Tác hại của chất cấm CYSTEAMINE trong thức ăn chăn nuôi đối với người tiêu dùng

Thứ tư - 11/10/2017 22:00 621 0

Trong những năm gần đây, tình trạng sử dụng chất cấm, trong đó có chất Cysteamine để kích thích heo tăng trọng, tăng tỷ lệ nạc đã trở thành vấn đề nóng, tạo sự quan tâm của toàn xã hội.

Chất Cysteamine là một hợp chất sinh học được sinh ra tự nhiên trong đường tiêu hóa và vùng dưới đồi ở não của các loài động vật, có tác dụng ức chế hóc môn Somatostatin (SS). Trong cơ thể vật nuôi, hóc môn SS điều tiết sự sinh ra các hóc môn sinh trưởng và điều tiết quá trình sinh trường.

Khi lượng Cysteamine tăng lên thì lượng SS giảm đi và lượng hóc môn sinh trưởng tăng lên, do đó vật nuôi sẽ lớn nhanh hơn. Nói cách khác, Cysteamine là chất kháng hóc môn có vai trò kích thích sinh trưởng vật nuôi một cách gián tiếp.

Vận dụng cơ chế hoạt động tự nhiên của Cysteamine, ngày nay người ta đã sản xuất ra Cysteamine dạng công nghiệp với mục đích ứng dụng trong lĩnh vực sinh học.

Ở người, Cysteamine đã được sử dụng trong y học từ năm 1994 để điều trị một số bệnh liên quan đến thận, cơ, tuyến giáp, não và mắt. Gần đây, Cysteamine được sử dụng để điều trị những rối loạn suy giảm thần kinh do di truyền trong các bệnh Huntington và Parkinson. Ngoài ra, Cysteamine cũng được dùng đến như một hoạt chất chống lại tác dụng độc của kim loại nặng, tác dụng độc do quá liều của acetaminophen và một số hóa chất khác.

Khi sử dụng trong chăn nuôi, thú y, Cysteamine kết hợp với Dexamethasone và axit ascorbic điều trị một số bệnh rối loạn trao đổi chất như: Bệnh thở thơm và mất tính ham ăn ở bò, ngựa; viêm vú; viêm tử cung và mất sữa ở lợn nái. Trong chăn nuôi, Cysteamine được nghiên cứu sử dụng như một chất phụ gia thức ăn chăn nuôi để kích thích tăng trọng nhanh, tăng khả năng ăn vào, giảm mỡ lưng, tăng tỷ lệ nạc ở vật nuôi.

Tuy nhiên Cysteamine khi vào cơ thể sẽ ức chế enzyme glutathione peroxidase, làm sản sinh ra nước oxy già (hydroperoxide, H2O2), gây độc tế bào. Người ăn phải thịt chứa chất Cysteamine trong một thời gian dài dễ mắc các bệnh như ung thư vú, ung thư kết tràng, tuyến tiền liệt và suy yếu hệ thống miễn dịch.

Hiện Cysteamine là chất đã bị Liên minh châu Âu (EU) hoàn toàn cấm sử dụng làm phụ gia thức ăn chăn nuôi. Chất này cũng không có mặt trong danh mục được phép sử dụng của tổ chức CODEX. Nhiều tổ chức về thú y ở các nước trên thế giới cũng khuyến cáo chỉ dùng Cysteamine để xử lý cho những trường hợp vật nuôi riêng lẻ, cụ thể, không dùng trong chăn nuôi đại trà thương mại.

Tại Việt Nam, từ ngày 16/01/2017, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư số 01/2017/TT-BNNPTNT về việc Bổ sung Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực từ 01/3/2017, theo đó, chất Cysteamine được bổ sung vào Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam.

Mặc dù bị cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi vẫn bất chấp tác hại của chất Cysteamine đến sức khỏe của vật nuôi và người tiêu dùng, lén lút sử dụng Cysteamine trong chăn nuôi vì lợi ích kinh tế của bản thân.

Hành vi vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và sản xuất, gia công, kinh doanh thức ăn chăn nuôi sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 39, Điều 2, Nghị định 41/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản như sau:

- Phạt tiền đối với các hành vi vi phạm sau:

+ Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

+ Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng mỗi chất cấm trong sản xuất, gia công và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

- Hình thức xử phạt bổ sung: đình chỉ hoạt động sản xuất, gia công, kinh doanh thức ăn chăn nuôi từ 06 tháng đến 12 tháng đồi với hành vi vi phạm sử dụng mỗi chất cấm trong sản xuất, gia công và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc tiêu hủy toàn bộ chất cấm và thức ăn chăn nuôi có chứa chất cấm đối với hành vi vi phạm sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; sử dụng mỗi chất cấm trong sản xuất, gia công và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

+ Buộc cơ sở chăn nuôi tiếp tục nuôi dưỡng vật nuôi đã sử dụng chất cấm đến khi kiểm tra không còn tồn dư chất cấm mới được phép xuất bán hoặc giết mổ đối với hành vi vi phạm sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Buộc tiêu hủy vật nuôi trong trường hợp tái phạm sử dụng chất cấm.

Để ngăn chặn tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trong thời gian tới cần thực hiện các giải pháp sau:

- Tăng cường tuyên truyền cho người dân về tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và sản xuất, gia công, kinh doanh thức ăn chăn nuôi đối với sức khỏe người tiêu dùng.

- Tiếp tục thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng chất cấm Salbutamol và Cysteamine trong chăn nuôi và sản xuất, gia công, kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Khuyến khích người dân tố giác các trường hợp vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và sản xuất, gia công, kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

- Phát triển chăn nuôi theo chuỗi an toàn thực phẩm từ chăn nuôi đến chế biến giết mổ và tiêu dùng để giám sát lẫn nhau.

- Giám sát chặt chẽ việc kinh doanh thức ăn bổ sung, Premix trên địa bàn.

- Tăng cường phối hợp giữa các ngành có liên quan và chính quyền địa phương trong việc tiếp nhận thông tin, thanh kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm.

Tóm lại, hành vi sử dụng chất cấm nói chung và Cysteamine nói riêng là hành vi gian lận thương mại, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng và thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi chân chính. Vì vậy mỗi người dân chúng ta, từ người quản lý, người chăn nuôi, sản xuất, chế biến đến người tiêu dùng phải có ý thức, trách nhiệm trong việc ngăn chặn hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi./.

Phòng Thú y Cộng đồng - Chi cục Chăn nuôi và Thú y

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây