Công tác bảo vệ thực vật đối với bệnh Lỡ cổ rễ trên cây khoai mì tại Tây Ninh

Thứ năm - 20/10/2016 22:00 920 0

I. Đặc điểm tình hình

Cây mì là loại cây chịu hạn, dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, nhất là phòng trừ dịch hại cây trồng. Tuy nhiên trong vài năm gần đây, lợi ích kinh tế cây mì mang lại khá khả quan và giá của một số nông sản như cao su, mía, lúa, … không ổn định, do đó nhiều hộ nông dân đã chuyển đổi cây trồng khác sang trồng mì và diện tích gieo trồng cây mì gia tăng liên tục theo từng năm, được thâm canh rộng rãi trên nhiều chân đất ngay cả trên đất lúa. Cùng với việc tăng diện tích, đầu tư thâm canh cao mà không áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp theo hướng bền vững đã tạo điều kiện cho nhiều loại sâu bệnh phát triển gây hại, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ. Từ năm 2014, trên cây mì xuất hiện cục bộ một loại bệnh mới là bệnh lỡ cổ rễ, nông dân còn gọi là bệnh thối củ. Từ năm 2015 đến nay, bệnh phát sinh gây hại tại nhiều vùng trồng mì trọng điểm và có xu hướng gia tăng cả về mức độ gây hại. Về nguyên nhân có thể là do: Nguồn giống cây trồng bị nhiễm bệnh; thâm canh trồng liên tục cây mì trong thời gian dài tích lũy nguồn bệnh; chưa thực hiện tốt khâu vệ sinh đồng ruộng, sau thu hoạch chủ yếu cày vùi tàn dư vào đất ngay cả nguồn bệnh từ vụ trước; bón phân chủ yếu là phân hóa học, rất ít hộ sử dụng phân hữu cơ, do đó làm đất nghèo dinh dưỡng; hoặc trồng trên đất thấp, tiêu thoát nước kém, ẩm độ đất cao làm củ bị thối, ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng củ.

II. Tình hình bệnh lỡ cổ rễ  gây thối gốc, thối củ cây khoai mì tại Tây Ninh

- Năm 2014: Bệnh thối cổ rễ trên cây khoai mì đã được ghi nhận phát sinh cục bộ, rải  rác.


- Năm 2015: Bệnh phát sinh gây hại 971 ha mì giai đoạn 7 – 10 tháng tuổi, tỷ lệ nhiễm bệnh 3 – 10%, phân bố tại các huyện Tân Châu (905,5 ha), Châu Thành (30 ha), Hòa Thành (6,5 ha) và Gò Dầu (6 ha).

- Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng diện tích mì  bị nhiễm bệnh là 125 ha, mì ở giai đoạn từ 3 – 9 tháng, phân bố tại các huyện Tân Châu (108 ha), Dương Minh Châu (3 ha), Hòa Thành (10 ha), Tân Biên (4 ha).

Củ mì bắt đầu bị thối tại xã Tân Hưng – Tân Châu vào tháng 6/2016

 Những tháng đầu năm 2016 do hiện tượng El nino nắng hạn kéo dài nên tình hình bệnh lỡ cổ rễ (thối gốc, củ) trên cây mì phát sinh rải rác. Tuy nhiên vào khoảng trung tuần tháng 6 đến nay thời tiết mưa nhiều và liên tục nên đây là điều kiện thuận lợi để nấm bệnh gây bệnh lỡ cổ rễ phát sinh gây hại; nhất là những ruộng vụ trước bị nhiễm bệnh, ruộng thoát nước kém thì nguy cơ bệnh phát triển nhanh về diện tích nhiễm và mức độ hại.

III. Các công việc đã và đang triển khai thực hiện để phục vụ sản xuất

Trước sự phát sinh gây hại của bệnh, trong thời gian qua nhằm tìm giải pháp xử lý bệnh lỡ cổ rễ gây hại cây mì trên địa bàn tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật  chủ động phối hợp với Bộ môn bảo vệ thực vật thuộc trường Đại học Nông Lâm để thực hiện nghiên cứu cơ bản về bệnh hại; song song đó cũng đã phối hợp với một số công ty kinh doanh vật tư nông nghiệp có sản phẩm phù hợp khảo sát thử nghiệm một số loại thuốc trừ bệnh và áp dụng biện pháp phòng trừ dịch bệnh tổng hợp ngay từ đầu vụ. Bước đầu nhận thấy một số loại thuốc thử nghiệm trên cây mì cho kết quả khả quan; còn các mô hình phòng trừ sinh học, tổng hợp đang theo dõi, đánh giá hiệu quả trong 01 vụ sản xuất. Cụ thể như:

+ Đã xây dựng quy trình phòng trừ tổng hợp tạm thời để khuyến cáo, hướng dẫn nông dân áp dụng thông qua lớp tập huấn, Đài phát thanh hoặc trực tiếp tại một số hộ sản xuất.

+ Tổ chức điều tra, theo dõi, giám sát sự phát sinh của bệnh tại một số vùng sản xuất thuộc 5 huyện trồng mì trọng điểm là Tân Châu, Tân Biên, Dương Minh Châu, Châu Thành và Hòa Thành.

+ Phun thử nghiệm thuốc hóa học trừ bệnh tại xã Trường Đông huyện Hòa Thành, gồm các loại thuốc như: Aliette 800WP, Monceren 250SC, Anfaron 25WP,  Reward 775WP. Đã phun 02 lần cách nhau 7 ngày, kết quả bước đầu cho thấy có hiệu quả trừ bệnh, vết bệnh khô, cây phục hồi phát triển.

+ Khảo sát thử nghiệm 02 mô hình phòng trừ bệnh bằng chế phẩm sinh học Trichoderma tại xã Trường Đông huyện Hòa Thành. Mô hình xuống giống trong tháng 01/2016, cây sinh trưởng tốt, chưa phát hiện bệnh trên ruộng mô hình và ruộng đối chứng canh tác của nông dân bắt đầu xuất hiện bệnh rải rác; hiện đang tiếp tục theo dõi tình hình nhiễm bệnh trên ruộng để có kết quả đánh giá vào cuối vụ. Còn 01 mô hình xuống giống trong tháng 5/2016, chưa xuất hiện bệnh.

+ Khảo sát thử nghiệm 02 mô hình phòng trừ bệnh tổng hợp tại Thị trấn Tân Châu và xã Trường Đông huyện Hòa Thành trong tháng 6/2016.

+ Phối hợp Bộ môn BVTV - Trường ĐH Nông Lâm thực hiện các nghiên cứu cơ bản về bệnh trên địa bàn tỉnh, trước mắt trong năm 2016 sẽ xác định tác nhân gây bệnh, thử nghiệm các biện pháp phòng trừ trong phòng thí nghiệm. Về tác nhân gây bệnh, cơ bản bước đầu xác định được là do nấm gây ra. Đang tiếp tục khảo sát các yếu tố liên quan đến bệnh và thử nghiệm các biện pháp phòng trừ.

+ Trong quý 3 - 4/2016 sẽ tổ chức tập huấn, thông tin tuyên truyền qua Đài truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh huyện xã để hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ.

           IV. Khuyến cáo giải pháp phòng trừ tạm thời

           Trước tình hình bệnh lỡ cổ rễ  gây thối gốc, thối củ cây khoai mì diễn biến phức tạp trong điều kiện hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật có một số khuyến cáo để các hộ sản xuất áp dụng như sau:

           * Đối với diện tích mì đang sản xuất trên đồng:

           - Tiêu thoát nước tốt cho ruộng mì;

          - Hạn chế phun các loại phân bón qua lá có chứa chất tạo củ sẽ làm nứt củ là điều kiện để các tác nhân như nấm, vi khuẩn xâm nhập gây hại;

           - Thường xuyên thăm đồng để phát hiện bệnh sớm và có hướng xử lý kịp thời.  

           * Đối với diện tích mì đang bị bệnh lỡ cổ rễ:

           - Tiêu thoát nước tốt cho ruộng mì nhằm hạn chế lây lan và bệnh bị nặng hơn, do bệnh phát sinh mạnh trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, ẩm độ đất cao.

- Đối với cây mì mới bị nhiễm bệnh ở giai đoạn < 6 tháng tuổi, bệnh mới xâm nhập vào phần gốc chưa gây thối củ: Có thể xử lý bằng một trong các loại thuốc trừ bệnh có hoạt chất như: Fosetyl Aluminium (Aliette 800WP,…), Pencycuron (Monceren 250SC, Anfaron 25WP,…), Kasugamycin + Copper Oxychloride (Reward 775WP,…). Phun ướt phần gốc cây khoai mì với liều lượng theo khuyến cáo trên nhãn thuốc. Tùy theo mức độ nhiễm bệnh trên đồng có thể phun 2 – 3 lần, khoảng cách giữa 2 lần phun 7 ngày. 

          + Đối với cây mì bị nhiễm bệnh ở giai đoạn sau 6 tháng tuổi hoặc đã bị thối củ: Tiến hành thu hoạch sớm khi quan sát thấy trên đồng ruộng bệnh có chiều hướng lây lan nhằm hạn chế thất thu vào cuối vụ.

            + Tiêu hủy tàn dư cây mì sau thu hoạch để hạn chế nguồn bệnh tích luỹ vào trong đất gây hại nặng cho vụ mì sau.

           * Đối với vụ mì mới: Tùy theo vùng đất trồng mà chọn kỹ thuật canh tác cho phù hợp.

            1- Luân canh cây trồng khác từ 2 – 3 vụ nếu ruộng bị bệnh nặng. 

2- Vệ sinh đồng ruộng.

3- Sử dụng cây giống không nhiễm bệnh để làm giống.

4- Bón vôi trước khi trồng 15 ngày, sử dụng phân hữu cơ có chế phẩm sinh học Trichoderma  hoặc dùng chế phẩm sinh học Trichoderma trộn với phân hữu cơ hoai mục để bón lót.

5- Lên luống cao trên chân đất thấp.

6- Không trồng mật độ quá dày.

7- Bón phân cân đối giữa N – P – K, không bón quá nhiều phân đạm.

8- Vào mùa khô tưới ẩm vừa đủ và mùa mưa tạo rãnh mương để tiêu thoát nước tốt cho ruộng mì.

           Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục thực hiện biện pháp phòng trừ thực nghiệm trên đồng, phối hợp các cơ quan chuyên môn, chuyên gia để có giải pháp hữu hiệu quản lý bệnh bền vững hơn./.

 

                                                                                   Chi cục Trồng trọt và BVTV

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây