Hướng dẫn thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc

Thứ tư - 25/10/2017 15:00 418 0

        Công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống ngăn chặn dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm, là biện pháp chủ động nhằm cắt đứt yếu tố lây truyền của mầm bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi phát triển.

 

        Để đảm bảo công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc đạt hiệu quả, cần phải thực hiện tốt các nguyên tắc sau: Người thực hiện khử trùng tiêu độc phải sử dụng bảo hộ lao động phù hợp như khẩu trang, ủng, găng tay…; sử dụng hóa chất sát trùng ít độc hại đối với người, vật nuôi, môi trường, phù hợp với đối tượng khử trùng tiêu độc, có tính sát trùng nhanh, mạnh, kéo dài, hoạt phổ rộng, tiêu diệt được nhiều loại mầm bệnh; trước khi phun hóa chất sát trùng phải làm sạch đối tượng khử trùng tiêu độc bằng biện pháp cơ học (quét dọn, cạo, cọ rửa); Pha chế và sử dụng hóa chất sát trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, bảo đảm pha đúng nồng độ, phun đúng tỷ lệ trên một đơn vị diện tích. Việc phun thuốc sát trùng đối với từng cơ sở như sau:

        - Đối với cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung: Phát quang cây cỏ xung quanh chuồng trại nuôi; quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh. Bố trí hố sát trùng đường đi ra, vào cơ sở chăn nuôi. Vệ sinh tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm của chúng, thức ăn chăn nuôi ... trước khi ra vào cơ sở. Định kỳ tiêu độc toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần 01 lần.

         - Đối với chăn nuôi hộ gia đình: Nuôi  nhốt gia súc, gia cầm. Hằng ngày quét dọn sạch sẽ khu vực nuôi; thu gom phân rác, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn. Vệ sinh phương tiện, dụng cụ vận chuyển sau mỗi lần vận chuyển. Định kỳ phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần 01 lần

 

Hình ảnh: Thú y cơ sở đang phun thuốc sát trùng tại hộ chăn nuôi gia cầm

 

         - Đối với cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm: Phát quang cây cỏ xung quanh và hằng ngày quét dọn sạch sẽ toàn bộ khu vực lò ấp, đường ra vào cơ sở ấp; thu gom vỏ trứng sau khi đã ấp nở để tiêu hủy. Bố trí hố sát trùng đường đi ra, vào cơ sở ấp. Xông hoặc phun sát trùng máy ấp sau mỗi ca sản xuất, phun tiêu độc sát trùng hàng ngày, các phương tiện vận chuyển trứng giống và gia cầm mới ấp nở. Định kỳ vệ sinh tiêu độc toàn bộ cơ sở ấp trứng mỗi tuần 01 lần.

         - Đối với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung: Nơi nhốt gia súc, gia cầm chờ giết mổ. Sau khi gia súc, gia cầm được đưa đi giết mổ, toàn bộ khu vực nhốt phải được vệ sinh, tiêu độc sát trùng trước khi nhập đàn mới; Nơi giết mổ vệ sinh, tiêu độc sát trùng sau mỗi ca sản xuất. Vệ sinh tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm của chúng, ... trước khi ra vào cơ sở; Phát quang cây cỏ xung quanh cơ sở, nhà xưởng, khơi thông cống rãnh. Định kỳ vệ sinh tiêu độc toàn bộ cơ sở, điểm giết mổ mỗi tuần 01 lần.

        - Đối với chợ buôn bán gia súc, gia cầm sống và sản phẩm động vật: Hàng ngày quét dọn xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn hoặc đốt và phun thuốc sát trùng khu vực buôn bán, tập kết, thu gom gia súc, gia cầm và vật dụng có liên quan cuối mỗi buổi chợ. Định kỳ hàng tuần thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chợ buôn bán và khu vực xung quanh; Phương tiện vận chuyển, các dụng cụ và lồng nhốt gia súc, gia gia cầm phải được phun thuốc sát trùng khi vào, ra chợ; Những quầy bán thịt phải được vệ sinh sạch sẽ và phun thuốc tiêu độc sát trùng cuối mỗi buổi chợ.

       - Đối với động vật, sản phẩm động vật nhập lậu bị thu giữ: Vệ sinh, tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển, sản phẩm động vật nhập lậu bị bắt giữ. Quét dọn và phun thuốc khử trùng khu vực nhốt, giữ động vật ngay sau mỗi đợt tiêu hủy. Phân, rác  thải phải được xử lý chôn hoặc đốt.

       - Nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm: Thường xuyên quét dọn, vệ sinh. Định kỳ phun tiêu độc khử trùng mỗi tuần 1 lần

Trường hợp có dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật xảy ra trên địa bàn, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương hướng dẫn cụ thể về đối tượng, tần suất vệ sinh, khử trùng tiêu độc trên địa bàn vùng có ổ dịch, vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp. Việc thực hiện công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc đúng cách góp phần quan trọng công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và phát triển chăn nuôi bền vững./.

Trạm Chăn nuôi và Thú y TP Tây Ninh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây