên hợp thu hoạch lúa.

-Máy GLH-0,2: Năm 1992-1996, Viện Cơ điện NN đã phối hợp với xí nghiệp Cơ khí Đồng Tháp (tỉnh Đồng Tháp) nghiên cứu chế tạo máy gặt đập liên hợp tự hành GLH-0,2  đã đạt giải nhì (không có giải nhất) trong Hội thi máy gặt lúa cho các tỉnh ĐBSCL do Bộ NN & PTNT tổ chức tại Cần Thơ tháng 8/1998. Máy có bề rộng cắt 1,5m, bộ phận đập dọc trục  trống và răng phối hợp. Máy sử dụng hộp số máy kéo bông sen, động cơ Diezen 24Hp. Hệ thống di động bằng xích cao su liền giải, với áp suất trên mặt ruộng 0,2KG/cm2, đảm bảo làm việc trong điều kiện ruộng nước có bùn < 15cm. Máy có năng suất 0,16ha/giờ, độ hao hụt <2% và độ sạch sản phẩm >96%. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Nhà máy cơ khí Đồng Tháp đã chế tạo loạt nhỏ (10 máy) chuyển giao vào sản xuất. Tuy vậy máy GLH-0,2 đã không được ứng dụng rộng trong sản xuất, nguyên nhân do Nhà máy cơ khí Đồng Tháp không có điều kiện đầu tư công nghệ và thiết bị chế tạo vì vậy máy không đảm bảo độ bền, thường gặp hư hỏng vặt trong quá trình sử dụng

-Máy GLH-0,3A: Năm 2001-2005, trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, Viện cơ điện NN và Công nghệ STH đã nghiên cứu hoàn thiện máy gặt đập liên hợp GLH-0,3A trên cơ sở kết quả nghiên cứu thiết kế chế tạo máy GLH-0,2.  Máy có đặc điểm kỹ thuật: Bề rộng cắt gặt là 2m, động cơ 35Hp, hệ di động xích cao su liền giải có bề rộng và chiều dài tiếp đất lớn hơn để tăng khả năng di động trên ruộng ngập nước nền yếu, đồng thời thực hiện một loạt cải tiến các bộ phận cắt gặt, bộ phận đập, hệ thống truyền động, hệ thống điều khiển và tăng cường độ vững của khung. Máy đã được Tổng công ty Cơ điện NN và Thuỷ lợi chế tạo và đưa vào khảo nghiệm ứng dụng tại Long An, Đồng Tháp từ tháng 5/2003 đến nay. Qua 4 vụ, máy đã hoạt động tốt trong các điều kiện khác nhau cả 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu với năng suất trung bình 0,25ha/ giờ, độ sạch >97%, tổng hao hụt <2%. Máy đã ổn định làm việc từ  tháng 2/2004, hiện nay máy được giao cho ông Lưu Văn Tiễn ấp 6 xã Trường Xuân, -Tháp mười, Đồng Tháp vận hành sử dụng trong 3 vụ liên tục, thu hoạch trong gia đình và làm dịch vụ, cho đến nay máy vẫn hoạt động tốt.

Hiện nay Bộ Khoa học Công nghệ đã chấp nhận dự án sản xuất loạt nhỏ máy liên hợp thu hoạch theo kiểu máy GLH-0,3A với 10 máy GLH-0,2 và 20 máy GLH-0,3A. ( Giá tham khảo: 85.000.000đ. Địa chỉ liên hệ: Viện Cơ điện Nông nghiệp A2, ngõ 102, Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội. ĐT 84.4.8689187, 8695635. Fax: 84.4.8689131, E-mail: viae@fpt.vn)

-Máy gặt đập liên hợp của công ty Vinapro: Do công ty Vinapro nghiên cứu chế tạo trong năm 2004-2005. Là loại máy gặt đập liên hợp cỡ nhỏ, máy có nguyên lý làm việc và kết cấu máy như máy gặt 3 bánh cỡ nhỏ của Trung Quốc. Máy sử dụng động cơ xăng 18Hp, di chuyển  trên 3 bánh lốp, có thể lắp thêm bánh sắt phụ chống lầy, sử  dụng hộp số mới. Công ty đã chế tạo loạt nhỏ, đang tiếp tục hoàn thiện, tiến tới sản xuất đại trà.

 Xuất phát từ nhu cầu bức xúc của việc thu hoạch lúa ở các địa phương, trong những năm gần đây, nhiều cơ sở cơ khí nhỏ và nông dân đã đầu tư công sức và tài sản theo đuổi việc chế tạo máy gặt đập liên hợp trong đó có:

-Máy gặp đập liên hợp của ông Chín Nghĩa - Bùi Hữu Nghĩa(Long an): 

Ông Chín Nghĩa đã nghiên cứu, chế tạo máy gặt đập liên hợp cỡ nhỏ có bề rộng làm việc 1,5m, máy có đặc điểm như sau: Sử dụng bộ phận cắt, chuyển lúa đứng cây của máy rải hàng, nhờ vậy bỏ được guồng gặt và vít gom lúa, giảm được kích thước và trọng lượng máy. Bộ phận chuyển lúa lên trống đập kiểu 2 xích gạt (không dùng băng tải xích). Sử dụng hộp số cũ của máy kéo 2 bánh Nhật Bản. Hệ di động xích sắt tự chế tạo trên cơ sở sử dụng xích công nghiệp hàn trên các tấm tựa có hàn gân. Với các cải tiến trên, máy có kích thước nhỏ gọn, phù hợp với khả năng chế tạo của cơ sở cơ khí nhỏ. Máy làm việc tốt trong điều kiện ruộng khô, lúa đứng, máy có năng suất 0,15 ha/giờ. Hạn chế của máy là không làm việc tốt khi lúa đổ, khả năng bám và độ bền xích di động kém. (Địa chỉ liên hệ: Thủ Thừa, Long An. ĐT 0918266156)

-Máy gặt đập của ông Nguyễn Đức Hoàng ( Nông dân xã An Hoà, Châu Thành, An Giang. Máy gặt đập liên hợp do ông gióng dựng bằng cách mua các thiết bị phụ tùng có sẵn và kết hợp với việc đặt cơ sở cơ khí địa phương chế tạo, lắp ráp. Máy có đặc điểm kỹ thuật là: Khung gầm, hộp số của xe ô tô hai cầu chủ động, bốn bánh hơi động cơ MAZAĐA 33Hp.Để tăng cường khả năng bám và chống lún đã lắp đặt thêm 2 bánh sắt có mấu được truyền động bằng xích và một trống lăn bị động dưới gầm máy. Bộ phận cắt gặt kiểu chuyển lúa đứng cây của máy gặt rải hàng, bề rộng 1,85m do cơ sở Nhật thành, Long An chế tạo. Bộ phận chuyển lúa lên trống đập kiểu có mấu , bề rộng 0,5m. Bộ phận đập và làm sạch của máy liên hợp đặt dọc máy. Máy có khối lượng khoảng 3 tấn, kích thước tương đối lớn 5,1m x 2,65m x 2,8m. Máy làm việc tốt trong điều kiện ruộng khô, lúa đứng. Hiện đang làm dịch vụ thu hoạch tại Hòn Đất, Kiên Giang.  

Máy Gặt đập liên hợp của xưởng cơ khí Nhật Thành (Long an) 

Có cùng chung bản thiết kế của máy gặt đập liên hợp của Công ty Vinapro nhưng có một số cải tiến cho phù hợp với đồng ruộng nông thôn: 

*Ưu điểm:

-Kích thước gọn, trọng lượng nhẹ < 800 kg nên cơ động, dễ dàng di chuyển trên đồng ruộng và thay đổi địa bàn làm việc.

-Do trọng lượng nhỏ hơn 800 kg nên khi bị sụp lầy khiêng vác lên dễ dàng

-Di chuyển địa bàn thuận lợi với bánh lốp cao su, có thêm các bánh phụ như bánh lồng sắt để làm việc trên đồng ruộng lầy ít và bánh phao để sử dụng trên đồng ruộng lầy nhiều)

-Máy dễ dàng vận chuyển bằng chẹt qua các kênh rạch, di chuyển qua các cầu bắc qua sông ở nông thôn tốt do trọng tải nhẹ

-Cải tiến trục ráp đĩa xích để kéo xích tải lúa, do đó khắc phục khuyết điểm thân lúa quấn vào trục.

-Nâng gầm máy cao > 30 cm nên vượt lầy tốt.

-Sử dụng hộp số máy cày tay K700 của Nhật độ bền cao, khả năng vượt lầy tốt.

-Bề rộng làm việc 1300 mm (rộng hơn so với máy) nên cắt được lúa sát mép bờ.

-Sử dụng động cơ diesel 16Hp, nên giảm được chi phí cho nhiên liệu.

-Trục vận chuyển lúa kết hợp tay vơ lệch tâm nên lúa đưa xích kẹp tải tốt.

*Nhược điểm:

Hiện sử dụng hộp số cày tay K 700   của Nhật đã qua sử dụng nên chất lượng không đồng đều.

Cũng từ sau Diễn đàn “Khuyến nông @ Công nghệ”, cơ giới hoá thu hoạch lúa đã được triển khai trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Hiện tại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã có 3 máy  gặt đập liên hợp Nhật Thành (2 máy do anh Nguyễn Văn Quang, ấp tua hai xã Đồng Khởi và 01 máy do ông Tư  Kỉnh ở xã Bình Minh  mua để làm dịch vu thu hoạch). Qua khảo sát máy làm việc trên đồng ruộng, nhiều nông dân và chủ máy đã nhận xét: Máy làm việc tốt, có thể cắt lúa đứng và lúa ngã, hao hụt ít hơn so với gặt bằng tay hoặc máy gặt rải hàng rồi thu gom đem phóng, độ sạch không bằng máy đập liên hợp (máy phóng) nhưng được nông dân chấp nhận. Cũng qua cuộc tham quan khảo sát máy làm việc trên đồng ruộng, đã có thêm 2 nông dân đặt mua loại máy này. 

Giá tham khảo: khoảng 58.000.000đ/máy 

ĐT liên hệ: 0918.981099. gặp KS Võ Hùng Anh (Kỹ sư chế tạo máy)

            Qua bài viết này chúng tôi hy vọng sẽ chuyển tải được một số thông tin cần thiết về máy thu hoạch lúa giúp bà con nông dân và các cơ sở dịch vụ, những người có nhu cầu mua máy để phục vụ thu hoạch lúa, nhằm giải quyết khó khăn về công lao động, đồng thời giúp cho việc giải phóng đất nhanh, tăng hệ số sử dụng đất. 

Phạm Thu-TTKN-2006

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây