Rệp sáp bột hồng hại cây mì

Thứ năm - 10/10/2013 16:25 236 0

 * NGUỒN GỐC PHÁT SINH VÀ TÌNH HÌNH GÂY HẠI CỦA RỆP SÁP BỘT HỒNG.

+ Trên Thế giới:

       Rệp sáp bột hồng (có tên khoa học Phenacoccus manihoti, thuộc Họ Pseudococcidae và bộ Homoptera) có nguồn gốc phát sinh ở Pagaguay (Nam Mỹ), sau đó dịch hại này đã di thực đến nhiều nơi trên thế giới. Năm 1973, chúng được phát hiện ở phía Tây Châu Phi (Congo, Zaire) và nhanh chóng lan sang các vùng khác của lục địa này. Trong những năm 1980, loài này được xem là dịch hại quan trọng nhất của cây khoai mì (sắn) ở Châu Phi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực và kinh tế khu vực. Ở một số vùng, rệp sáp bột hồng gây thiệt hại từ 80 - 84 % năng suất. Trong năm 2006, loài này đã được ghi nhận lần đầu tiên tại châu Á, hình thành quần thể trên ruộng mì (sắn) gần Rayong (Miền Nam Thái Lan), sau đó lan sang hầu hết các vùng trồng mì (sắn) khác của Thái Lan và gây thiệt hại ước tính từ 20 - 40% năng suất. Năm 2010, rệp sáp bột hồng đã được ghi nhận tại một số vùng trồng mì (sắn) của Campuchia, Lào và Indonesia. Vì điều kiện khí hậu phù hợp đối với sự sinh trưởng và phát triển nên nhiều nhà khoa học cho rằng loài dịch hại này có khả năng sẽ lan truyền tới các vùng trồng mì (sắn) khác trong khu vực Đông Nam Á.

+ Ở Việt Nam:

       Rệp sáp bột hồng được ghi nhận xuất hiện và gây hại đầu tiên tại tỉnh Tây Ninh thuộc miền Nam Việt Nam vào năm 2012. Sau đó, loài này cũng được ghi nhận xuất hiện ở một số tỉnh khác thuộc miền Đông Nam Bộ như Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu; đồng thời cũng đã xuất hiện ở một số tỉnh miền Trung và phía Bắc qua con đường vận chuyển hom giống.

+ Tại Tây Ninh:

Năm 2012, toàn tỉnh có 168,7 ha mì bị nhiễm rệp sáp bột hồng tại 19 xã, thị trấn thuộc 5 huyện, thị: Tân Biên (51,8 ha), Dương Minh Châu (45 ha), Thị xã Tây Ninh (37,7 ha), Tân Châu (25,9 ha) và Châu Thành (8,3 ha).  

Năm 2013, tính đến ngày 13/6/2013, toàn tỉnh có 1.077,2 ha mì bị nhiễm rệp sáp bột hồng tại 36 xã trên địa bàn 8/9 huyện, thị: Dương Minh Châu (300),Tân Châu (237,8 ha), Châu Thành (175,3 ha), Tân Biên (140,9 ha), Thị xã (161 ha), Bến Cầu (26,2 ha), Gò Dầu (20 ha) và Hòa Thành (16 ha). Phân theo mức độ nhiễm: <30%, 665,6 ha; 30 – 70%, 308,7ha và >70%, 102,9 ha.

       Rệp sáp bột hồng là dịch hại mới lần đầu tiên xuất hiện gây hại, là dịch hại nguy hiểm, có tốc độ lây lan nhanh và khó phòng trừ. Được sự đồng ý của Cục bảo vệ Thực vật, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 968/QĐ-UBND, ngày 28 tháng 5 năm 2013 về việc công bố dịch rệp sáp bột hồng hại mì (sắn) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Ngành nông nghiệp và các cơ quan có liên quan đang tập trung cho công tác phòng chống dịch hại trên địa bàn tỉnh.

* ĐẶC ĐIỂM HÌNH THÁI, GÂY HẠI VÀ PHƯƠNG THỨC PHÁT TÁN.

Đặc điểm sinh học:

       Trứng rệp sáp bột hồng hình ô-van thuôn dài, lúc mới đẻ màu trong hơi vàng, sau chuyển thành màu vàng hồng. Trứng dài 0,3-0,75 mm, rộng 0,15-0,3 mm. Trứng đơn nằm trong các túi trứng bao phủ kín bằng lông mịn và nằm ở điểm cuối phía sau của trưởng thành cái.

       Rệp non hình ô-van, trải qua 3 tuổi, rệp tuổi 1 màu hồng có 6 đốt râu đầu, di chuyển nhanh nhẹn; các tuổi tiếp theo kích thước cơ thể tăng dần, râu đầu có 9 đốt.

       Rệp trưởng thành cái cũng có dạng hình ô-van, màu hồng và bao phủ bởi lớp sáp bột màu trắng, mắt kép lồi, chân phát triển. Kích thước rệp trưởng thành dài 1,1- 2,6 mm rộng 0,5- 1,4 mm. Các đốt của cơ thể rệp sáp hồng rất rõ ràng. Xung quanh mép thân và phần cuối bụng mang các tua sáp trắng rất ngắn. Râu đầu thường có 9 đốt.

       Ở điều kiện nhiệt độ môi trường khoảng 28oC, thời gian phát triển từ trứng đến trưởng thành đẻ trứng (vòng đời) khoảng 33 ngày.

       Mỗi trưởng thành cái có thể đẻ 300-500 trứng.

       Cũng như một số loài rệp sáp giả khác, Rệp sáp bột hồng có khả năng sinh sản đơn tính, trưởng thành cái không cần giao phối vẫn có thể đẻ trứng và trứng vẫn nở thành con.

Đặc điểm gây hại:

       Rệp sáp bột hồng tấn công đỉnh sinh trưởng của cây khoai mì, hút nhựa cây gây hiện tượng chùn ngọn. Ngọn chính bị gây hại dẫn đến cây sắn bị lùn. Trên lá, rệp bám ở mặt sau lá, gây hại làm các lá sắn bị xoăn, biến vàng. Khi bị nhiễm với mật độ cao, lá cây sắn khô giòn, có thể bị rụng toàn bộ lá, làm giảm năng suất củ sắn tới 80-84%.

       Rệp sáp bột hồng phát sinh phát triển mạnh trong các tháng mùa khô và các tháng có lượng mưa thấp (<30 mm).

       Trong quá trình sinh sống, Rệp sáp bột hồng sống cộng sinh với một số loài kiến; rệp phát sinh phát triển mạnh trong các tháng mùa khô.

Cây ký chủ:

       Theo tài liệu nước ngoài, ngoài ký chủ chính là cây khoai mì, rệp sáp bột hồng còn được phát hiện gây hại trên cây cao su, cây trạng nguyên, cây nam sâm, cói lác và cây bái chổi (bái nhọn).

Phương thức lây lan:

       Rệp sáp bột hồng có thể tồn tại trên tất cả các bộ phận của cây khoai mì (gốc, thân, lá, đỉnh sinh trưởng), rệp non mới nở bò rất nhanh nên dễ dàng bị cuốn theo gió.

       Rệp sáp bột hồng lây lan qua hom giống, phát tán theo gió, trôi theo nguồn nước, kiến, bám dính trên cơ thể động vật, người, công cụ lao động và phương tiện vận chuyển,…

       Nông dân chưa vệ sinh đồng ruộng kỹ trước khi trồng. Đa số nông dân có tập quán băm nhỏ thân và tàn dư thực vật cây mì vụ trước vùi vào đất; hoặc thu gom thân mì vụ trước đặt xung quanh bờ hay dọc theo lô cao su giai đoạn 1 – 3 năm tuổi nếu trồng xen. Đây là một trong số nguyên nhân chính làm phát tán dịch hại từ vụ trước.  

* BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ.

       Rệp sáp bột hồng là dịch hại mới xuất hiện gây hại ở Việt Nam khoảng 2 năm trở lại đây nên chưa có các kết quả nghiên cứu đầy đủ về dịch hại này. Tuy nhiên, để hạn chế tác hại của rệp sáp bột hồng, bà con nông dân cần áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) như sau:

Biện pháp canh tác:

- Về thời vụ trồng, nên trồng sớm vào đầu mùa mưa.

- Vệ sinh đồng ruộng, cày đất kỹ để loại trừ nguồn rệp sáp bột hồng, tàn dư thực vật, cỏ dại.

- Chọn các hom giống mì không bị nhiễm rệp sáp bột hồng để trồng.

- Trồng khoai mì với mật độ hợp lý để ruộng thông thoáng; Bón phân đầy đủ, cân đối để cây mì sinh trưởng phát triển tốt tăng khả năng chống chịu dịch hại.

- Diệt sạch cỏ dại, cây ký chủ phụ trong ruộng để không có nơi cư trú của rệp.

- Ngoài ra, biện pháp luân canh cây mì với các cây trồng khác như: đậu, lúa,…có thể giảm nguy cơ xuất hiện của rệp sáp bột hồng.

Biện pháp sinh học:

- Nhân nuôi và phóng thích ra đồng ruộng ong ký sinh Anagyrus lopezi để kiểm soát rệp sáp bột hồng hại mì hiệu quả và bền vững.

- Bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi để các côn trùng ăn thịt - thiên địch trên đồng ruộng như: Bọ rùa vệt đen, bọ rùa đỏ, bọ cánh gân, bọ xít đỏ, nhện, .... để kiểm soát rệp.

- Ngoài ra, có thể sử dụng nấm trắng (Beauveria bassiana), nấm xanh (Metarhizium anisopliea)  để kiểm soát rệp sáp bột hồng.

* Lưu ý: Hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật tại vùng phóng thích ong ký sinh để bảo vệ đàn ong sinh sống và thành lập quần thể.

Biện pháp hóa học:

- Xử lý hom giống mì trước khi trồng bằng cách ngâm trong dung dịch thuốc bảo vệ thực vật từ 5 – 10 phút với một trong số hoạt chất:

+ Thiamethoxam: 4 gram/20 lít nước.

+ Imidacloprid:    4 gram/20 lít nước.

+ Dinotefuran:     40 gram/20 lít nước.

       Khi phát hiện rệp sáp bột hồng trên đồng ruộng, kết hợp điều kiện nắng nóng, rệp nhân nhanh mật số và mật số thiên địch trên ruộng thấp thì có thể phun trừ diện tích bị nhiễm rệp sáp bột hồng bằng các thuốc trừ sâu gốc Thiamethoxam hàm lượng hoạt chất 350 g/L dạng thành phẩm SC; gốc Imidacloprid hàm lượng hoạt chất 25% W/W, dạng thành phẩm WP; gốc Nitenpiram hàm lượng hoạt chất 50% W/W, dạng thành phẩm WP; gốc Dinotefuran hàm lượng hoạt chất 20% W/W, dạng thành phẩm WP. Sử dụng theo nồng độ khuyến cáo và phun với lượng dung dịch nước thuốc đã pha là 600 lít/ha; phun thuốc hóa học phải theo nguyên tắc 4 đúng và đảm bảo thời gian cách ly theo khuyến cáo trên bao bì.

                                                                                                                                              Kiều Trang – Chi cục BVTV

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây