Ra mắt tổ Hợp tác nhân lúa giống xã Long Chữ

Thứ sáu - 07/11/2014 17:30 283 0

 Quang Son – Bến Cầu

Nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn lúa giống có chất lượng phục vụ sản xuất của bà con nông dân ở địa phương: Sáng ngày 24/10/2014, tại nhà ông Hồ Thanh Phong-ngụ ấp Long Giao, UBND xã Long Chữ tổ chức Lễ ra mắt Tổ Hợp tác nhân lúa giống Long Chữ.

Đến dự có ông Huỳnh Quang Minh-Phó Giám đốc Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh, ông Lê Văn Tiễn-Phó Trưởng Phòng kế hoạch Liên minh Hợp tác xã tỉnh, lãnh đạo Đảng ủy-UBND, các ban ngành, đoàn thể xã Long Chữ.

Tổ Hợp tác nhân lúa giống Long Chữ có 21 thành viên, gồm 01 Tổ trưởng, 01 Tổ phó, 01 Thư ký và 18 Tổ viên, do ông Nguyễn Văn Thanh làm Tổ trưởng; có Quy chế, Kế hoạch hoạt động và Hợp đồng hợp tác rõ ràng. Địa điểm giao dịch của Tổ Hợp tác đặt tại nhà ông Hồ Thanh Phong; nơi sản xuất lúa giống tại cánh đồng Bàu Tượng-Ấp Long Giao, xã Long Chữ.

Trong vụ sản xuất lúa Thu Đông 2014 này, 21 thành viên của Tổ Hợp tác nhân lúa giống xã Long Chữ đồng loạt gieo xạ các giống lúa nguyên chủng, như: OM-5451, OM-6162 và OM-4900, với diện tích 25 hecta, từ Viện Sản xuất lúa giống đồng bằng Sông Cửu Long cung cấp, đến nay còn không tới 10 ngày nữa là thời điểm thu hoạch, ước sẽ có một mùa vụ bội thu. Để đảm bảo giống lúa của Tổ sản xuất ra đạt tiêu chuẩn giống lúa cấp xác nhận, nhằm cung ứng giống lúa chất lượng đến bà con nông dân trong và ngoài huyện cho sản xuất đại trà và Cánh đồng mẫu lớn, quá trình sản xuất lúa giống của Tổ hợp tác nhân lúa giống xã Long Chữ được Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo dõi: từ khâu làm đất, gieo xạ, chăm sóc, đến cả khâu thu hoạch, phơi (hoặc sấy), xử lý, kiểm định, kiểm nghiệm và đóng bao bì… phải đúng quy trình. Thực hiện Quyết định số 2061/QĐ-UBND, ngày 15/9/2014 của UBND tỉnh Tây Ninh: Phê duyệt Đề án “Xây dựng mạng lưới nhân giống lúa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020”: UBND tỉnh hỗ trợ có mục tiêu là 8 tỷ 755 triệu đồng cho các huyện và thành phố sản xuất lúa giống, trong đó: từ vụ mùa năm 2014-2018, tỉnh hỗ trợ trực tiếp là 6,2 tỷ đồng cho 3.100 hecta, tương đương 2 triệu đồng/01 hecta diện tích nhân giống lúa sử dụng giống nguyên chủng để nhân ra giống xác nhận; nguồn kinh phí còn lại đầu tư cho xây dựng cơ bản: hệ thống sấy, xử lý hạt giống, sân phơi và nhà kho xử lý lúa giống; tập huấn và hội thảo đầu bờ; kiểm tra, giám sát và chỉ đạo mô hình này.

Nhằm từng bước mở rộng vùng diện tích sử dụng giống lúa cấp xác nhận để tăng năng xuất, từng bước thay đổi, xóa bỏ tập quán tự nhân lúa giống không đảm bảo chất lượng tại các nông hộ, tiến tới đều chỉnh cơ cấu giống phù hợp với điều kiện sinh thái và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần nâng cao trình độ quản lý, sản xuất của người dân: Nằm trong Đề án này, từ năm 2015 và 2016, huyện tiếp tục xây dựng các Tổ hợp tác hoặc Hợp tác xã sản xuất và cung ứng lúa giống tại xã Tiên Thuận, Lợi Thuận và An Thạnh.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây