Xây dựng nhà nuôi chim yến cơ hội và rủi ro

Thứ sáu - 07/04/2023 14:15 5.377 0
XÂY DỰNG NHÀ NUÔI CHIM YẾN CƠ HỘI VÀ RỦI RO

1. Thực trạng phát triển nhà nuôi chim yến

Theo Cục Chăn nuôi, nghề nuôi yến với mục đích thương mại xuất hiện từ năm 2004 ở một số tỉnh Nam Bộ. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, nghề này đã phát triển nhanh với nhiều loại hình và quy mô khác nhau. Hiện nay, cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến. Số lượng nhà yến tăng rõ rệt trong những năm qua, tính đến năm 2022, cả nước có 23.665 nhà yến. Tuy nhiên, công tác quy hoạch, quản lý vùng nuôi, chất lượng tổ yến phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu vẫn còn nhiều thách thức.

Nghề nuôi chim yến cũng phát triển khá nhanh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, nhờ lợi thế tự nhiên về đất đai, địa hình đồng bằng kết hợp sông nước (sông Vàm Cỏ Đông, hồ Dầu Tiếng và hệ thống các kênh tưới) các khu rừng tự nhiên, tán lá rừng tầng cao, trung và thấp, cánh đồng ruộng lúa là những nơi có nhiều côn trùng trú ngụ, là nguồn thức ăn phong phú, dồi dào cho đàn chim yến phát triển.

Hiệu quả kinh tế của một số ít cơ sở nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh kết hợp thông tin từ những tư vấn xây dựng nhà yến đã thúc đẩy phong trào xây dựng nhà yến. Theo số liệu ước tính, năm 2019, toàn tỉnh có 190 nhà yến; năm 2020 có 486 nhà yến; năm 2021 có 607 nhà yến; năm 2022 có 683 nhà yến đang hoạt động và 386 dự án nhà yến (đang xây dựng hoặc có vị trí phù hợp nhưng chưa xây dựng). Đến thời điểm tháng 3/2023 có 791 nhà yến đang hoạt động (tăng 108 nhà yến so với năm 2022) của 674 hộ dân, 44 nhà yến đang xây dựng, 122 dự án nhà yến có vị trí phù hợp nhưng chưa xây dựng và 02 nhà yến tạm ngưng hoạt động. Hiện nay, số lượng nhà yến đang hoạt động nhiều nhất thuộc huyện Châu Thành với tổng nhà yến 231 nhà, kế đến là huyện Tân Châu với 103 nhà yến, ít nhất là địa bàn thành phố Tây Ninh với tổng số 20 nhà yến.

Theo báo cáo của của các huyện, thị xã, thành phố, số lượng nhà yến có sản lượng khai thác trung bình dao động từ 6 - 8kg/tháng khoảng 40 nhà, chiếm khoảng 5%; từ 2 - 5 kg/tháng khoảng 158 nhà, chiếm khoảng 20%; từ 0,5 - 2 kg/tháng có khoảng 50 nhà, chiếm khoảng 6,4%; còn lại là chưa khai thác hoặc mới khai thác sản lượng rất ít, có những trường hợp không khai thác được tổ yến sau vài năm đưa vào hoạt động chiếm khoảng 70%.

2. Ồ ạt xây nhà nuôi chim yến, tiềm ẩn nhiều rủi ro

Tư vấn thiết kế xây dựng: Hiện nay, các yếu tố kỹ thuật về xây dựng nhà yến phần lớn phụ thuộc hoàn toàn vào người tư vấn, vì chủ đầu tư xây dựng nhà yến không biết hoặc biết rất ít về kỹ thuật này. Mức vốn đầu tư cho một nhà yến dao động từ 2 - 3 tỷ trong khi phần lớn tư vấn chưa được đào tạo chính quy, chủ yếu do kinh nghiệm tích lũy. Giá thuê tư vấn xây dựng nhà yến hiện nay không thấp bên cạnh đó chưa có tư vấn nào đảm bảo thành công 100%.

Vị trí: Không phải nơi nào cho phép xây dựng nhà yến thì nơi đó sẽ có chim yến đến. Bên cạnh các yếu tố về kỹ thuật, kiến thức khoa học, kiến thức về đặc tính sinh học của chim yến, việc lựa chọn địa điểm xây nhà nuôi yến rất quan trọng, vị trí không phù hợp (môi trường, khu vực không có chim yến, nền đất xây nhà yến không ổn định, mật độ nhà yến cao…) sẽ dẫn đến thất bại khi đầu tư

Tài chính: Nhiều năm trước, nghề nuôi chim yến có thể thu hồi vốn trong 3 năm, hiện nay nghề nuôi yến xuất hiện nhiều, quá trình thu hồi vốn có thể kéo dài từ 5 đến 10 năm do vậy trước khi xây dựng nhà yến, chủ đầu tư nên lập kế hoạch tài chính, lên danh sách các chi phí (xây dựng, vận hành bảo dưỡng, vật tư thiết bị, lãi vay đầu tư (nếu có)…) số vốn bỏ ra kèm lợi nhuận mong muốn đạt được trong tương lai và có thể kiên trì chịu đựng theo đuổi trong khoảng thời gian đó.

Khả năng phân đàn: Khi số lượng nhà yến tăng đột biến, trong khi quần thể chim yến chưa tăng trưởng kịp, chưa phân đàn kịp thì việc dẫn dụ chim yến là rất khó, từ đó xảy ra sự cạnh tranh lớn giữa các nhà yến trong cùng một khu vực. Ngoài ra, nguồn thức ăn cho chim yến không phải là vô tận, khi đàn chim yến quá nhiều trong cùng một quần thể sẽ dẫn đến thiếu nguồn thức ăn, chậm phát triển.

Kiến thức nghề dẫn dụ yến: Nghề nuôi yến bản chất vẫn là dẫn dụ yến nên có thể nói đây là nghề dẫn dụ chim yến (Nghề gọi yến). Thời gian hoạt động của nhà yến dẫn dụ chim cho đến khi có tổ rất dài. Rất nhiều người đầu tư chưa trang bị cho mình các kiến thức cơ bản về kỹ thuật, theo dõi, quan sát vận hành nhà nuôi yến từ đó rủi ro xây nhà yến không có chim khá cao.

Tổ chức quản lý: Từ khâu thiết kế thi công xây dựng cho đến vận hành nhà yến không được quản lý chặt chẽ một cách khoa học sẽ xảy ra nhiều rủi ro không đáng có: thiết kế thi công lắp đặt thiết bị; theo dõi các yếu tố âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ, mùi; quy trình thu hoạch tổ yến…

Bên cạnh các yếu tố về kỹ thật chủ đầu tư cũng cần quan tâm đến các yếu tố pháp lý về thực hiện Quản lý nuôi chim yến theo quy định tại Điều 64 và điểm h khoản 1 Điều 80 Luật Chăn nuôi, Điều 25 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi, Điều 4 và Phụ lục II, III Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi và Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh khuyến cáo đến các tổ chức, cá nhân nên cân nhắc kỹ trước khi đầu tư xây dựng nhà nuôi chim yến./.

Phòng Chăn nuôi và Thú y – Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Tác giả: Chan nuoi thu y

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây