Cơ giới hoá nông nghiệp nông thôn là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, là một bước trong quá trình hiện đại hóa phương thức sản xuất, chuyển sản xuất nông nghiệp từ sản xuất cá thể, sang sản xuất mang tính xã hội, với quy mô lớn, có sự phân công hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngành Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đã có bước phát triển đáng kể, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng khoa học-kỹ thuật trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, trong đó có việc ứng dụng cơ giới hoá trong các khâu sản xuất và thu hoạch.
Những năm gần đây, lĩnh vực cơ giới hoá nông nghiệp có những tác động tích cực làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đồng thời giảm bớt sức lao động của người nông dân trong các khâu sản xuất.
Với mục tiêu đặt ra đến năm 2020, nước ta phấn đấu cơ bản trở thành nước công nghiệp, đặc biệt, Tây Ninh đang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thì việc ứng dụng và phát triển công nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp là nội dung không thể thiếu.
Theo cục Thống kê tỉnh Tây Ninh, hiện tại trên địa bàn của tỉnh có hơn 5.600 máy kéo các loại, 220 máy tuốt lúa, trên 460 máy thu hoạch lúa, và một số máy chuyên dùng làm đất, rạch hàng, trồng mía, tách hạt bắp, bứt quả đậu phộng. Trong số này, có nhiều thiết bị cơ giới họat động phù hợp với điều kiện địa hình canh tác ở Tây Ninh, cụ thể như các lọai máy kéo và các thiết bị kèm theo như: cày 7 chảo, 3 chảo, cày không lật…. máy xới đất, máy rạch hàng v.v...
Đối với cây lúa, ngoài việc áp dụng cơ giới trong khâu làm đất, việc sản xuất lúa thường vụ thu hoạch tập trung nên Tây Ninh đang sử dụng rộng rãi một số máy chuyên dụng như máy gặt đập liên hợp. Đối với cây mì đã áp dụng cơ giới hóa trong các khâu gieo trồng, chăm sóc đạt tỷ lệ cao với tỷ lệ trên 91%; còn khâu thu hoạch áp dụng chưa đại trà chủ yếu là các dự án thử nghiệm. Ngoài ra, trở ngại lớn nhất để phát triển cơ giới hóa trong canh tác mì của tỉnh hiện nay là chưa hình thành các vùng chuyên canh, phân tán, dẫn đến khó khăn trong việc đầu tư thiết bị cơ giới chuyên dùng.
Máy trồng mì
Riêng cây mía, tại Công ty Hải Vi-Tây Ninh đang quản lý gần 3.000ha đất chuyên trồng mía ở Tây Ninh, trong đó: Nông trường Thành Long 1 và Thành Long 2 thuộc Cty, đang quản lý hơn 1.700ha mía, đây có thể xem là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực cơ giới hóa trên cây trồng. Hiện tại công ty sở hữu 20 máy kéo-công suất từ 100-245 mã lực, đang liên tục thực hiện các khâu trồng, chăm sóc mía; đơn vị có máy trồng mía năng suất 5ha trong 8h hoạt động; Có 7 Giàng tưới Center Pirot-bán kín 500m, mỗi giàng tưới bình quân 80ha mỗi ngày; ngoài ra còn có hệ thống Súng tưới phun béc quay phục vụ tưới cho 70% diện tích cây trồng của công ty. Tất cả công cụ cơ giới hóa ở đơn vị này đã và đang họat động rất hiệu quả.
Máy liên hợp
Ở Tây Ninh, bước đầu đã hình thành những vùng chuyên canh lúa, mía, mì… là cơ sở để phát triển cơ giới hóa. Theo đánh giá của Ngành nông nghiệp, cho đến nay, việc áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất ở Tây Ninh đạt tỷ lệ cao-tỷ lệ hơn 90%. Đối với cây lúa, hầu như đã được cơ giới hóa một cách đồng bộ trong những năm gần đây, là điều kiện để ngành nông nghiệp ứng dụng những công nghệ mới, có chiều sâu hơn trong thời gian tới, nhằm tăng hiệu quả trong sản xuất.
Thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp đại trà ở Tây Ninh, còn nhiều khó khăn, do hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn chưa tốt; trình độ công nghiệp chưa hỗ trợ nhiều cho cơ giới hóa nông nghiệp, các cơ sở cơ khí địa phương khó khăn về vốn, thiết bị còn lạc hậu, thiếu cán bộ chuyên môn…
Ngành nông nghiệp Tây Ninh đã định hướng tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, từng bước ứng dụng cơ giới hóa hiện đại và công nghệ cao trong quá trình sản xuất từ gieo trồng đến thu hoạch mang lại hiệu quả cao, thiết thực đem lại lợi nhuận cao cho người đầu tư./.
Chi cục QLCL
Ý kiến bạn đọc