Nghiêm cấm việc tiêm thuốc an thần cho heo trong quá trình vận chuyển, giết mổ

Thứ sáu - 13/10/2017 16:00 1.458 0

Thời gian vừa qua có nhiều người chăn nuôi, người kinh doanh buôn bán heo thịt, các lò giết mổ heo tại các địa phương có hoạt động tiêm thuốc an thần cho heo để giết mổ. Điển hình là vào ngày 28/9/2017 các trinh sát của phòng 7 (C49B) phát hiện lò mổ Xuyên Á, Củ Chi, TP HCM của bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung (ngụ Q.12), bắt quả tang ông Nguyễn Văn Dung (41 tuổi) và Vũ Văn Vĩ (27 tuổi, cùng quê Nam Định) đang tiêm thuốc an thần vào đàn heo 3.750 con chuẩn bị chờ giết mổ, điều này sẽ rất tai hại và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng bởi vì heo sau khi giết mổ vẫn còn tồn dư rất nhiều dược chất trong thịt heo.

Thuốc an thần sử dụng có hoạt chất là Acepromazine trong thú y được dùng trong các trường hợp cần khống chế những con thú lớn, các động vật hung hăng, khó bắt trong quá trình bắt, vận chuyển từ nơi này đến nơi khác (chuyển chuồng, chuyển trại), hoặc sử dụng hỗ trợ tiền gây mê trong điều trị phẫu thuật ở gia súc, hiện nay thuốc an thần được bán trên thị trường có tên thương mại là Prozil, combistress do các công ty thuốc thú y trong và ngoài nước sản xuất, thời gian đào thải từ 5 đến 7 ngày.

           

Một số thuốc an thần sử dụng để tiêm cho heo

 Hiện nay, nhiều người vẫn lạm dụng việc sử dụng thuốc để kiếm lợi nhuận bằng cách trước khi giết mổ tiêm vào một lượng thuốc an thần nói trên cho chúng để thịt động vật khi giết mổ xong có màu đỏ tươi, nhìn bắt mắt hơn. 

 Việc lạm dụng các loại thuốc an thần tiêm cho động vật trước khi giết mổ gây tồn dư thuốc trong gan, cơ, thận của động vật vì bài thải chậm nên gây ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng. Người ăn loại thịt này liên tục, lâu dài có thể bị giãn nở các mạch máu, hạ huyết áp, hô hấp chậm, rối loạn giấc ngủ nhất là đối với người già và trẻ nhỏ.

Hành vi vận chuyển, lưu giữ, giết mổ động vật để làm thực phẩm mà động vật đó bị sử dụng thuốc an thần không theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 10, Điều 20, Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y  như sau:

- Hình thức phạt chính: Phạt tiền đối với các hành vi vi phạm như sau:

+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển, lưu giữ, giết mổ động vật để làm thực phẩm mà động vật đó bị sử dụng thuốc an thần không theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền.

- Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tạm dừng giết mổ động vật bị sử dụng thuốc an thần trước khi giết mổ cho đến khi có kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm; buộc tiêu hủy sản phẩm động vật có dư lượng thuốc an thần vượt quá giới hạn do Bộ Y tế quy định

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Tây Ninh qua công tác kiểm tra chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng chất an thần trong vận chuyển, giết mổ. Tuy nhiên để ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thực hiện một số công tác để tăng cường quản lý việc buôn bán, sử dụng thuốc thú y đối với các mặt hàng thuốc thú y an thần để ngăn chặn tình trạng tiêm thuốc an thần cho gia súc trước khi giết mổ, chú trọng thực hiện các giải pháp:

- Tăng cường tuyên truyền cho người dân về tác hại của việc tiêm thuốc an thần cho gia súc trước khi giết mổ đối với sức khỏe người tiêu dùng.

- Tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra, giám sát việc buôn bán thuốc an thần, tình trạng sử dụng thuốc an thần trong hoạt động giết mổ gia súc. Khuyến khích người dân tố giác các trường hợp vi phạm về tình trạng tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ gia súc.

- Phát triển chăn nuôi theo chuỗi an toàn thực phẩm từ khâu chăn nuôi, giết mổ đến khâu tiêu dùng để giám sát lẫn nhau.

- Tổ chức tuyên truyền tác hại của việc sử dụng thuốc an thần đến sức khỏe công đồng, các hình thức xử lý vi phạm đối với hành vi tiêm thuốc an thần vào heo trong quá trình vận chuyển, giết mổ, thực hiện ký cam kết đối với chủ cơ sở giết mổ không để xảy ra tiêm thuốc an thần tại cơ sở giết mổ.

Tóm lại, hành vi sử dụng thuốc an thần gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe công đồng gây khó khăn cho ngành chăn nuôi nói chung và ngành chăn nuôi heo nói riêng, do đó mỗi người dân chúng ta, từ người quản lý, người chăn nuôi, sản xuất, chế biến đến người tiêu dùng phải có ý thức, trách nhiệm trong việc ngăn chặn hành vi tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ./.

Phòng Thú y Cộng đồng - Chi cục Thú y Tây Ninh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây