Công tác phòng chống bệnh dại trên đàn chó nuôi tại huyện Gò Dầu

Thứ ba - 03/10/2017 00:00 201 0
CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG BỆNH DẠI TRÊN ĐÀN CHÓ NUÔI TẠI HUYỆN GÒ DẦU

Bệnh dại là bệnh lây truyền giữa động vật và người do virus dại (rabies virus) gây nên. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính của hệ thần kinh trung ương. Nguồn mang mầm bệnh chủ yếu là chó (95%), mèo nuôi và động vật hoang dã (5%). Khi động vật mắc bệnh dại cào, cắn, hoặc liếm vào người, virus từ nước bọt sẽ lây truyền qua da, niêm mạc bị tổn thương, virus xâm nhập vào cơ thể được nhân lên và hướng tới hệ thần kinh trung ương, virus nhân lên trong não, rồi di chuyển theo dây thần kinh đến các cơ quan như tuyến nước bọt, thận, phổi, tim, gan, phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết.

Từ năm 2005 đến tháng 11/2016, trên cả nước có 1.055 người bị chết do bệnh Dại, trung bình mỗi năm có trên dưới 100 người bị tử vong, chiếm tỷ lệ cao nhất so với các bệnh truyền nhiễm gây dịch ở nước ta hiện nay. Tỷ lệ chết của bệnh Dại trên người lên tới 100% khi đã lên cơn dại.

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, trong 9 tháng đầu năm 2017 có 02 trường hợp tử vong do bệnh Dại tại huyện Tân Biên và Bến Cầu. Riêng tại huyện Gò Dầu theo số liệu của Trung tâm y tế dự phòng huyện, tính đến quí 3/ 2017 có 245 trường hợp phải tiêm ngừa bệnh dại do chó cắn.

Vì tính chất nguy hiểm cũng như tình hình bệnh dại đang diễn ra hết sức phức tạp, việc phòng ngừa bệnh dại ở người ít tốn kém nhất chính là việc tiêm vaccine phòng dại cho chó. Hiện nay, công tác tiêm phòng bệnh dại 2 đợt / năm, nhưng tỷ lệ tiêm phòng chưa cao, do người dân chưa ý thức được sự tác hại nghiêm trọng xảy ra khi bị chó dại cắn.


Hình 1: Chó được tiêm phòng vaccine phòng chống bệnh dại tại Trạm Chăn nuôi  và Thú y huyện Gò Dầu

Để kịp thời ngăn chận dịch bệnh, Trạm Chăn nuôi và Thú y Gò Dầu có kế hoạch giám sát chặt chẻ đàn chó. Tuyên truyền, khuyến cáo người dân khi thấy các dấu hiệu bất thường ở đàn chó mèo như: chó hung dữ khác thường, hàm trễ, thè lưỡi ra ngoài, chảy nhiều nước dãi, sùi bọt mép, giọng sủa khan, mắt đỏ, đi lại siêu vẹo, sợ gió, sợ nước. Hoặc những Chó ở thể bại liệt: buồn bã, thích nằm trong tối, liệt hàm dưới, liệt chi, toàn thân và chết, thì báo cáo cho trưởng ban thú y gần nhất hoặc Trạm Chăn nuôi và Thú Y huyện xử lý kịp thời, đảm bảo sức khỏe đàn chó nuôi cũng như sức khỏe cộng đồng dân cư.

Trong năm 2017, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Gò Dầu đã phối hợp với Đội bắt chó thả rong của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh hoàn thành kế hoạch bắt chó thả rong trên địa bàn các xã, thị trấn trong huyện.


Hình 2: Đội bắt chó thả rong của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh phối hợp với Trạm CNTY Gò Dầu thực hiện nhiệm vụ

 

Công tác tuyên truyền phòng chống bệnh Dại cũng đã được tập trung triển khai: tuyên truyền về việc đăng ký nuôi chó; xích, nhốt hoặc giữ chó; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh. Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi đưa chó ra ngoài, phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt. Tất cả chó, mèo trong diện tiêm phòng bắt buộc phải được tiêm vắc xin phòng bệnh dại theo quy định của cơ quan thú y. Thông điệp tuyên truyền: "chó được tiêm phòng sẽ không có bệnh dại, không có bệnh dại trên đàn chó thì sẽ không có bệnh dại trên người. Tiêm phòng bệnh dại hàng năm sẽ bảo vệ bạn, gia đình bạn"./.

Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Gò Dầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây