Ứng dụng cơ giới hóa để nâng cao sản xuất mía

Thứ hai - 23/10/2017 23:00 495 0
Để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động đúng công suất thiết kế thì cần thiết phải tăng năng xuất cây mía trên cơ sở đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất cây mía, đó là cơ giới hóa ở các khâu như cày bừa, trồng mới, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch mía bằng máy đã tạo nên mô hình cơ giới hóa đồng bộ, giảm chi phí đáng kể trong canh tác mía.

        Mía là cây trồng có giá trị kinh tế cao, là một trong những cây trồng có thế mạnh của tỉnh Tây Ninh. Ðã hai mươi năm, kể từ khi Tây Ninh thực hiện công nghiệp hóa ngành chế biến mía đường, gắn liền sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, giúp hàng chục nghìn hộ nông dân ổn định cuộc sống với nghề trồng mía, tuy nhiên bà con nông chưa ứng dụng nhiều với việc đưa cơ giới hóa hoàn toàn vào sản xuất cây mía.

       Từ những năm 1997 sản xuất mía chỉ có khâu làm đất là cơ giới hóa nên năng suất bình quân chỉ từ 45-50 tấn/ha. Để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động đúng công suất thiết kế thì cần thiết phải tăng năng xuất cây mía trên cơ sở đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất cây mía, đó là cơ giới hóa ở các khâu như cày bừa, trồng mới, phun thuốc bảo vệ thực vật, việc thu hoạch mía bằng máy đã tạo nên mô hình cơ giới hóa đồng bộ, giảm chi phí đáng kể trong canh tác mía.

       Bước đầu Công ty cổ phần mía đường Thành Thành Công, nông trường Mía Thành Long đã từng bước trang bị cơ giới hóa đồng bộ trong thâm canh cây mía giúp người nông dân không phụ thuộc nhiều vào công lao động khi mùa vụ trồng chăm sóc và thu hoạch.

        Phát triển cây mía bền vững cần cơ giới hóa đồng bộ, theo thống kê năng suất thực thụ trên những cánh đồng lớn áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đã đưa năng suất đạt bình quân 100 tấn/ha, cá biệt 120 tấn/ha, cao hơn những diện tích đầu tư cơ giới không đồng bộ từ 10 - 20 tấn/ha và cao hơn diện tích canh tác truyền thống từ 30 - 40 tấn/ha.


Trồng mía bằng cơ giới

       Để ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất mía thuận lợi và hiệu quả thì máy móc, thiết bị cần có sự đầu tư đồng bộ và tổ chức khai thác sử dụng hợp lý.

       Tưới mía là một trong những khâu quan trọng trong việc làm tăng năng suất, chất lượng mía, vì cây mía là cây cần nước, nước chiếm tỷ lệ trên 70% khối lượng cây mía lúc thu hoạch; việc cung cấp đủ nước, đúng thời điểm cho cây mía phát triển tốt là công việc cần thiết để nâng cao năng suất và chất lượng mía. Hiện nay, các Công ty mía đường đã đầu tư xây dựng các hệ thống tưới tiên tiến công nghệ cao giúp tiết kiệm công lao động và thời gian tưới như hệ thống tưới phun mưa, hệ thống tưới nhỏ giọt và hệ thống tưới Center Pivot.

       - Hệ thống tưới phun mưa: Là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất hiện nay giúp giảm công tưới và thời gian tưới, chi phí đầu tư tương đối thấp thời gian sử dụng có thể lên đến 5-6 năm nhưng phải có máy bơm áp lực cao và chất lượng tưới phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết như vận tốc gió. Hiện nay, các Nhà máy đã có chương trình hỗ trợ không hoàn lại từ 8 – 14 triệu đồng cho nông dân trồng mía xây dựng hệ thống tưới phun ống ngầm béc nổi hoặc hệ thống ống nổi béc nổi nhằm tăng năng suất và chất lượng của cây mía.

       - Hệ thống tưới nhỏ giọt: Là phương pháp tưới tiết kiệm nước, phù hợp với những vùng đất khô hạn, khan hiếm nước. Các vòi nhỏ giọt được bố trí trên mặt đất xung quanh gốc hoặc dọc theo hàng cây trồng, hoặc bố trí ngầm dưới mặt đất sát cây trồng. Nước tưới được cung cấp vào vùng rễ phát triển, giảm thiểu sự bốc hơi nước, giúp tăng khả năng trao đổi khí của rễ cây cao hơn so với tưới phun mưa. Nhưng hệ thống tưới dễ bị nghẽn do cặn trong nước nên yêu cầu phải có bộ lọc nước và không có khả năng cải tạo được ẩm độ không khi như hệ thống tưới phun mưa.

       - Hệ thống tưới Center Pivot: Đây là hệ thống tưới hiện đại nhất với chiều dài giàn tưới là 500 m, với công suất tưới trung bình là 04 ha mía trong 01 giờ, có khả năng cải tạo ẩm độ không khí. Cây trồng nhận được nước thường xuyên với một lượng phù hợp và đều khắp trên toàn bộ cánh đồng. Hệ thống có thể kiểm soát lịch trình tưới tiêu cũng như lượng nước cần cung cấp mỗi lần cho cây. Đây là một trong các giải pháp có hiệu quả cho các vùng đất khô hạn có lượng nước ít ỏi. Tuy nhiên, hệ thống này có chi phí đầu tư cao với 4 tỷ đồng/giàn và chỉ phù hợp với những khu vực canh tác rộng và bằng phẳng thì cánh tay tưới mới di chuyển đều khắp cánh đồng mà không gặp bất cứ trở ngại nào.

         Ngoài ra, các Công ty mía đường còn đầu tư hệ thống máy cày hiện đại, công suất lớn và thiết bị cày sâu không lật với những ưu điểm vượt trội như khả năng cày sâu từ 35 -50 cm hoàn toàn. Phương pháp cày sâu giúp phá vỡ tầng đế cày, giúp đạt độ tơi đất cao, giúp bộ rễ ăn sâu hơn, giữ ẩm tốt hơn, giúp cây mía hấp thu được nhiều dinh dưỡng trong đất, tăng khả năng chống chịu khô hạn và đồng thời tăng khả năng chống đổ ngã cho cây mía, đảm bảo chất lượng, năng suất, thuận lợi cho thu hoạch.


Cơ giới hóa trong khâu thu hoạch


Hệ thống tưới Center Pivot

          Bên cạnh đó, nông dân đã áp dụng quy trình canh tác mía phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ giới hóa theo hướng đồng bộ các khâu nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất.

Trong sản xuất, doanh nghiệp hổ trợ nông dân xây dựng cánh đồng lớn theo chủ trương của Nhà nước phù hợp việc cơ giới hóa đồng bộ từ khâu trồng đến thu hoạch.

           Các mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong trồng mía đã khẳng định hiệu quả hơn canh tác mía truyền thống. Đây chính là tiền đề để nông dân các vùng nguyên liệu xây dựng thêm các mô hình nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả cho người trồng mía.

                                                                                                                             Trạm Trồng trọt và BVTV Tân Biên

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây