Thực trạng mô hình trồng cây chanh dây trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ hai - 14/05/2018 17:00 179 0

I. Hiện trạng sản xuất cây chanh dây:

Tại Tây Ninh, chanh dây giống tím (Đài Nông 1) là loại cây trồng mới được một số hộ dân lựa chọn chuyển đổi sản xuất từ đầu năm 2017 đến nay để thay thế cho cây cao su, mì,…

- Về diện tích sản xuất: Năm 2017, diện tích sản xuất chanh dây toàn tỉnh là 164 ha, trồng tập trung và chủ yếu tại các hộ có diện tích lớn trên địa bàn các huyện như: Tân Biên (97 ha), Tân châu (52 ha), Bến Cầu (05 ha) và Dương Minh Châu (01 ha); đến tháng 5/2018, diện tích sản xuất chanh dây toàn tỉnh khoảng 120 ha trên địa bàn 02 huyện Tân Châu (90 ha) và Tân Biên (30 ha). Năng suất tại một số hộ sản xuất đạt khoảng 20 tấn/ha và độ ngọt theo kết quả kiểm tra của 02 công ty Lavifood và Đồng Giao Ninh Bình đều đạt 16,8%.

- Về tình hình sinh vật gây hại: Chanh dây là loại cây trồng mới thử nghiệm, nông dân và nhân viên kỹ thuật chưa có kinh nghiệm về lựa chọn nguồn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, làm giàn, tỉa cành tạo tán cũng như biện pháp phòng trừ các đối tượng gây hại. Từ nguồn giống chưa được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng; có thể cây chanh dây chưa thích nghi về điều kiện sinh thái, sức chống chịu kém nên sâu, bệnh hại phát sinh nhiều; kinh nghiệm kiểm soát sinh vật gây hại chưa có, do vậy sau khi cây chanh dây cho trái 01 tháng thì các vườn bắt đầu bùng phát sâu bệnh, kết hợp: điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn thích hợp cho nhóm côn trùng chích hút phát sinh và làm môi giới truyền bệnh, cũng như việc chưa chú trọng vệ sinh dụng cụ làm vườn hoặc xử lý chưa đúng (sử dụng thuốc trừ nấm bệnh để nhúng kéo cắt cành) ngay từ đầu vụ đã tạo điều kiện cho bệnh virus lây lan nhanh tại các vườn. Bệnh virus đã gây ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng chanh ở giai đoạn cho trái. Bên cạnh đó, một số dịch hại khác như: nhện trắng, ruồi đục quả, bệnh đốm xám, đốm dầu, thối trái do nấm Phytophthora sp., bệnh lỡ cổ rễ (thối gốc, rễ) xuất hiện gây hại trên các vườn chanh. Đây có thể là nguyên nhân làm năng suất chanh dây tại các hộ không đạt.

Chanh dây là loại cây trồng mới lần đầu tiên phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh nên quá trình canh tác loại cây trồng này gặp phải những khó khăn như:

+ Chưa xác định được điều kiện sinh thái tại Tây Ninh có phù hợp để trồng chanh dây, cũng như thời vụ, loại giống để trồng.

+ Chưa có đầy đủ thông tin về nơi cung cấp nguồn giống đảm bảo chất lượng, nông dân nhập giống từ nước ngoài về thông qua doanh nghiệp nhập khẩu  nên nguồn giống chưa được kiểm soát.

+ Chưa có kinh nghiệm sản xuất từ khâu làm đất, kỹ thuật trồng, chăm sóc,  làm giàn, nhận biết và quản lý các đối tượng gây hại kịp thời, nhất là bệnh do virus; chưa áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất để giảm thiểu công lao động phổ thông;…

Từ những khó khăn trên dẫn đến chi phí đầu tư sản xuất cây chanh dây cao nhưng năng suất thấp, hiệu quả kinh tế thấp, hầu hết các điểm làm mô hình đều không hoàn được vốn đầu tư.

Do vậy, mô hình trồng chanh dây giống tím (nhập nội giống từ Đài Loan) chưa xác định được hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, cần tiếp tục đánh giá thêm và ngành chuyên môn chưa khuyến cáo nông dân phát triển mở rộng sản xuất.

Trong thời gian tới, đề nghị  công ty Lavifood nếu muốn phát triển nguyên liệu cây chanh dây trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cần tiếp tục thử nghiệm xây dựng mô hình điểm về giống (chanh vàng, chanh tím), kỹ thuật trồng, mùa vụ sản xuất có tham vấn hỗ trợ của chuyên gia và kiểm soát chặt nguồn giống nhập nội để tiếp tục đánh giá. Mô hình nếu thành công, ngành sẽ phối hợp nhân rộng sản xuất cho các nông dân tham quan học tập và liên kết sản xuất để từng bước hình thành vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh.

 

Chi cục Bảo vệ thực vật

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây