Nguy cơ bệnh khảm lá cây khoai mì gây thiệt hại vụ Đông Xuân 2017-2018

Thứ sáu - 29/12/2017 15:00 173 0
Bệnh khảm lá cây khoai mì là loài bệnh hại mới lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và Tây Ninh là tỉnh đầu tiên bị hại. Bệnh do virus Sri Lankan Cassava Mosaic gây ra và hiện nay bệnh chưa có thuốc phòng trị. Bệnh khảm lá lây lan chủ yếu qua 02 con đường: hom giống lấy từ ruộng mì bị nhiễm bệnh và bọ phấn trắng là côn trùng môi giới chích hút lan truyền virus gây bệnh từ cây mì bị bệnh sang cây mì khác trên đồng.

Bệnh khảm lá cây khoai mì là loài bệnh hại mới lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và Tây Ninh là tỉnh đầu tiên bị hại. Bệnh do virus Sri Lankan Cassava Mosaic gây ra và hiện nay bệnh chưa có thuốc phòng trị. Bệnh khảm lá lây lan chủ yếu qua 02 con đường: hom giống lấy từ ruộng mì bị nhiễm bệnh và bọ phấn trắng là côn trùng môi giới chích hút lan truyền virus gây bệnh từ cây mì bị bệnh sang cây mì khác trên đồng.

Năm 2017, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã có 5.852,7 ha khoai mì bị nhiễm bệnh trên địa bàn 42 xã, thị trấn thuộc 6 huyện và thành phố Tây Ninh. Ban chỉ đạo phòng chống dịch khảm lá cây khoai mì của các huyện, thành phố; các xã, thị trấn đã rất nổ lực vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương. Tuy nhiên, tính đến ngày 08/12/2017, diện tích nhiễm bệnh trên cây khoai mì trồng vụ Hè thu 2017 hiện còn trên đồng là 1.903 ha, tại huyện Tân Châu (1.761,9 ha) và Tân Biên (141,1 ha).

Để hạn chế bệnh khảm lá cây khoai mì tiếp tục lây lan gây hại trên địa bàn tỉnh, cần thiết phải cắt hết nguồn bệnh trên đồng; Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản số số 2365/SNN-TTBVTV ngày 25/9/2017 về việc hướng dẫn luân canh, chuyển đổi cây trồng trên diện tích khoai mì nhiễm bệnh khảm lá và văn bản số 2873/SNN-TTBVTV ngày 14/11/2017 về việc kiểm soát bệnh khảm lá vụ Đông xuân 2017 – 2018 để Ban chỉ đạo huyện, xã hướng dẫn và thông tin rộng rãi cho người sản xuất.

Hiện nay thời tiết thích hợp để nông dân xuống giống trồng mì vụ Đông xuân 2017 – 2018. Tính đến ngày 05/12/2017, vụ mì Đông xuân 2017 – 2018 đã xuống giống với diện tích 2.200 ha, tại các huyện như: Tân Châu (1.143,1 ha), Tân Biên (491 ha), Châu Thành (375 ha), Dương Minh Châu (150 ha), Hòa Thành (35 ha), Trảng Bàng (6 ha). Đa số diện tích ở giai đoạn mới trồng – mọc mầm. Tuy nhiên, hiện nay đã phát hiện có 34,4 ha mì được nông dân xuống giống sớm có biểu hiện triệu chứng khảm lá tại 02 huyện: Tân Châu (29,4 ha) và Tân Biên (05 ha).

Qua quan sát thực tế tại một số địa phương:

       - Diện tích mì vụ Hè thu 2017 bị bệnh khảm lá hiện còn trên đồng. Có diện tích bị nhiễm bệnh từ giai đoạn cây con, đến nay được 5 tháng tuổi cây thấp lùn (cao 30-50cm), kém phát triển.


Hình 1: Ruộng mì bị bệnh khảm lá giai đoạn cây con, hiện nay được 5 tháng tuổi, cây thấp lùn, phát triển kém tại huyện Tân Châu

       - Về nguồn giống mì để trồng vụ Đông xuân 2017 – 2018: Các thương lái đã thu gom cây mì từ các vùng có dịch, bao gồm cả diện tích bị bệnh khảm lá để cung cấp ra thị trường; hộ nông dân tận dụng cây mì sẵn có của gia đình hoặc thu mua từ thương lái để trồng. Do vậy nguy cơ triệu chứng khảm sẽ xuất hiện ngay khi hom nhiễm bệnh mọc mầm, do bọ phấn trắng có mặt trên đồng ruộng chích hút cây bệnh và tiếp tục lan truyền nguồn bệnh sang các cây khác trên ruộng.


Hình 2: Triệu chứng khảm lá biểu hiện ngay trên bó giống tại điểm bán cây giống

      - Một số ít diện tích xuống giống sớm được 01 tháng tuổi, đã xuất hiện triệu chứng khảm lá trên ruộng, qua quan sát thấy bọ phấn xuất hiện trên ruộng với mật số 2 – 3 con/cây.


Hình 3: Ruộng mì 01 tháng bị bệnh khảm lá tại xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên

      Từ thực tế trên cho thấy bệnh khảm lá sẽ diễn biến phức tạp trong năm 2018 có khả năng gây hại trên diện rộng và khó kiểm soát do bệnh xuất hiện ngay từ giai đoạn cây con.

Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do bệnh khảm lá cây khoai mì gây ra, đề nghị các hộ trồng mì:

      1- Tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo huyện, xã;

      2- Không sử dụng cây khoai mì trên ruộng và trong vùng dịch bệnh khảm lá để trồng hoặc trao đổi, mua bán.

      3- Đối với diện tích mì đã bị bệnh khảm lá trong năm 2017:

  • Không trồng tái canh cây khoai mì và các cây ký chủ của bọ phấn trắng như cây thuốc lá, rau họ cà và bầu bí (dưa, bầu, bí, ớt, cà chua, cà pháo,…) trong vụ Đông Xuân 2017 – 2018.
  • Thực hiện luân canh, chuyển đổi sang một số cây trồng khác như sau:

      a) Cây mía: Diện tích mía niên vụ 2016 - 2017 của tỉnh Tây Ninh là 14.246 ha, ước sản lượng đạt khoảng 1.090.000 tấn. Dự kiến diện tích mía vụ niên vụ 2017 – 2018 là 18.000 ha, trong đó, diện tích mía trồng mới dự kiến khoảng 7.000 ha để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh. Do vậy, các hộ sản xuất có nhu cầu chuyển đổi sang trồng mía cần liên hệ với các nhà máy đường trên địa bàn để hợp đồng đầu tư và tiêu thụ.

       b) Cây ăn quả (bưởi da xanh, dứa Queen, chanh dây, xoài cát chu): Các hộ sản xuất có nhu cầu chuyển đổi sang mô hình trồng cây ăn quả, cần liên hệ Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh) để được hướng dẫn, tư vấn liên kết, tiêu thụ sản phẩm trước khi quyết định chuyển đổi.

       c) Cây điều: Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1.007 ha điều (năm 2016), sản lượng điều đạt 1.703 tấn. Tây Ninh có 34 cơ sở chế biến hạt điều với năng lực chế biến 100 ngàn tấn/năm, trong khi đó những năm qua Tây Ninh phải mua từ tỉnh khác hoặc nhập khẩu để phục vụ cho chế biến. Nhu cầu nguyên liệu điều của tỉnh Tây Ninh rất lớn, sản xuất và tiêu thụ xuất khẩu nhân điều giá cả khá ổn định; giống và kỹ thuật canh tác điều có những bước đột phá mạnh mẽ, nhất là năng suất bình quân 2,5 tấn hạt/ha/năm tăng gấp đôi so với giống điều trồng hạt trước đây. Nhằm  đáp ứng nhu cầu phát triển nguyên liệu điều cho các cơ sở chế biến hạt điều trên địa bàn tỉnh thay thế nhập khẩu nguyên liệu, phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, cây điều là sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tiềm năng lớn, Tây Ninh có thể phát triển khoảng 10.000 - 20.000 ha từ nay đến năm 2020. Ngành nông nghiệp đang phối hợp với Công ty trên địa bàn tỉnh để đầu tư và tiêu thụ điều, do đó các hộ sản xuất có nhu cầu liên hệ Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh) để được hướng dẫn chuyển đổi sang mô hình trồng điều giống mới, tư vấn liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, tùy theo điều kiện sản xuất của nông hộ, tình hình thị trường,… có hộ sản xuất có thể lựa chọn chuyển đổi sang các cây trồng ngắn ngày phổ biến khác như rau, đậu.

     4- Trường hợp người dân có kế hoạch trồng khoai mì trên diện tích chưa nhiễm bệnh khảm lá trong năm 2017: Cần kiểm soát tốt nguồn giống để trồng, khuyến cáo sử dụng giống KM 94 (đây là loại giống ít nhiễm bệnh trong năm 2017), hạn chế trồng các giống nhiễm bệnh nặng như KM 419, KM 140 và không trồng giống HL-S 11 do mẫn cảm với bọ phấn trắng./.

 

Chi cục Trồng trọt và BVTV

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây