Kết quả bước đầu triển khai đề án “Phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020” của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Trảng Bàng

Thứ sáu - 06/10/2017 16:00 329 0
Kết quả bước đầu triển khai đề án “Phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020” của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Trảng Bàng

Huyện Trảng Bàng có địa hình tương đối bằng phẳng, rất thuận lợi cho phát triển toàn diện nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng. Địa hình mang sắc thái của một vùng đồng bằng. Khí hậu tương đối ôn hoà, chia thành 2 mùa là mùa mưa và mùa khô. Mùa khô thường kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11. Nhiệt độ tương đối ổn định và ít thay đổi. Với những lợi thế đó là điều kiện thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp đa dạng, đặc biệt là chăn nuôi bò thịt theo mô hình tập trung, bán chăn thả.

Đàn Bò cái nền Lai Sind tại huyện Trảng Bàng từ lâu được đánh giá là đàn bò cái nền tốt nhất khu vực Đông Nam Bộ, là huyện có số lượng bò nhiều nhất tỉnh với 38.079 con (nguồn niên giám thống kê tỉnh Tây Ninh 2016) rất thuận lợi để lai cải tạo đàn bò theo hướng thịt hoặc hướng sữa.

Tuy nhiên, qua thời gian dài việc chọn lọc và loại thải các con giống xấu, giữ lại con giống tốt tại địa phương mà không đưa các giống bò thuần như  giống Sind, Brahman và các giống bò thịt chất lượng cao (Angus, Chairolais, BBB…) để cải thiện chất lượng giống là sự thiếu sót trong việc nâng cao và cải tạo tầm vóc đàn bò của huyện. Việc lai tạo đàn bò thịt chất lượng cao để đưa vào thực tiễn nhân rộng là bước đi vô cùng cấp thiết.

Đề án "Phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020" ra đời đã được triển khai từ tháng 8 năm 2016 đến nay trên địa bàn toàn tỉnh, là một bước đi hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Song song với việc triển khai hỗ trợ phối giống tinh bò thịt chất lượng cao miễn phí, hỗ trợ thức ăn tinh cho bò cái đậu thai, các hộ chăn nuôi còn được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trị bệnh trên đàn bò nuôi. Năm 2016, từ công tác phối giống nhân tạo kết quả đã có gần 90 bê con lai ra đời. Tiến độ từ đầu năm 2017 đến nay thì Trạm đã phối giống nhân tạo được 125 con đậu thai các giống bò chất lượng cao như: Angus có nguồn gốc Canada; Brahman có nguồn gốc từ Mỹ và Red Sindhi có nguồn gốc từ Ấn Độ.

Điển hình như Gia đình anh Lê Văn Tấn ở Ấp Gia Lâm, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng nuôi hai con bò cái theo mô hình bán chăn thả, tận dụng khu vườn rộng trồng cỏ và rơm khô, vừa qua anh đã được cán bộ kỹ thuật thuộc Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Trảng Bàng tư vấn và hỗ trợ thụ tinh nhân tạo miễn phí cho gia đình anh.

 

Bò cái nền chuẩn bị phối giống của gia đình anh Lê Văn Tấn

 

Cán bộ kỹ thuật Trạm CN&TY huyện Trảng Bàng đang phối giống miễn phí

cho bò cái của hộ anh Lê Văn Tấn

 

Cũng như hộ anh Lê Văn Tấn và nhiều nông hộ khác trên địa bàn toàn huyện, nông hộ chăn nuôi Thạch Phương Quang ở ấp Lộc Thành, thị trấn Trảng Bàng nuôi 9 con bò cái đã được cán bộ kỹ thuật của Trạm hỗ trợ phối giống từ những ngày đầu triển khai đề án. Bò lai Sind được phối giống với tinh Bò Angus thuần, kết quả bê lai Angus (F1) có trọng lượng sơ sinh lớn, dễ nuôi và tỷ lệ tăng trưởng rất nhanh.


Bò cái trưởng thành lai Angus (F1) được lai tạo từ bò mẹ Lai Sind và tinh bò Angus thuần chủng của gia đình anh Thạch Phương Quang


Bê lai 1,5 tháng tuổi (F1 Brahman: bò cái lai Sind x tinh bò Brahman) – Một trong những kết quả bước đầu của đề án

Gia đình ông Thành Hồng Sơn ở ấp An Phú, An Tịnh, Trảng Bàng cũng áp dụng phương pháp lai tạo giống từ bò cái lai Sind với tinh bò Angus thuần chủng, kết quả sinh ra bò cái lai Angus (F1), sau đó ông tiếp tục phối tinh bò Angus với bò cái lai Angus (F1) để tạo ra bò cái lai Angus (F2) có thân hình vững chắc để làm bò nền, kết quả hơn cả sự mong đợi thể hiện qua hình ảnh bò cái lai Angus của gia đình ông Sơn sau đây.

 

Ông Thành Hồng Sơn bên bò cái lai Angus F1 được lai tạo từ bò mẹ lai Sind

với tinh Angus thuần chủng

 

Bê lai Angus thế hệ F2 là con lai của bò cái Angus lai F1

với tinh bò Angus thuần

Với kết quả đạt được của năm 2016 (gần 90 bê lai hướng thịt ra đời) và 8 tháng đầu năm 2017 với hơn 125 con bò cái đậu thai bằng phương pháp phối giống nhân tạo, con số này đang tăng hàng ngày. Không lâu nữa, hình ảnh những chú bê con khỏe mạnh tiếp tục ra đời sẽ là một hiệu ứng lan truyền theo cấp số nhân. Hứa hẹn đến năm 2020 Huyện Trảng Bàng nói riêng và tỉnh Tây Ninh nói chung sẽ là một trong những địa phương đứng đầu về chất lượng và thương hiệu bò Thịt "Bò tơ Tây Ninh", giúp tăng thu nhập của người dân, góp phần cụ thể hóa tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh./.

Trạm Chăn Nuôi và Thú Y huyện Trảng Bàng

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây