Hiệu quả từ mô hình chuyển đổi cây trồng theo định hướng phát triển một số loại cây ăn quả nhiệt đới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ hai - 16/07/2018 23:00 665 0
Trong những năm gần đây giá cả sản phẩm một số cây trồng truyền thống giảm và một số vùng đất sản xuất những loại cây trồng khác kém hiệu quả, nông dân đã tự chuyển đổi sang các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn. Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã xác định hệ thống cây trồng chủ lực của tỉnh theo hướng giảm diện tích các cây trồng truyền thống như lúa, mì, cao su để phát triển mạnh cây trồng phục vụ tiêu dùng trong nước, chế biến và xuất khẩu (rau quả, mía, cây ăn trái) theo hướng sản phẩm an toàn...

Trong những năm gần đây giá cả sản phẩm một số cây trồng truyền thống giảm và một số vùng đất sản xuất những loại cây trồng khác kém hiệu quả, nông dân đã tự chuyển đổi sang các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn. Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã xác định hệ thống cây trồng chủ lực của tỉnh theo hướng giảm diện tích các cây trồng truyền thống như lúa, mì, cao su để phát triển mạnh cây trồng phục vụ tiêu dùng trong nước, chế biến và xuất khẩu (rau quả, mía, cây ăn trái) theo hướng sản phẩm an toàn. Từ thực trạng trên và nhu cầu thực tế, Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến năm 2020 nhằm tăng thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất, làm tăng lợi thế cạnh tranh, cung cấp sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của địa phương, hướng tới cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất, làm tăng lợi thế cạnh tranh, cung cấp sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của địa phương, từng bước hình thành vùng nguyên liệu sản phẩm chất lượng cao phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Với lợi thế về khí hậu thời tiết như số giờ nắng, tổng tích ôn, nhiệt độ bình quân... thích hợp cho việc sinh trưởng và phát triển các loại cây ăn quả nhiệt đới. Việc chuyển đổi diện tích các cây trồng như lúa, mì, cao su sang phát triển mạnh cây trồng có hiệu quả kinh tế cao phục vụ tiêu dùng trong nước, chế biến và xuất khẩu (mía, rau quả, cây ăn trái), cụ thể: đến năm 2020 sẽ chuyển đổi 40.000 ha cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn, tập trung vào các loại cây ăn quả nhiệt đới có thế mạnh tại địa phương. Trong đó, 10% diện tích chuyển đổi cây trồng đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Các loại cây ăn quả có quy mô lớn ở Tây Ninh gồm mãng cầu, xoài, nhãn, chuối, cây có ăn quả có múi… Trong đó, các loại cây ăn quả đặc sản được xác định nằm trong hệ thống cây trồng chủ lực gồm: mãng cầu, chuối, xoài (cát Chu), bưởi; do các cây trồng này có nhiều ưu thế như: là cây trồng truyền thống, có thương hiệu nổi tiếng cả nước (mãng cầu), tỷ suất lợi nhuận và thu nhập cao, có nhiều cơ hội xuất khẩu. Đây là những mặt hàng có nhiều lợi thế khi hội nhập (TPP) bởi nhiều loại trái cây nhiệt đới phù hợp điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nên có chất lượng cao, giá thành sản xuất thấp (trong đó có mãng cầu, chuối, xoài, bưởi…).

Để định hướng cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ cho người trồng cây an quả trên địa bàn như: Chính sách hỗ trợ cánh đồng lớn, chính sách hỗ trợ các dự án đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…, hỗ trợ thực hành nông nghiệp tốt (GAP) cho nông dân trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh.

Để giải quyết đầu ra nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cây ăn quả, tỉnh Tây Ninh có chính sách kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực sơ chế, chế biến rau quả, đến nay trên địa bàn đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sơ chế, chế biến và tiêu thụ rau quả trên địa bàn như: nhà máy chế biến nông sản Lavifood, Công ty TNHH MTV Nam Trạng, Công ty cổ phần Doanh Nhân…và một số doanh nghiệp đang khảo sát chuẩn bị đầu tư vào địa bàn. Các nhà máy khi đầu tư vào Tây Ninh đã tiến hành ký kết hợp đồng tiêu thụ và ký quỹ ngân hàng để đảm bảo hợp đồng với người sản xuất làm cho người nông dân càng yên tâm hơn khi đầu tư vào trồng các loại cây ăn quả trên địa bàn.

Đến nay, diện tích một số loại cây ăn quả chủ lực trên địa bàn ngày càng tăng cao như: Mãng cầu: 4.738/ 5.117 ha;  Chuối: 1.758/ 6.000 ha;  Xoài: 2.366/ 3.826ha;  Cây bưởi: 706/ 1.500ha; cây nhãn 3.373 ha; chôm chôm: 1.024 ha, Dứa: 500 ha; chanh dây: 400 ha… Đã có một số nông dân đầu tư vào vườn cây ăn quả có quy mô lớn (10 – 80 ha) và có ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm như: Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Nguyễn Quang Sáu, Huy Long An, Nguyễn Văn Còn, Ông nguyễn Thanh Cường…

Theo đánh giá của người sản xuất, trong năm 2017 lợi nhuận từ các mô hình trồng cây ăn quả nhiệt đới trên địa bàn từ 100 triệu đồng/ha/năm trở lên, cao hơn nhiều và ổn định do giá khi có ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm so với các loại cây trồng khác như: cây chuối (>400 triệu do giá bán hiện nay khá cao); cây bưởi (150 triệu); mãng cầu (120 triệu); xoài tứ quý (100 triệu) riêng đối với cây chuối do hiện nay giá thu mua khá cao (18.000 – 20.000 đ/kg) nên hiện nay người trồng chuối đạt lợi nhuận >300 triệu đồng/ha/năm. Điều này cho người nông dân ngày càng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo mục tiêu mà đề án đã đề ra.

Bên cạnh những thuận lợi trên, việc sản xuất các loại cây ăn quả nhiệt đới còn gặp một số khó khăn như:

     - Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chỉ có cơ sở kinh doanh các giống cây ăn quả là chủ yếu, không có các cơ sở sản xuất giống. Tình trạng nông dân sử dụng giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng kém vẫn còn phổ biến.

     - Do nhận thức của một bộ phận người sản xuất còn hạn chế, nên một số hộ nông dân chưa tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, chất lượng chưa được đảm bảo;

     - Thị trường tiêu thụ sản phẩm trái cây của nông dân chủ yếu là trong tỉnh, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận. Một số sản phẩm được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài nhưng với sản lượng nhỏ và phải qua doanh nghiệp trung gian nên không có thương hiệu và giá trị không cao. Người sản xuất không nắm được yêu cầu của thị trường, sản phẩm chưa thể truy nguyên nguồn gốc xuất xứ. Công nghệ bảo quản sau thu hoạch chưa được quan tâm nên rất khó mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là xuất khẩu.

Để giải quyết những khó khăn trên, trong thời gian tới ngành nông nghiệp đang triển khai các giải pháp để hỗ trợ cho ngươi sản xuất như:

     + Kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực sơ chế, chiến biến trái cây, quan tâm đến việc nghiên cứu, xây dựng quy trình bảo quản.

     + Định hướng sản xuất cho nông dân bằng cách thành lập các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

     + Tăng cường công tác quản lý việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực sản xuất cây giống để chủ động nguồn giống phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng tại địa phương.

     + Đẩy mạnh việc áp dụng TBKT vào sản xuất, nhất là các biện pháp rãi vụ sản xuất để giảm thiểu ảnh hưởng do sản lượng thu hoạch tập trung nên khó tiêu thụ. Hỗ trợ nông dân sản xuất theo quy trình GAP, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm.

Đối với người sản xuất, để ổn định đầu ra cho sản phẩm và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ cần tuân thủ những yêu cầu sau:

     +  Đảm bảo tuân thủ theo các điều khoản khi ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

     + Tuân thủ theo đúng quy trình đã được hướng dẫn hoặc theo yêu cầu của doanh nghiệp tiêu thụ.

     + Tổ chức liên kết tạo thành lập các Tổ liên kết, Tổ hợp tác hoặc Hợp tác xã để nâng cao lợi thế trong quá trình đàm phán, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ đẩy mạnh phát triển diện tích cây ăn trái nhiệt đới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, ổn định thu nhập cho người nông dân để ngành nông nghiệp phát triển bền vững như mục tiêu của đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh đề ra./.

 Phòng Trồng trọt

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây