Tình hình cơ gới hóa cây lúa tỉnh Tây Ninh

Thứ năm - 10/10/2013 22:55 388 0

 Tây Ninh là một tỉnh nông nghiệp với diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 63% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Trước nhu cầu tiêu thụ lương thực ngày càng tăng, đòi hỏi năng suất và sản lượng lúa ngày càng cao. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay yếu tố cạnh tranh thị trường là rất quan trọng. Thực hiện chủ trương chuyển dịch kinh tế nông nghiệp theo hướng thị trường của tỉnh, thì việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa ngày càng được chú trọng và bước đầu đã hình thành được những vùng chuyên canh như: Lúa, mía, mì, đậu phộng.       

 

 Riêng về cây Lúa, diện tích canh tác hiện nay trên địa bàn tỉnh là 154.184 ha (số liệu thống kê năm 2012), năng suất bình quân 50 tạ/ha, sản lượng 801.757 tấn. Cây lúa được xem là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, sản xuất liên tục trong năm; cơ cấu sản xuất đa dạng; thích hợp nhiều nhóm giống khác nhau như nhóm ngắn ngày năng suất cao, nhóm lúa chất lượng cao, nhóm lúa đặc sản.Trong thực tế sản xuất hiện nay khuyến cáo người nông dân xuống giống theo lịch thời vụ tập trung đồng loạt, né rầy. Vì thế, khâu cơ giới hóa là một trong những yếu tố quyết định đến năng suất cũng như chất lượng hạt lúa đặc biệt là khâu giảm tổn thất sau thu hoạch.

* HIỆN TRẠNG CƠ GIỚI HÓA VÀ THU HOẠCH TRÊN CÂY LÚA Ở TỈNH TÂY NINH.

+ Khâu làm đất.

Làm đất là một khâu quan trọng và nặng nhọc nhất không thể thiếu được trong canh tác cây trồng, nhằm mục đích duy trì và nâng cao độ phì của đất, tạo điều kiện cho sự sinh trưởng và phát triển của hạt giống và cây trồng. Tình hình áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, cụ thể như sau:

- Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 5.686 chiếc máy kéo các loại, trong đó: Thị xã Tây Ninh có 122 máy; Huyện Châu Thành có 1.578 máy; Huyện Tân Biên có 733 máy; Huyện Trảng Bàng có 621 máy; Huyện Tân Châu có 921 máy; Huyện Dương Minh Châu có 621 máy; Huyện Gò Dầu có 394 máy; Huyện Bến Cầu có 631 máy; Huyện Hòa Thành có 74 máy. Với mức độ trang bị động lực trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt bình quân là khoảng 1,43 CV/ha, chủ yếu sử dụng trong khâu làm đất.

- Theo kết quả điều tra nông hộ năm 2012 thì có khoảng 98% diện tích lúa áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất (cày, bừa,… bằng máy) và được sản xuất trên nền đồng ruộng có địa hình bằng phẳng, phù hợp với việc cơ giới hóa.

- Việc san phẳng đất ứng dụng công nghệ cao (công nghệ laser) hiện nay đã được ứng dụng tại một số địa phương trong khu vực, mang lại hiệu quả cao (giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, …) trong sản xuất lúa. Tuy nhiên công nghệ này chưa được áp dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh, do chi phí đầu tư ban đầu cao, người dân nhỏ lẻ khó có thể đầu tư.

+ Khâu gieo, cấy.

Do người dân của tỉnh tại một số vùng chuyên canh có diện tích gieo trồng lúa lớn, công làm đất cho kỹ đủ tiêu chuẩn để cấy rất tốn kém. Do đó nông dân ở đây có tập quán sạ lan, sạ lan có ưu điểm là không cần phải làm đất kỹ, năng suất sạ tay rất cao, một người sạ lúa giỏi có thể sạ được vài hecta trong một ngày. Nhưng nó có nhược điểm là tốn rất nhiều hạt giống (theo kết quả điều tra nông hộ thì cần từ 200 đến 250 kg/ha). Mặt khác, mật độ sạ quá dày như vậy dễ gây ra nhiều sâu bệnh cho cây lúa, khó thực hiện việc cơ giới hoá trong khâu làm cỏ, bón phân. Với việc trang bị máy sạ hàng trên địa bàn toàn tỉnh như hiện nay (98 dàn sạ hàng), chúng ta chỉ mới áp dụng cơ giới hóa được khoảng 5% tổng diện tích (công suất sạ 2 ha/ngày x 20 ngày/vụ), diện tích lúa sạ lan hiện nay còn rất lớn, khoảng 95 % diện tích.

So với tập quán sạ lan (gieo vãi) thì gieo thành hàng bằng máy sạ hàng đã đem lại lợi ích rất lớn (năng suất lúa tăng, tiết kiệm giống, làm cỏ dễ, chống đổ ngã, thuận lợi trong việc áp dụng cơ giới hóa các khâu tiếp theo), là nhân tố chủ lực của chương trình 3 giảm 3 tăng trong thâm canh tổng hợp lúa ở Tây Ninh, như vậy trong giai đoạn đến năm 2020 chúng ta cần quyết liệt tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của việc áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy, đồng thời dần dần thay đổi tập quán canh tác.

+ Khâu chăm sóc.

Tưới, tiêu nước: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 25.432 máy bơm nước các loại, việc tưới tiêu trong sản xuất lúa có nhiều thuận lợi, đa số người dân tận dụng vào hệ thống thủy lợi và nước trời, như vụ Hè Thu thường vào mùa mưa nên nông dân thường giảm chi phí bơm tưới. Ngoài ra, do mực thủy cấp thấp nên máy bơm người dân thường dùng là loại bơm hướng trục, bơm lùa có áp lực thấp nhưng lưu lượng lớn, rất ít khi dùng bơm áp lực cao vừa tốn kém lại ít hiệu quả.

Trong những thập niên qua, nhà nước đã đầu tư rất mạnh về công tác thủy lợi, các kênh chính đã được qui hoạch và một phần đê bao chống lũ đều đã được thi công khá hoàn thiện, nông dân chỉ lo các kênh nhánh, kênh nội đồng. Từ đó, các nông hộ dùng máy bơm gia đình, đa số là loại bơm hướng trục, động cơ vận hành dùng máy nổ là chính, chỉ các nông trường, trạm, trại hoặc tổ hợp tác sản xuất mới dùng bơm điện thuận lợi và có hiệu quả kinh tế hơn. Đa số nông hộ dùng máy nổ làm động cơ bơm nước, vì máy nổ rất cơ động, lại có thể liên hoàn làm nhiều việc khác ngoài bơm nước như: Vận chuyển, gắn lên máy tuốt lúa, chạy quạt cho máy sấy, kéo đinamô phát điện, vận hành máy xay xát nhỏ, v.v…

Theo kết quả điều tra nông hộ năm 2012, cho thấy có khoảng 54% số hộ sản xuất lúa tưới nước chủ động thông qua hệ thống kênh mương nội động, 38% số hộ sản xuất lúa tưới nước cho lúa bằng máy bơm. Như vậy tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong khâu tưới nước trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 92%.

+ Làm cỏ, bón phân và phòng trừ sâu bệnh.

Khoảng giữa khâu gieo cấy và thu hoạch, khâu chăm sóc lúa cũng rất quan trọng, nhưng hiện nay việc sản xuất lúa đa số là nông hộ nhỏ và vừa nên người dân vẫn dùng phương pháp thủ công ở các khâu như: Bón phân, làm cỏ, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật hoặc diệt cỏ bằng thuốc hóa học. Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2011. Số máy phun thuốc có động cơ của toàn tỉnh là 14.902 bình, mức độ cơ giới hóa đáp ứng được khoảng 61 % diện tích sản xuất.

Đến nay, có nhiều loại máy bón phân được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất lúa. Có loại dùng bón lót khi chưa gieo cấy lúc đang làm đất người ta dùng máy tung hoặc rải phân lân, phân hữu cơ trên mặt đồng khô rất thuận lợi. Nhưng khi bón phân đạm hoặc phân hỗn hợp NPK, DAP... cần bón đúng thời điểm theo chu kỳ sinh trưởng của cây lúa đã phát sinh một số bất cập như bón trên đồng ruộng ngập nước nên lượng phân bón thường bị bay hơi, cây lúa hấp thu không kịp bị xả trôi, v.v... theo “Báo cáo tại hội thảo cơ giới hóa nông nghiệp phục vụ sản xuất lúa gạo hàng hóa – mô hình cánh đồng mẫu lớn” do Bộ Nông nghiệp tổ chức tháng 04/2012 thì các nhà khoa học đã tính toán và cho thấy mức độ hao hụt lên đến 30 – 40 %.

Do vậy, hiện nay ở những nước tiên tiến, người ta dùng phân có bao hợp chất chậm tan hoặc nén phân này thành viên để có thể dùng máy dúi vào đất để cây lúa hấp thu dần, tránh hao hụt, tiết kiệm được lượng phân bón đáng kể. Công cụ này đã được Viện nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) nghiên cứu và đưa vào sử dụng nhưng còn nhiều bất cập đối với điều kiện sản xuất của Việt Nam nên chưa được ứng dụng rộng rãi. Trong thời gian tới, tùy theo tình hình cụ thể, chúng ta cần tiến hành khảo nghiệm và đánh giá tính năng phù hợp để áp dụng.

+ Khâu thu hoạch.

Khâu thu hoạch lúa: 344 máy gặt đập liên hợp (4 ha/ngày x 20 ngày) đáp ứng khoảng 35% diện tích gieo trồng lúa của tỉnh, 116 máy gặt xếp dãy và cầm tay (2,5 ha/ngày x 20 ngày) đáp ứng khoảng 7% diện tích lúa mỗi vụ, như vậy tổng diện tích lúa thu hoạch bằng cơ giới của tỉnh Tây Ninh năm 2011 đạt 42% tổng diện tích sản xuất lúa. Ngoài ra toàn tỉnh còn có 226 máy tuốt lúa có động cơ đáp ứng khoảng 45% diện tích lúa thu hoạch mỗi vụ của tỉnh.

- Máy gặt xếp dãy: Là loại máy thu hoạch có kết cấu tương đối gọn nhẹ do một người điều khiển. Máy có thể dùng bánh hơi trong trường hợp vận chuyển trên đường giao thông hoặc gặt trên nền đất khô (vụ Đông xuân) sẽ vận hành được dễ dàng hơn,  trường hợp gặt lúa trên nền ruộng ướt, có sình lầy người ta thay bánh hơi bởi bánh lồng, tuy lái nặng hơn nhưng tránh được lầy lún. Máy gặt xếp dãy chỉ thực hiện thao tác gặt và xếp thành hàng, sau đó cần được thu gom, bốc vác, vận chuyển đến cho máy đập. Máy gặt xếp dãy có ưu điểm: Gọn, nhẹ, dễ chế tạo, dễ vận hành. Tỷ lệ làm rơi rụng lúa thấp, nông dân chấp nhận được. Vận hành dễ dàng trên các lô ruộng có diện tích nhỏ, giá máy thấp phù hợp với điều kiện người dân. Năng suất thu hoạch mỗi ngày từ 1,5 – 2,5 ha. Tuy vậy, máy cũng có một số nhược điểm như: Bị hạn chế khi gặt sáng sớm rạ còn ẩm sương khó cắt rạ hoặc gặp ruộng lúa đổ ngã.

Hạn chế lớn nhất của máy gặt này là vấn đề điều chỉnh chiều cao cắt, nếu máy chỉ chiều cao cắt từ 20 – 25 cm, gặp phải loại lúa thân cao sẽ cho rơm quá dài, làm khó khăn cho máy đập. Một nhược điểm khác là sau khi dùng máy, phải tốn công thu gom lúa, vận chuyển đến nơi máy đập khá vất vả trong khi hiện nay ở nông thôn đang thiếu công lao động. Để khắc phục nhược điểm này, hiện nay cơ sở Cơ khí trong nước đã sản xuất ra máy gom đập lúa, có năng suất làm việc khoảng 3 ha/ngày. Máy này phối hợp với 2 máy gặt xếp dải là tương đương với một máy GĐLH loại trung bình. Hiện nay, ở Tây Ninh có khoảng 116 máy gặt xếp dải.

Ngoài ra, tại một số nơi do diện tích lô thửa ruộng lúa của nông hộ còn nhỏ hẹp, đường giao thông nông thôn còn nhiều hạn chế thì máy gặt xếp dải vẫn phát huy tác dụng tốt nếu giải quyết được một số nhược điểm nêu trên.

- Máy gặt đập liên hợp (GĐLH): Là loại máy đa năng vừa gặt, vừa vận hành lúa lên cho vào bộ phận đập, làm sạch và cho ra hạt vào bao. Do vậy cấu tạo của máy rất phức tạp: Vừa di chuyển trên địa hình không được thuận lợi (như mặt ruộng thường khi sình lầy, mặt đồng ít khi được bằng phẳng, qua nhiều bờ lô, kênh rạch, v.v...), thao tác gặt lúa, vận chuyển lúa đã cắt lên cho vào bộ phận đập, phóng rơm ra, có sàng làm sạch sơ bộ hạt thóc, cho vào bao hoặc thùng chứa trên máy. Do trong cùng một lúc máy phải làm nhiều công đoạn phức tạp, như vậy nên chất lượng vật liệu và công nghệ chế tạo máy GĐLH có yêu cầu đạt tiêu chuẩn cao mới đảm bảo máy hoạt động tốt.

Máy GĐLH có những ưu điểm là: Thu hoạch 1 giai đoạn, rút ngắn 3 công đoạn: Cắt, thu gom, đập, do vậy tăng năng suất, giảm được công lao động đang thiếu hụt trong mùa vụ, thu hoạch nhanh, đảm bảo thời vụ. Nhờ rút ngắn 3 công đoạn trên vào thu hoạch 1 lần, nên có thể giảm được hao hụt lúa lúc thu hoạch. Tuy vậy, máy GĐLH cũng có một số nhược điểm: Khó vận hành trên các lô thửa nhỏ, mặt đồng ẩm ướt lầy thụt, đường giao thông kênh rạch, bờ phân lô nhiều, hạn chế việc di chuyển của máy, khi gặt ở cánh đồng có thân lúa cao cũng gặp trở ngại khâu đập như trường hợp máy gặt xếp dãi. Giá máy GĐLH đạt tiêu chuẩn còn khá cao, gây khó khăn cho người dân đầu tư.

Đến nay máy GĐLH mà trước đây tưởng chừng như không thể hoạt động ở vùng ruộng sình lầy sông nước, nay đã làm việc rất tốt: Gặt được lúa đổ ngã, vận hành được trên đất ướt, trời mưa của vụ lúa Hè Thu, giảm thất thu trong thu hoạch từ 4-6 %, hiện nay xuống còn < 2 %, giải quyết được công thu hoạch là một trong những khâu nặng nhọc nhất trong sản xuất lúa.

Theo Cục Thống kê tỉnh Tây Ninh, hiện nay trên địa bàn có khoảng 344 máy GĐLH, giải quyết khâu thu hoạch lúa được trên 35% diện tích lúa trong vùng.

Nhìn chung, tình hình áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch lúa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh về cơ bản đã ổn định. Trong thời gian tới cần ứng dụng công nghệ Laser trong san phẳng ruộng, nhằm tăng năng suất, giảm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thu hoạch lúa bằng máy.       

                                        Ks. Nguyễn Văn Nhân – Trung tâm KN

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây