Ớt là cây gia vị trồng được ở vùng nhiệt đới nhưng được tiêu thụ khắp nơi trên thế giới do có giá trị xuất khẩu rất cao ở các dạng sản phẩm như ớt tươi, ớt khô và ớt quả chế biến.
Ớt có nhiều công dụng mà ít người biết đến, ngoài việc ớt là loại gia vị không thể thiếu trong bửa ăn hằng ngày làm tăng cảm giác ngon miệng. Trong y học cổ truyền ớt còn chữa bệnh như: tiêu thực, giảm đau, chữa đau bụng do lạnh, tiêu hóa kém, đau khớp,… Ngoài ra, ớt còn giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, ngăn ngừa bệnh huyết áp,… vì trong quả ớt có chứa nhiều loại Vitamin: Vitamin C, B1, B2, acid citric, beta caroten,…
Trong chuyển đổi cây trồng ớt là loại cây dễ trồng cho hiệu quả rất cao. Tuy nhiên trong quá trình trồng ớt nông dân gặp nhiều trở ngại như chưa nắm vững cách phòng trừ sâu, bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa theo nguyên tắc 4 đúng làm tăng chi phí sản xuất, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Trên địa bàn huyện Châu Thành hiện nay cây ớt diện tích trồng ngày càng tăng, tập trung trồng ớt nhiều nhất tại 02 xã Long Vĩnh và xã Ninh Điền có diện tích trên 300 ha (vụ Đông Xuân 2015 – 2016).
Qua kiểm tra thực tế Trạm BVTV huyện phối hợp Ban nông nghiệp, Hội Nông Dân ở 02 xã Long Vĩnh và Ninh Điền phát hiện có đối tượng gây hại nặng trên ớt làm xoăn đọt ảnh hưởng đến năng suất với tổng diện tích nhiễm 246ha; nặng 111ha (>20%), trung bình 105ha (10-20%), nhẹ 30 ha ( 5- 10%).
Đa số nông dân sử dụng thuốc BVTV phối hợp nhiều loại thuốc, sử dụng trùng hoạt chất thuốc, phun thuốc nhiều lần trong vụ làm cho các đối tượng côn trùng chích hút có hiện tượng kháng thuốc, nên khi thời tiết không thuận lợi đã không khống chế được bọ trĩ gây hại (thời điểm kiểm tra bọ trĩ mật độ cao). Hiện tượng xoăn đọt ớt làm bệnh phát triển mạnh (do bọ trĩ là môi giới truyền virus).
Bệnh thường gây hại ở giai đoạn cây ra hoa kết trái cho đến thu hoạch, bệnh gây hại nặng trong mùa nắng nóng và nhẹ trong mùa mưa. Bệnh làm cho lá đọt non xoăn lại, lá không phát triển, lóng ngắn, cây trở nên giòn và dễ gãy. Bệnh nặng gây còi cọc, hoa bị vàng nhỏ và rụng, cây rất ít trái, trái nhỏ và vặn vẹo cuối cùng cây có thể chết.
Nguyên nhân:
Do thời tiết trong dịp tết nguyên đán có gió to liên tục, biên độ ngày và đêm chênh lệch cao, tạo điều kiện cho côn trùng chích hút phát triển mạnh, đặc biệt là bọ trĩ nhiễm mật độ cao. Nông dân chủ quan trong mấy ngày nghỉ tết không thăm đồng thường xuyên và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa áp dụng đúng theo nguyên tắc 4 đúng, chuẩn đoán bệnh chưa chính xác, một số nông dân khi thấy ngọn ớt bị xoăn đọt sử dụng thuốc bệnh.
Qua điều tra đa số nông dân còn sử dụng thuốc BVTV chưa áp dụng theo nguyên tắc 4 đúng.
- Chưa đúng thuốc: còn sử dụng thuốc không cho phép sử dụng trên rau, phun thuốc không đúng đối tượng sâu bệnh (một số nông dân khi bị xoăn đọt sử dụng thuốc bệnh hoặc chưa xác định rõ đối tượng phun kết hợp nhiều loại thuốc).
- Chưa đúng liều lượng, nồng độ: thường phun tăng liều dùng theo hướng dẫn trên bao bì hoặc kết hợp từ 2 đến 3 loại thuốc trong 01 bình phun và pha cùng 01 hoạt chất như điều tra hộ anh Sự ngụ tại ấp Trà Sim xã Ninh Điền huyện Châu Thành canh tác 1,2 ha anh sử dụng 14 loại thuốc chỉ có 03 hoạt chất: Indoxacarb, Buprofezin, Imidacloprid trong đó có 05 loại thuốc trùng hoạt chất Imidaclprid, thường phun ít nhất là 03 loại thuốc trên một bình phun, định kỳ 03 ngày phun 01 lần đây là phun hủy diệt côn trùng, sâu bệnh kháng thuốc, gặp thời tiết bất lợi không còn thiên địch nên sâu bệnh bộc phát.
- Chưa đúng lúc: hầu hết nông dân thường phun thuốc theo định kỳ khoảng 3 đến 4 ngày phun thuốc một lần, không điều tra mật độ, ngưỡng gây hại. Không phun thuốc lúc sâu còn tuổi nhỏ, bệnh mới xuất hiện.
- Chưa đúng cách: phun thuốc chưa đúng nơi dịch hại ẩn nấp (côn trùng chích hút chủ yếu ở mặt dưới lá), nông dân phun thuốc lúc trời nắng gắt, gió to.
Biện pháp phòng trừ bệnh:
+ Điều tra xác định đối tượng sâu, bệnh hại hiện diện trên đồng ruộng để có biện pháp xử lý đúng kỹ thuật.
+ Khuyến cáo nông dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc; đúng liều lượng, nồng độ; đúng lúc và đúng cách.
Đối với bệnh virus không có thuốc đặc trị nhưng các biện pháp phòng bệnh mang lại hiệu quả cao.
+ Khuyến cáo nông dân nhổ bỏ cây bị nhiễm virus: khi phát hiện cây bị nhiễm virus nên nhổ bỏ mang đi tiêu hủy( bỏ vào bao mang đốt, đào hố rãi vôi) và vệ sinh đồng ruộng bằng cách rãi vôi tại cây đã nhổ bỏ.
+ Khuyến cáo nông dân thực hiện tốt nguyên tắc 4 đúng: sử dụng đúng thuốc diệt đúng đối tượng gây hại, chỉ phun thuốc diệt côn trùng khi mật độ cao ảnh hưởng đến sinh trưởng cây trồng. Chọn bộ thuốc để phun không phun 02 lần/ vụ, không pha chung nhiều loại thuốc/lần phun. Không phun thuốc định kỳ 3 đến 4 ngày phun/ lần.
+ Thành lập tổ liên kết nông dân cùng cánh đồng gieo trồng cùng một thời điểm, điều tra phát hiện khi thấy dịch hại tới ngưỡng phòng trị sử dụng thuốc đồng loạt để phòng trị hiệu quả cao (giảm chi phí phun nhiều lần, sâu lâu kháng thuốc).
Sau khi phun thuốc tiến hành chăm sóc tưới nước, bón phân sử dụng thuốc dưỡng cho cây mau phục hồi.
Bệnh do virus gây ra hiện nay chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên chúng ta có thể quản lý một cách hữu hiệu hiệu bằng cách quản lý con đường lây lan. Để quản lý được bệnh, chúng ta cần phải áp dụng nhiều biện pháp mới đạt hiệu quả.
Vệ sinh tàn dư cây trồng của vụ trước nhất là những cây ký chủ của virus thuốc lá , cây họ bầu bí, cà chua, cà tím … tránh trồng gần ruộng các loại cây nêu trên ở giai đoạn lớn hoặc giai đoạn sắp thu hoạch. Vệ sinh các loại cỏ và cây dại quanh bờ gần khu vực vườn ươm.
Xử lý hạt giống với Iprodion 50% WP 60g cho 1 kg hạt giống để phòng ngừa bệnh từ hạt.
Nên luân canh với loại cây không bị nhiễm bệnh không xen canh hoặc luân canh với cây cùng họ. Không tiếp tục trồng lại nơi đã bị nhiễm bệnh. Có thể khử đất bằng rãi vôi để nhằm giảm bớt mật số mầm bệnh, bón phân cân đối.
Biện pháp hóa học: sử dụng thuốc hóa học sinh học Abamectin, Ebamectin, Spinetoram, Imidacoldrid, Phenpropatrim, Lamda cyhalotrin hoặc có thể dùng thuốc thảo mộc có hoạt chất Matrin pha đúng liều lượng khuyến cáo phun kỹ đúng lượng nước pha cho bình phun, phun ướt đều mặt lá phun lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Tiếp tục theo dõi và luân phiên gốc thuốc để đạt hiệu quả cao.
Chú ý: Ớt là loại rau được thu hoạch liên tục nên khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần chọn lọc những loại thuốc ít độc, có thời gian cách ly ngắn. Khi thu hoạch tuyệt đối bảo đảm đúng thời gian cách ly để an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng./.
Trạm BVTV Châu Thành
Ý kiến bạn đọc