Đâu là thực phẩm an toàn

Thứ sáu - 05/05/2017 21:00 222 0

        Thực phẩm an toàn đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với cuộc sống của con người. Tuy nhiên để có được sức khỏe tốt chúng ta cần phải lựa chọn thực phẩm có chất lượng tốt, sạch sẽ, an toàn. Có thể hiểu “Thực phẩm an toàn” là thực phẩm không chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất, kháng sinh cấm hoặc vượt quá giới hạn cho phép; không chứa tác nhân sinh học gây bệnh (vi rút, vi sinh vật, ký sinh trùng); không chứa tạp chất (kim loại, thuỷ tinh, vật cứng); có nguồn gốc, xuất xứ đầy đủ, rõ ràng; được kiểm tra, đánh giá chứng nhận về an toàn thực phẩm (ATTP). 

Hình 1: Trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng để có được thực phẩm an toàn không quá khó khăn cũng không phải là điều dễ dàng. Hiện nay, thực phẩm mất an toàn đang hiện hữu chung quanh chúng ta gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, việc sản xuất thực phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu là một trong những yêu cầu cấp bách.Trên thị trường thực phẩm an toàn cung không đủ cầu, giá thực phẩm khá cao. Trước mắt để “ứng phó” với “cơn bão” thực phẩm bẩn, các bà nội trợ tìm kiếm những sản phẩm gọi là sạch trong bữa ăn gia đình như mua: Rau, thịt, cá từ người quen nuôi trồng ở quê, siêu thị, chọn mua hàng nhập khẩu, ... Ngoài ra, nhiều người cũng tự trồng rau, hoa quả tại nhà, nhưng không nắm được những tiêu chuẩn, quy định cụ thể về thực phẩm an toàn, một số người vẫn còn sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu không đúng cách sử dụng bón cho rau mà không biết rằng dư lượng phân hóa học còn tồn đọng trong lá rau có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Đối với chăn nuôi, người dân tự tạo ra được toàn bộ nguồn nước, nguồn thức ăn chưa qua kiểm soát,cho nên rất khó trong việc khẳng định đây là các thực phẩm sạch, an toàn “chỉ có rau được trồng trong nhà lưới hoặc được phun bằng thuốc trừ sâu sinh học mới có thể tin đó là rau sạch, rau an toàn” và chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP.Xong, để thay đổi được thói quen canh tác cũ của nông dân, không còn hiện tượng “rau hai luống, lợn hai chuồng” lại không phải là việc dễ dàng có thể làm trong một sớm một chiều. Chỉ khi người nông dân sản xuất thực phẩm sạch bán cho doanh nghiệp có lãi thì người ta mới thực hiện nghiêm chỉnh các quy định trong hợp đồng, doanh nghiệp hoàn toàn có thể giám sát được toàn bộ hoạt động canh tác của người nông dân.

Hình 2: Công tác cán bộ kiểm soát giết mổ heo

Thực tế, thời gian qua những mô hình sản xuất, chăn nuôi an toàn đã hình thành ở nhiều địa phương cho thấy người nông dân bắt đầu nhận thức tích cực và dần chuyển sang hướng sản xuất những sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong tương lai gần, việc sản xuất an toàn, bền vững là hướng đi tất yếu.

Như vậy, phương châm đầu tiên của nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, sạch đó là phải có cái tâm nghĩ đến sức khỏe của người tiêu dùng như sức khỏe của bản thân; các nhà đầu tư phải bảo đảm được hai việc là tạo được niềm tin và chất lượng thực sự cho người tiêu dùng; tạo mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với người nông dân; người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm cần quan tâm nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thương hiệu phải uy tín và chất lượng, phải có chứng nhận và các nhãn mác, logo của các đơn vị chứng nhận./.

Chi cục QLCL

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây