Người giữ mía trên đất gò

Thứ năm - 10/10/2013 15:55 331 0

 

 

       Xuôi về hướng "ngã tư khu vực", chúng tôi tìm đến nhà ông Đặng Văn Hùng ở ấp 2 xã Suối Dây, huyện Tân Châu để tìm hiểu về mô hình canh tác cây mía trên đất Gò vùng đất vốn không phải là chỗ đứng của cây mía trong những năm gần đây. Khá bất ngờ khi trang trại mía với quy mô hơn 30 ha của ông Hùng  nằm ẩn mình trong những vườn cao su cao vút lại được trang bị hệ thống điện, thiết kế đường lô, đường ống dẫn nước tưới không thua gì một trại chuyên sản xuất mía giống.

Ông Hùng chia sẻ, ông bắt đầu khởi nghiệp trồng mía từ những năm 1993, sau khi rời quân ngũ, ông được Ban chỉ huy quân sự tỉnh cho nhận 85 ha đất trồng mía sau đó giao nộp một phần sản phẩm để trả tiền thuê đất. Khi nhà máy đường Bourbon Tây Ninh thành lập, ông tiếp tục được đầu tư bằng hình thức tín chấp để tiếp tục nghiệp trồng mía, qua hơn 20 năm trồng mía, cũng có những lúc khó khăn do giá mía thấp bị thua lỗ nhưng với ý chí và nghị lực của một anh bộ đội cụ Hồ, ông đã mạnh dạn đầu tư và hăng say cải tạo để có được trang trại mía như ngày hôm nay.

Để phát triển được cây mía trên đất Gò ông Hùng đã chú trọng vào ba vấn đề đó là nước tưới, chế độ phân bón và giống. Trong đó ông đã tập trung chủ động khâu tưới nước cho mía bằng cách hạ thế đường điện, đưa điện vào phục vụ tưới cho mía, bên trong ông thiết kế hệ thống đường lô và đường ống nước dẫn tới các lô thuận lợi cho việc tưới nước đồng thời phòng ngừa những trường hợp mía bị cháy. Vấn đề phân bón và giống mía cũng được ông đặc biệt quan tâm, do vùng đất Gò nên ngoài việc thiết kế hệ thống tưới để chủ động nguồn nước tưới ông đã tìm kiếm những nguồn phân hữu cơ như vỏ củ mì từ các nhà máy mì mua về với giá rẻ, ông xử lý cho phân hoai bằng cách ủ lại từ 1 đến 2 tháng sau đó mới đưa ra sử dụng. Với cách làm này ông đã tiết kiệm được một phần chi phí để đầu tư vào việc khác. Là người có nhiều năm gắn bó với cây mía nên ông rất quan tâm đến giống mía, ở đâu có giống mới là ông tìm đến tìm hiểu sau đó mua về trồng thử nghiệm nếu thấy phù hợp thì nhân rộng ra sản xuất đại trà.

Ngoài nước tưới, giống, phân bón, kỹ thuật canh tác cũng được ông chú trọng, đặc biệt là áp dụng cơ giới hóa vào khâu chăm sóc. Toàn bộ phân bón ông sử dụng cho mía được bón trong điều kiện đất đủ ẩm và vùi lấp sau khi bón. Còn ở những vùng đất khô, với kinh nghiệm trồng mía lâu năm, ông chú ý việc rạch hàng sâu nhưng khi đặt hom thì lấp cạn sau đó tưới bằng dây tưới phun để cây mía nảy mầm nhanh và đều, đảm bảo cây mía khỏe ngay từ lúc đầu.

       Vụ thu hoạch 2012-2013 ông trồng tổng cộng 36 ha mía trong đó có 2 giống mía mới là KPS 0125 và K99-72 bước đầu thấy có năng suất cao, dự kiến giống KPS 0125 có thể đạt năng suất từ 140-150 tấn/ha. Với sự nổ lực không ngừng, lòng đam mê đối với cây mía, ông Hai Hùng đã tạo dựng nên một hệ thống canh tác mía trên đất Gò với hệ thống nước tưới bằng điện lưới hạ thế, hệ thống canh tác dựa trên nền tảng phân hữu cơ từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp, ông xứng đáng là tấm gương sáng của ngành nông nghiệp Tây Ninh.

                                                                            Ks. Đặng Tiến Dũng

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây