Hiện trạng, khó khăn, thuận lợi và phát triển cây cao su của tỉnh Tây Ninh

Thứ ba - 15/05/2018 22:00 801 0

1. Tình hình sản xuất

Tổng diện tích cao su năm 2017 trên địa bàn tỉnh là 100.436 ha, đứng thứ 3 vùng ĐNB và thứ 4 cả nước, phân bố ở các huyện: Tân Châu 40,8%, Tân Biên 27,8%, Dương Minh Châu 9,9%, Châu Thành 7,6%, Gò Dầu 5,6%, Trảng Bàng 4,8%, và các huyện khác <2%. Trong đó, có khoảng 59 xã có quy mô tập trung trên 100 ha.

Năng suất bình quân toàn tỉnh năm 2017 đạt 2,1 tấn/ha; trong đó, cao nhất là huyện Tân Châu (2,15 tấn/ha) và Tân Biên (2,14 tấn/ha).


 

2. Các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao được ứng dụng trong canh tác cao su

- Sử dụng giống mới có năng suất và chất lượng cao (RRIV 114, RRIV 115, RRIV 124, RRIV 209,...).

- Sử dụng máng chắn miệng cạo.

- Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất: khâu làm đất (khoảng 90%), khâu trồng (khoảng 40%, gồm: đào hố, bón lót, trồng), khâu chăm sóc (khoảng 50% gồm: làm cỏ, tỉa chồi, tưới, bón phân, phun thuốc, thổi lá khô...), khâu vận chuyển (khoảng 90%).

- Các biện pháp tái canh và khai thác thích hợp… đang được các công ty cao su trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt: chuyển chế độ cạo sang d3 hoặc d4; các vườn cao su đã và đang sử dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước trong giai đoạn kiến thiết cơ bản.

- Mô hình trồng xen các cây trồng khác (mì, cây họ đậu, rau,...) trong vườn cao su kiến thiết cơ bản mang lại hiệu quả cao: tăng giá trị sử dụng đất, cây cao su được bổ sung nguồn dinh dưỡng từ việc chăm sóc cây trồng xen và các phần dư thừa thực vật của cây trồng xen sau thu hoạch, tăng thêm thu nhập,...

3. Thuận lợi, khó khăn

a. Thuận lợi

- Tây Ninh là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi về khí hậu, đất đai phù hợp cho phát triển ngành cao su tự nhiên và từ lâu đã hình thành các vùng trồng tập trung tại các huyện như: Tân Châu, Tân Biên, Dương Minh Châu,...

- Đề án "Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" đã được phê duyệt, trong đó xác định cây cao su là cây trồng chủ lực của Tây Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

- Nông dân nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và khai thác.

- Diện tích canh tác cao su phần lớn tập trung trên qui mô diện tích lớn, dễ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất.

- Cơ sở hạ tầng (giao thông, nhà máy chế biến, các nông trường) được đầu tư phát triển.

- Toàn bộ sản phẩm sau khi thu hoạch được đưa vào chế biến tại các nhà máy trong tỉnh.

b. Khó khăn

- Giá cao su liên tục giảm nên hiệu quả trồng 01 ha cao su đang ở mức thấp, dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh của cây cao su so với các cây trồng khác (mì, mía, cây ăn quả,...) nên nhiều hộ trồng cao su tiểu điền đang có xu thế chặt bỏ cao su để chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả cao hơn hoặc giảm bớt một số hạng mục về phân bón, thuốc BVTV dẫn đến việc canh tác không tuân thủ quy trình kỹ thuật.

- Điều kiện thời tiết không thuận lợi, diễn biến bất thường làm ảnh hưởng đến ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây cao su (gãy đổ, điều kiện thuận lợi cho bệnh hại phát sinh,...).

- Tây Ninh hiện chưa có diện tích vườn đầu dòng; diện tích vườn ươm nông hộ nhỏ lẻ tự sản xuất giống tự trồng; chưa đáp ứng nguồn giống cho trồng mới; trồng tái canh ở địa phương.

- Nhiều diện tích cao su tiểu điền nhỏ lẻ, đan xen với các cây trồng khác nên công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ giới hóa và phòng ngừa sâu bệnh còn gặp nhiều khó khăn.

4. Định hướng phát triển cây cao su trong thời gian tới

- Theo Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và định hướng năm 2030, dự kiến đến năm 2020 tổng diện tích cao su giảm còn 85.000 ha, sản lượng 168.000 tấn. Cây cao su sẽ giảm diện tích trồng trong các trường hợp: Đất trồng cao su có mức thích nghi thấp, nhất là vùng đất thấp; một phần diện tích cao su tiểu điền trong vùng đã quy hoạch trồng cây trồng khác (cây ăn quả, khoai mì, mía); cây cao su già cỗi cho năng suất thấp; đất trồng cao su trong vùng đã và sẽ được quy hoạch chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp;…

- Tiếp tục đầu tư thâm canh, quản lý, chăm sóc tốt trên toàn bộ diện tích vườn cao su hiện có, nhất là trong giai đoạn kinh doanh. Ứng dụng các tiến bộ KHKT để khai thác hiệu quả tiềm năng vườn cây cao su khai thác.

Trạm Trồng trọt và BVTV Tân Châu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây